DNews

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từng "chung mái nhà Hà Bắc"

Thế Kha

(Dân trí) - Năm 1962 tỉnh Bắc Giang từng sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Đến ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Bắc lại tách ra thành Bắc Giang, Bắc Ninh như hiện nay.

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từng "chung mái nhà Hà Bắc"

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang được giao chủ trì kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh với Bắc Ninh. Thời gian nộp hồ sơ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 1/5, thời điểm lấy ý kiến cử tri vào ngày 20/4.

Nhìn lại lịch sử, năm 1962 tỉnh Bắc Giang từng sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và đến ngày 1/1/1997 lại tách ra như cũ.

Tỉnh Hà Bắc tồn tại từ năm 1962-1996

Tỉnh Bắc Giang hiện nay là nơi tụ cư của 45 dân tộc anh em, gồm Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chí, Sán Dìu... Nơi đây có địa thế thuận lợi, nằm trong khu vực Bắc Bộ, đất đai được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; có núi cao bao bọc, nhiều lâm sản quý.

Thời các vua Hùng, Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang, dưới triều Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) thuộc huyện Long Biên, thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời Hậu Lê thuộc thừa tuyên Kinh Bắc, sau đổi thành trấn Kinh Bắc, trấn Bắc Ninh.

Dưới đời vua Minh Mạng (1821), Bắc Giang thuộc phủ Thiên Phúc; năm 1831, đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 10/10/1895 Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh và các huyện Kim Anh, Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế và một số tổng nằm ở phía nam sông Lục Nam. Tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương (ngày nay là thành phố Bắc Giang).

Năm 1896, phủ Đa Phúc và huyện Kim Anh được trả lại cho tỉnh Bắc Ninh.

Sau năm 1945 khi bỏ cấp phủ, gọi chung là huyện, tổ chức hành chính trên địa bàn Bắc Giang gồm thị xã Phủ Lạng Thương và 7 huyện Hiệp Hòa, Hữu Lũng, Lạng Giang, Lục Ngạn, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế.

Năm 1950, tỉnh Bắc Giang thuộc Liên khu Việt Bắc và gồm 7 huyện là Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Hữu Lũng.

Trong thời gian từ năm 1955-1957, huyện Sơn Động từ tỉnh Quảng Yên trả về tỉnh Bắc Giang; huyện Hữu Lũng sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn thuộc Khu tự trị Việt Bắc; huyện Phú Bình (Thái Nguyên) được nhập vào tỉnh Bắc Giang, nhưng đến tháng 6/1957 lại trả về tỉnh Thái Nguyên.

Đầu năm 1957, thành lập huyện Lục Nam từ một số xã của các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động và 3 xã của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Năm 1959, thị xã Phủ Lạng Thương được đổi tên thành thị xã Bắc Giang.

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từng chung mái nhà Hà Bắc - 1

Một góc thành phố Bắc Giang (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Ngày 27/10/1962, Bắc Giang sáp nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Lúc đó, tỉnh Bắc Giang có tỉnh lỵ là thị xã Bắc Giang và 9 huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế.

Ngày 3/5/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định điều chỉnh địa giới các huyện Tiên Sơn, Quế Võ, Việt Yên, Lạng Giang và hai thị xã Bắc Ninh, Bắc Giang thuộc tỉnh Hà Bắc.

Đến ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX quyết định phê chuẩn việc tách tỉnh Hà Bắc thành tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh như cũ.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Giang tái lập chính thức đi vào hoạt động, gồm 10 đơn vị hành chính gồm thị xã Bắc Giang và 9 huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế.

Ngày 7/6/2005, thị xã Bắc Giang được nâng lên thành thành phố Bắc Giang. Huyện Việt Yên được nâng lên thành thị xã Việt Yên vào ngày 1/2/2024.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025 (có hiệu lực từ 1/1/2025), huyện Yên Dũng được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang; điều chỉnh một phần diện tích của huyện Sơn Động vào huyện Lục Ngạn; thành lập thị xã Chũ trên cơ sở điều chỉnh một phần của huyện Lục Ngạn.

Dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tỉnh Bắc Giang hiện nay có diện tích 3.895,89 km2, dân số trên 1,95 triệu người.

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, ước đạt 13,8%, trong đó công nghiệp vẫn là động lực của phát triển. Sản xuất công nghiệp ở tỉnh này chủ yếu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong các khu công nghiệp như Luxshare, Fuhong, Hosiden, Siflex, Hana Micron, Newwing, Fuyu của Tập đoàn Foxconn.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2024 trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang có 506 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 32 doanh nghiệp so với năm 2023.

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từng chung mái nhà Hà Bắc - 2

Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Giang (Ảnh: UBND tỉnh Bắc Giang).

Nguyên nhân giúp tỉnh Bắc Giang tăng trưởng kinh tế đứng đầu toàn quốc là tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Tỉnh cũng quan tâm phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.

Đến nay, Bắc Giang đã thành lập 10 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.400ha (tăng 2 khu công nghiệp so với năm 2023), thành lập 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 2.300ha.

Tính đến hết tháng 3 năm nay, toàn tỉnh thu hút được trên 680 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 9% so cùng kỳ. Về thu ngân sách Nhà nước, tổng thu nội địa ước đạt hơn 6.700 tỷ đồng, bằng 42,5% so với dự toán, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngoài ra, Bắc Giang có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.230 di tích, trong đó có 731 di tích được xếp hạng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng trong đó, một số di tích, công trình tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên), Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, khởi nghĩa Yên Thế…

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; dân ca quan họ; ca trù; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từng chung mái nhà Hà Bắc - 3

Sông Thương đoạn qua thành phố Bắc Giang (Ảnh: Giang Sơn Đông).

Nằm hiền hòa bên dòng sông Thương, Phủ Lạng Thương xưa - thành phố Bắc Giang ngày nay là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, quê hương của nhiều danh nhân khoa bảng.

Với vị trí trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, thành phố Bắc Giang có diện tích 258,29km2, dân số trên 371.100 người

Thành phố Bắc Giang cách Thủ đô Hà Nội 50 km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) khoảng 110 km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130 km.

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam hiện nay với 822,70km2. Với dân số gần 1,5 triệu người, Bắc Ninh xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng dân số Việt Nam.

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng trước năm 2030 địa phương này sẽ phấn đấu có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong (hiện nay có 2 thành phố là Bắc Ninh và Từ Sơn).

Hiện nay, tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố (Bắc Ninh, Từ Sơn), 2 thị xã (Quế Võ, Thuận Thành) và 4 huyện là Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài.