Trụ đá "mẹ bồng con" nhiều lần bị sét đánh ở Thanh Hóa
(Dân trí) - Trên đỉnh núi Nhồi (phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nổi bật một trụ đá mang hình dáng người phụ nữ bồng con. Dân gian vẫn thường gọi là Hòn Vọng Phu.
Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 3km, núi Nhồi còn có tên gọi khác là núi Khế, núi An Hoạch, Nhuệ Sơn hay núi Vọng Phu. Núi Nhồi thuộc địa phận phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa (trước đây là địa phận hai xã Đông Hưng và Đông Tân, huyện Đông Sơn).
Trên đỉnh núi Nhồi có một trụ đá sừng sững mà người dân vẫn thường gọi là Hòn Vọng Phu, cao khoảng 20m.
Theo truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, từ thuở xa xưa, có một đôi vợ chồng nghèo khó nhưng hết mực yêu thương nhau. Một ngày nọ, họ nghe nói về loài cỏ quý có thể đổi được bạc, vàng. Vì không muốn vợ con chịu cảnh khổ cực, người chồng đã lên đường đi tìm cỏ quý.
Nhiều năm trôi qua, không thấy chồng trở về, người vợ bèn bồng con trèo đèo, vượt suối tìm chồng. Đến một ngày, người mẹ bồng con tìm đến một ngọn núi cao với hy vọng đứng từ đây sẽ tìm thấy người chồng yêu quý. Thế rồi, người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi, mặt ngoảnh ra biển Đông đợi chồng đến hóa đá ngàn năm…
Người dân địa phương cho biết, Hòn Vọng Phu đã nhiều lần bị sét đánh. Lần gần đây nhất vào tháng 6/2022, sét đã đánh trúng Hòn Vọng Phu, gây sạt lở khối đá với kích thước 1x3m (ở phía Tây) và khối đá kích thước 2,5x3m (ở phía Đông).
Hòn Vọng Phu đã bị vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt và đang nghiêng theo phương thẳng đứng từ 10 đến 15 độ, có nguy cơ đổ sập nếu tiếp tục bị sét đánh.
Để bảo vệ Hòn Vọng Phu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá, cho xây dựng hệ thống chống sét, làm rào chắn, biển cảnh báo, nghiêm cấm người dân lên núi tham quan, thắp hương…
Mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu cùng một số di tích khác nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch như: Chùa Tiên Sơn (tức chùa Quan Thánh), Chùa Hình Sơn (tức chùa Thánh Mẫu), Đình Thượng (còn gọi là đình Bốn Ban), Lăng Quận Mã (hay lăng Lê Trung Nghĩa) đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1992.
Vào các dịp lễ, Tết… nơi đây là một trong những điểm đến thu hút một số lượng lớn du khách thập phương tới dâng hương, vãn cảnh.