(Dân trí) - Để cảm ơn người dân xã Phú Gia vì phò vua cứu nước, vua Hàm Nghi đã ban tặng 2 con voi vàng và nhiều báu vật. Suốt hơn một thế kỷ qua, người dân nơi đây gìn giữ, xem nó như là "linh hồn" của làng xã.
Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi) chạy ra vùng núi phía bắc lánh nạn. Đến xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), vua Hàm Nghi dừng chân lập căn cứ địa Sơn Phòng và ban bố hịch Cần Vương lần 2 chống giặc Pháp.
Khi căn cứ bị quân Pháp tấn công, vua Hàm Nghi chạy vào đền Trầm Lâm (xã Phú Gia) ẩn náu. Trong giấc mơ, nhà vua được Thánh mẫu báo mộng quân giặc sắp tới vây ráp, nếu không rời đi muôn dân sẽ bị sát hại.
Ngay khi tỉnh giấc, nhà vua rung chuông mời cận thần lại để sắc phong danh hiệu "Thượng thượng đẳng tối linh thần" cho đền Trầm Lâm. Trước khi vào Quảng Bình, nhà vua đã ban tặng người dân xã Phú Gia 2 con voi bằng vàng (một con 27 chỉ, một con 17 chỉ), một con voi bằng đồng, 2 thanh bảo kiếm và nhiều báu vật khác để cảm ơn người dân vì phò vua, cứu nước.
3 con voi được đựng trong hộp thiếc. Voi bằng đồng được đúc theo tư thế đang lâm chiến, vòi dài uốn cong vào tai phải, ngà cụt. Còn 2 con voi vàng tạc theo tư thế đứng nhàn nhã, vòi buông thẳng, ngà nhọn, mắt tròn, có nịt cổ và mang ngai vàng trên lưng.
Những con voi này tuy kích thước nhỏ (con lớn nhất cao 4cm, dài 7cm, lưng rộng 2,5cm; con nhỏ nhất cao 2,5cm, dài 3cm, lưng rộng 1cm), nhưng đều toát lên dáng vẻ uy nghi vì nét chạm trổ sinh động.
Những báu vật vua Hàm Nghi ban tặng người dân xã Phú Gia, không phải ai muốn cũng được chiêm ngưỡng, vì phải có sự đồng ý của "bề trên". Để biết "bề trên" có đồng ý hay không thì cổ đạo chủ (người trông coi bảo vật) phải thắp nhang khấn xin.
Nghi lễ tiến hành gieo quẻ âm dương - một sấp, một ngửa nghĩa là "bề trên" đã đồng ý, còn hai sấp hoặc hai ngửa có nghĩa là thần linh đã từ chối cho xem.
Sau khi liên hệ với chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia dẫn tới gia đình cụ Trần Văn Nhung (SN 1924), ở thôn Hòa Nhượng. Cụ Nhung vinh dự đã 13 lần được nhận nhiệm vụ trông coi những báu vật vua Hàm Nghi ban tặng cho người dân nơi đây.
Sau lời giới thiệu, cụ Nhung đi vào khoác lên mình bộ áo dài truyền thống màu đỏ, trang nghiêm tiến lại bàn thờ với linh ảnh vua Hàm Nghi. Cụ thắp nén hương lên bàn thờ rồi đọc bài cúng Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm, cầu nguyện cho quốc thái dân an.
Sau đó, cụ báo tên từng người đến thăm viếng, xin phép được tìm hiểu về những báu vật của vua ban. Cụ nhẹ nhàng tung hai đồng xu và vui vẻ khi thấy một sấp, một ngửa.
"Không phải ai xin quẻ cũng được. Trước đây có đoàn lãnh đạo ở tỉnh lên thắp hương với mong muốn được trực tiếp xem báu vật của vua, nhưng xin quẻ không được. Hôm nay cháu rất may mắn đấy", cụ Nhung quay sang nói với chúng tôi.
Những báu vật vua ban tặng có giá trị lớn khiến không ít kẻ xấu luôn tìm cách tiếp cận để tráo đổi, đánh cắp. Chính vì thế những báu vật này mỗi năm chỉ xuất hiện một lần vào ngày Lễ rước sắc phong của vua Hàm Nghi. Những ngày còn lại, người dân muốn đến chiêm ngưỡng những báu vật này cũng không được.
Dù được bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng một trong 2 con voi bằng vàng này cũng đã từng bị đánh cắp và đưa sang tận đất nước Lào.
Người làng kể lại, vào năm 1936, con voi vàng nhỏ đã bị Lê Yêm, con trai của cổ đạo chủ Lê Triết, mang sang Lào bán để lấy tiền mua đàn bò. Nhưng trên đường trở về, Lê Yêm đã bị một con bò húc vào bụng chết ngay tại chỗ.
Chưa dừng lại ở đó, người bạn đồng mưu với Lê Yêm là Lưu Duyên ở nhà bỗng nhiên phát bệnh điên. Lo sợ sẽ tiếp tục gặp quả báo, gia đình cổ đạo chủ đã phải sang Lào để tìm và chuộc lại con voi vàng.
Sau lần voi vàng bị đánh cắp ấy, công tác cất giữ, bảo vệ những báu vật này cũng cẩn trọng và nghiêm ngặt hơn. Giờ đây, tuy đã giao báu vật vua ban tặng cho cổ đạo chủ cất giữ trong két sắt nhưng lãnh đạo UBND xã giữ chìa khóa két.
Người canh giữ báu vật gọi là cổ đạo chủ. Theo lệ làng, vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân và các cụ cao niên trong làng tổ chức lễ Hạ Keo xin "bề trên" chứng giám chọn cổ đạo chủ mới.
Sau khi được thần linh ủy thác, dân làng tín nhiệm, Ban lễ nghi Lễ hội rước Sắc phong của vua Hàm Nghi sẽ tổ chức đưa báu vật vua ban tặng từ nhà cổ đạo chủ cũ sang nhà cổ đạo chủ mới. Người này phải bảo quản, canh giữ, không được làm thất lạc và một nhiệm kỳ làm cổ đạo chủ kéo dài 2 năm.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, việc chọn người canh giữ báu vật rất khắt khe, ngoài là người có đạo đức, liêm khiết, cẩn trọng, am hiểu tế tự, gia đình hòa thuận, được người dân tín nhiệm thì phải sống thọ cả ông và bà.
Trải qua hơn một thế kỷ, đã có hơn 50 vị cao niên trong làng được thần linh "ủy thác" trao chức cổ đạo chủ. Hiện người được tín nhiệm làm cổ đạo chủ là cụ Trần Văn Nhung. Đây cũng là lần thứ 13 cụ vinh dự được nhận nhiệm vụ thiêng liêng, tự hào này.
Mỗi cổ đạo chủ đều có cách riêng để giữ bảo vật.
"Được chọn làm người canh giữ báu vật là một vinh dự lớn đối với tôi và gia đình. Trong nhà, cả vợ và các con tôi đều lo chu tất việc thờ phụng nhà vua và báu vật vua ban. Tôi nghĩ, nếu mình chăm lo chu tất thì sẽ được nhà vua phù hộ, độ trì cho quốc thái dân an", cụ Nhung chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia chia sẻ thêm, báu vật vua Hàm Nghi ban tặng được các thế hệ giữ gìn, thể hiện lòng kính trọng của người dân đối với vị vua trẻ có lòng yêu nước, thương dân.
"Những báu vật vua Hàm Nghi ban tặng là vô giá, là linh hồn của làng xã. Không chỉ những người được giao trọng trách làm cổ đạo chủ, thế hệ trẻ trong làng đều trân trọng và góp sức gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp trong đời sống", Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia chia sẻ.
Nội dung: Xuân Sinh
Thiết kế: Tuấn Huy