Vì sao TPHCM, Bình Dương ngập nặng, có nơi trôi ô tô?
(Dân trí) - Trong nửa đầu tháng 10, các thành phố vùng Đông Nam Bộ lần lượt ngập nặng. Đây không phải ngập lần đầu, cũng không phải lần ngập nặng nhất tại các đô thị này suốt mùa mưa ở miền Nam năm nay.
Những ngày tháng 10, các tỉnh Đông Nam Bộ đón liên tiếp những cơn mưa lớn, kéo dài. Ô tô trôi bồng bềnh giữa đường ở Bình Dương tối 15/10, người dân đợi một giờ mới qua được điểm ngập trên đường ở Đồng Nai tối 12/10, nước ngập đến yên xe ở TPHCM trưa 10/10...
"Mưa lớn kết hợp triều cường sẽ rất dễ gây ngập đô thị. Hệ thống thoát nước có tốt cũng khó tránh khỏi ngập", ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ, nhận định.
Ngập sâu, ngập lênh láng
Đêm 15/10, tại địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra mưa lớn từ khoảng 18h đến 21h. Nhiều nơi tại TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An bị ngập. Đến 12h ngày 16/10, sau nhiều giờ, khu dân cư phường An Thạnh (TP Thuận An) vẫn ngâm mình trong nước. Người dân lánh nạn về vẫn chưa thể dọn dẹp nhà cửa.
"Đêm qua, nhiều người trong xóm phải di tản, không dám ngủ ở nhà", anh Nguyên (38 tuổi, hộ dân bị ngập) thất thần kể lại.
Theo anh Nguyên, những lần mưa trước cũng có ngập nhưng không nặng như trận mưa tối 15/10. Gia đình anh bị thiệt hại nặng nề về tài sản.
Nước dâng lên nhà bà Hải (58 tuổi) hơn 1m. Theo bà Hải đây là trận mưa lớn gây ngập kinh khủng nhất từ đầu mùa mưa đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến gia đình bà, dù đã chuyển đồ đạc lên cao nhưng nhiều vật dụng vẫn bị dính nước. Đêm hôm đó, bà phải đến nhà người thân để ngủ nhờ.
Một người phụ nữ sống tại con hẻm trên đường An Thạnh 10 (TP Thuận An) cho hay, bà mới mua nhà được hơn 1 năm, khi mua không hề biết tại đây cứ mưa là ngập. "Nếu biết trước ngập thì đã không mua căn nhà trên để ở", người phụ nữ thở dài.
Theo ghi nhận của phóng viên, tất cả khu vực bị ngập sau cơn mưa lớn kéo dài ở Bình Dương đều là những địa điểm đã từng xảy ra ngập nếu xảy ra mưa lớn. Chính vì vậy, người dân đã có kinh nghiệm ứng phó kịp thời nên không thiệt hại nặng nề. Trước đó, ngày 22/6, 2/10 và 12/10 tại Bình Dương cũng xảy ra mưa lớn gây ngập nặng ở nhiều nơi.
Ở Đồng Nai, mùa mưa năm nay cũng diễn biến phức tạp gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Anh Lê Văn Phát (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm việc ở TP Thủ Đức (TPHCM), ngày nào cũng đi lại trên quốc lộ 1K. Cứ trời mưa là con đường này đoạn giáp ranh giữa TP Biên Hòa (Đồng Nai) và TP Dĩ An (Bình Dương) lại ngập. Ngày 12/10 vừa qua, anh Phát phải đợi gần 1 giờ mới qua được điểm ngập.
Tối 13/7, cơn mưa lớn gây ngập hầm chui Tân Phong trên đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa) sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động. Trong mùa mưa năm nay, nhiều tuyến đường "cứ mưa lớn là ngập" như quốc lộ 1K qua phường Hóa An, ngã 3 Trảng Dài…
Chiều 4/6, cơn mưa lớn bất thường đổ xuống thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) khiến khu phố Hiệp Phước tan hoang. Dòng nước quét qua làm 141 hộ dân và 121 phòng trọ bị thiệt hại. Nghiêm trọng, dòng nước đã làm sập 2 căn nhà của người dân; hư hỏng 3 ki ốt đang kinh doanh, 1 phòng trọ và sập 6 hàng rào gạch.
Còn vào tối 24/9, trận mưa lớn kéo dài hơn một giờ khiến nhiều tuyến đường nội ô TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngập 20-40cm, nhiều xe chết máy, giao thông rối loạn, rác tràn vào nhà dân.
Ngập do tác động tự nhiên
Sáng 16/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cùng UBND TP Thuận An đã khảo sát các vị trí bị ngập nước.
Theo ghi nhận, khu vực phường An Thạnh (TP Thuận An) nằm tiếp giáp với nhánh sông Sài Gòn. Gần khu vực ngập có nhiều kênh thoát nước, phục vụ cho tưới tiêu của người dân. Vì vậy, mưa lớn kết hợp triều cường, nước dâng cao tràn vào bờ dẫn đến ngập cục bộ.
Tại đường Thích Quảng Đức (TP Thủ Dầu Một) nước sâu nhất đoạn ngã ba Cống, do nơi đây tiếp giáp với kênh nước nối ra kênh Bưng Cải. Vì vậy, khi mưa lớn, lượng nước đổ về lớn không kịp thoát dẫn đến ngập. Hầu hết, sau mưa khoảng một giờ, nước tại các khu vực nước úng đều rút nhanh. Những khu vực khác tại Bình Dương rất ít khi xảy ra ngập.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Đình Quyết (Đài KTTV Nam Bộ) cung cấp thông tin, trận mưa đêm 15/10 vừa qua tại Bình Dương hứng vũ lượng khá cao (40-70mm). Hôm đó cũng là mùng 1 Âm lịch ngày xuất hiện triều cường cao. Hai yếu tố này khiến nước càng dâng cao, không kịp thoát dẫn đến ngập.
Phó trưởng phòng Dự báo - Đài KTTV Nam Bộ cũng giải thích thêm, đặc điểm mưa tại TPHCM và Nam Bộ vào mùa mưa là đa số những trận mưa xảy ra vào chiều tối, những trận mưa này chủ yếu đến từ gió mùa Tây Nam.
Song, vẫn có những ngày diễn ra mưa vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Dạng mưa như vậy có thể do ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới, có vùng hội tụ gió, ẩm ngay trên khu vực, hoặc hội tụ gió Tây Nam.
Chuyên gia Đài KTTV Nam Bộ đưa ra dự báo, từ nay tới cuối tháng 10, đầu tháng 11 là thời điểm chuyển mùa, kết thúc mùa mưa, bắt đầu chuyển sang mùa khô, nhưng vẫn sẽ còn những trận mưa to, có khi vũ lượng lên tới 100mm, cũng khiến nguy cơ ngập vẫn cao tại TPHCM, địa phương lân cận cũng như một số tỉnh thành Nam Bộ. Do đó, các địa phương vẫn cần hết sức đề phòng.
Cũng theo Đài KTTV Nam Bộ, triều cường ở TPHCM thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 1 Dương lịch.
Theo một chuyên gia môi trường phân tích, khu vực TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung có địa hình đô thị phần lớn trũng thấp hơn 2m so với mực nước kênh rạch, sông ngòi. Các địa phương nằm trong vùng cửa sông như TPHCM, Đồng Nai dễ bị ngập hơn.
Đồng thời, khu vực nằm ở vùng lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, có chế độ thủy văn - thủy lực chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều biển Đông (khi có triều cường thì trong một ngày có 2 lần triều dâng lên và 2 lần triều rút).
Bên cạnh đó, các tỉnh Đông Nam Bộ còn chịu tác động của việc khai thác hồ thủy điện, hồ chứa nước ở thượng lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn như hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước); hồ Thác Mơ (Bình Phước)...
Ngập do đô thị hóa
Cơ quan chức năng các địa phương nhận định, nguyên nhân gây ngập do tốc độ đô thị hóa nhanh; nhiều rác chắn miệng cống thoát nước; hệ thống thoát nước mưa của thành phố chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TPHCM, thông tin, nguyên nhân chính gây ra ngập sâu trên địa bàn TPHCM là hệ thống cống của toàn địa phương còn chưa được đầu tư để đáp ứng vũ lượng mưa. Nhiều tuyến đường chưa có hệ thống gom nước.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, thời gian tới vẫn xảy ra ngập tại những nơi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, nâng cấp, đặc biệt khi có các trận mưa vượt tần suất thiết kế.
Ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TPHCM, thông tin thêm, hệ thống thoát nước trên địa bàn đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, với nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước. Bên cạnh đó, nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước.
"Trước năm 2000, thông thường TPHCM chứng kiến trận mưa trên 95mm trong 3 giờ với chu kỳ 5 năm 1 lần. Trong 5 năm qua, hầu như năm nào cũng có nhiều trận mưa trên 100mm, thậm chí trên 150mm trong vòng 1 giờ", ông Đỗ Tấn Long phân tích.
Người dân và công nhân đơn vị cấp thoát nước TPHCM luôn có mặt kịp thời tại các điểm ngập, xử lý rác tồn đọng ở miệng cống để nước rút nhanh hơn (Ảnh: Nam Anh).
Nói về nguyên nhân gây ngập, lãnh đạo Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng nhận định một phần do người dân xả rác bừa bãi gây bít cống thoát nước trên các tuyến đường.
Nói riêng về tình trạng ngập úng trên địa bàn quận 7, ông Đỗ Tấn Long cho biết, đặc điểm địa hình địa phương tương đối thấp, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường, bên cạnh đó hệ thống kiểm soát triều đang được đầu tư nhưng chưa hoàn thành nên chưa phát huy hiệu quả.
Hiện tại, TPHCM đã có đề án chống ngập và xử lý nước thải trong cả giai đoạn dài, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, từng năm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho rằng, nguyên nhân ngập nước năm nay ở địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng và nghiêm trọng do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu vực được bê tông hóa, trong khi hệ thống thoát nước chưa đồng bộ.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, đầu năm đến nay, thành phố có 25 tuyến đường bị ngập nước (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, 7 tuyến đường bị ngập do triều cường. Khu vực ngập do mưa nhiều nhất ở TP Thủ Đức với 8 tuyến, quận Gò Vấp với 5 tuyến và 4 tuyến ở quận Tân Phú, Bình Tân.
Toàn tỉnh Đồng Nai đang có 39 điểm ngập ở đô thị. Để chống ngập, tại TP Biên Hòa đang triển khai có nhiều dự án nạo vét suối và các điểm ngập kéo dài nhiều năm.
Tại Bình Dương triều cường lên thường gây ngập các tuyến đường trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An (suối Ông Ngởi, suối Sâu, suối Năm Thậm ở phường Tân Bình) bị sạt nhiều đoạn bờ, gây ngập hơn hàng chục nhà dân. TP Thuận An triều tràn khoảng 1.820m bờ rạch, độ sâu ngập 0,2m-1m, diện tích ngập 175 ha, ảnh hưởng hơn 600 hộ dân.