Tháp Chăm đôi Liễu Cốc vừa được khảo cổ ở Huế
(Dân trí) - Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, người Chăm nói riêng.
Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, hiện nằm ở khu vực Bàu Tháp, làng Liễu Cốc Thượng (Tổ dân phố Xuân Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km về phía bắc.
Năm 1926, di tích tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1994, di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Di tích gồm hai ngôi tháp được xây dựng gần nhau (cách nhau khoảng 2,8m) trên 2 trục song song theo hướng đông - tây, lối vào ở phía đông.
Tên gọi tháp đôi Liễu Cốc được lấy từ tên địa danh (làng Liễu Cốc) và quy mô (hai tháp) để đặt tên di tích.
Cuối tháng 4, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khảo cổ công trình kiến trúc khoảng 1.000 năm tuổi này.
Việc khảo cổ nhằm mục đích nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và biến đổi của di tích, góp phần bảo vệ di sản văn hóa Chămpa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời thu thập các tư liệu, hiện vật nguyên gốc, phục vụ hiệu quả cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích ngày một tốt hơn.
Toàn cảnh khu vực khoanh vùng bảo vệ và khảo cổ tháp đôi Liễu Cốc.
Theo chuyên gia đến từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với diện tích hơn 80m2 thăm dò và khai quật, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp bắc và xác định được vị trí tháp cổng, hệ thống tường bao và đường đi nội bộ trong di tích, đồng thời đã đưa lên khỏi lòng đất một số loại hình di vật tiêu biểu.
Quá trình khảo cổ, các chuyên gia đã mở rộng và nối thông các hố khai quật lại với nhau tạo thành 1 hố lớn, bao quanh nền móng kiến trúc tháp bắc.
Qua đó, các chuyên gia đã xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc đền tháp bắc. Đồng thời, ở các hố thăm dò, cũng đã xác định được vị trí của tháp Cổng (gopura), tháp Hỏa (kosagraha), hệ thống tường bao (antarmandala) phía đông và đường đi nối từ tháp nam sang tháp bắc.
Tháp gồm có 4 phần: móng, đế, thân và mái tháp. Riêng mái tháp đã bị sụp đổ, không thể nhận diện; thân cũng đã bị sụp đổ mất quá nửa, nên việc nhận diện cũng hạn chế.
Từ móng đến thân tháp đều được xây xếp thuần nhất bằng gạch, gạch xếp so le ngang dọc, trong đó phần phủ bì bên ngoài và mặt trong của móng, tường đều sử dụng gạch lành, riêng phần lõi tường được sử dụng đa phần là gạch vỡ, có lẫn đất sét vàng, thuần.
Gạch là vật liệu xây dựng chủ yếu của tháp, xuất hiện ở tất cả các vị trí thám sát và khai quật, có thể sử dụng xây móng, đế tháp, thân tường, mái tháp, ngay cả đường đi và tường bao đều sử dụng gạch.
Gạch ở đây được nung khá già, màu đỏ nhạt, độ cứng cao, lõi có màu xám đen. Kích thước dài dao động 28-31cm, rộng 16-20cm, số ít gạch mỏng, dày 4cm và số ít gạch có độ dày lớn, lên tới 8cm. Tuy nhiên, đa số gạch ở đây đều có độ dày dao động 5,5-6,5cm.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng, chuyên gia nghiên cứu Khảo cổ học Chămpa, Viện Khảo cổ học, cho rằng tháp đôi Liễu Cốc khả năng được xây dựng vào cuối thế kỷ VIII hoặc đầu thế kỷ IX, nằm trong giai đoạn chuyển tiếp của kỹ thuật xây dựng đền tháp Chămpa, chuyển từ đền thờ có mái khung gỗ lợp vật liệu nhẹ sang bộ mái có vòm giật cấp hoàn toàn sử dụng chất liệu gạch bền vững.
Quá trình khai quật, các chuyên gia đã thu được một khối lượng di vật gồm 4.807 tiêu bản. Đa số di vật tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.
Đáng chú ý là đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm.
Mặt tượng tròn, mắt nhắm hờ, sống mũi cao, môi mím, khóe môi bè rộng, rõ nét, hai tai chảy dài, tóc xoắn hình trôn ốc (mờ), chỏm Usnisa (nhục kế) nổi cao. Niên đại thế kỷ XI - XII (Ảnh: Thanh Hải).
Quan sát hiện trạng, tháp nam có chân móng vùi lấp dưới lòng đất và gạch đổ, hiện chưa xác định được quy mô, kết cấu nền móng.
Phía ngoài tường tháp còn dấu vết các cột góc, cột tường và cửa giả. Gạch xây tháp được nung khá già, màu đỏ nhạt, độ cứng cao. Theo thời gian, do không được trùng tu, tôn tạo để phát huy nên di tích đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng "phế tích".
Năm 2018, UBND thị xã Hương Trà đã đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, vệ sinh cảnh quan của di tích. Năm 2022, các đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, định vị cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Đến cuối năm 2023, tuyến đường bê tông từ quốc lộ 1A vào di tích cùng bãi đỗ xe đã được địa phương thi công hoàn thành.