Tháp Chăm cổ được "nhốt" trong nhà kính từng nằm sâu dưới cát, giữ 2 kỷ lục
(Dân trí) - Di tích tháp Chăm Phú Diên ở Thừa Thiên Huế đã tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt nên cần được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận.
Tháp Chăm Phú Diên nằm ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) được phát hiện vào tháng 4/2001 bởi một nhóm công nhân khai thác ti tan.
Thời điểm được phát hiện, tháp cổ độc đáo nằm sâu trong cát 5-7m, thấp hơn mực nước biển 3-4m và cách mép nước 120m. Tháp Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ VIII. Tháp nằm ở vị trí khá độc đáo, có giá trị về mặt khoa học, lịch sử.
Tháng 12/2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có quyết định xếp hạng Tháp Phú Diên là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Trong năm 2022, di tích này liên tiếp xác lập 2 kỷ lục: "Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận; "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới" do Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) xác lập.
Tháp có kiến trúc hình chữ nhật dài 8,22m, rộng 7,12m. Cửa chính tháp quay về hướng đông. Theo các chuyên gia, đây là dạng tháp lùn và là nhóm tháp đầu tiên của kiến trúc tôn giáo Chăm khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu bền vững.
Trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, Tháp Chăm Phú Diên cũng như nhiều di tích Champa cổ ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hại nên cần được gìn giữ, bảo vệ cẩn thận. Tháng 10/2005, tháp được tiến hành bảo tồn tu bổ và hoàn thành vào tháng 5/2007.
Thời gian qua, trên mạng xã hội cho rằng đơn vị quản lý chưa phát huy hết giá trị của tháp Chăm Phú Diên, gây lãng phí, xung quanh công trình có nhiều cây cối mọc um tùm.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (đơn vị trực tiếp quản lý tháp) cho biết, hiện nay đơn vị hợp đồng với 2 nhân sự làm công tác bảo vệ, mở cửa cho du khách tham quan di tích.
Khu vực bảo vệ tháp cũng được xây dựng các ô bê tông kiên cố, trồng cây xanh phù hợp với vùng biển để tránh sụt lún, đồng thời tạo cảnh quan môi trường.
Tháp Phú Diên đang được bảo tồn trong một nhà kính nhằm hạn chế tác động từ môi trường tự nhiên. Đơn vị quản lý hạn chế mở cửa để tránh việc tiếp xúc trực tiếp gây ảnh hưởng đến hiện vật.
Bên cạnh xây dựng nhà kính để bảo vệ, đơn vị quản lý cũng đã tiến hành bơm một lượng lớn bê tông xuống móng Tháp Chăm Phú Diên để chống hiện tượng sụt lún, phun hóa chất lên bề mặt gạch chống rêu, ẩm mốc vật liệu.
Theo ông Lộc, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền xã Phú Diên tổ chức nhiều hoạt động quảng bá nhằm thu hút khách đến tham quan di tích tháp Chăm. Tuy nhiên, do khoảng cách vị trí tháp với trung tâm thành phố Huế khá xa, giao thông không thuận tiện nên việc phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết khách đến với tháp Chăm Phú Diên là khách nước ngoài, hoặc các đoàn khách nghiên cứu, khảo cổ. Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho các đơn vị liên quan xây dựng đề án phát triển du lịch bãi biển Phú Diên, trong đó có di tích tháp Chăm.
Ở phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ bằng gạch hình khối vuông khít nhau, cao 1,4m, dài 1,38m, chính giữa được đục lỗ tròn đường kính 0,19m. Theo các nhà khoa học, đây có thể là nơi từng đặt tượng thờ.
Ngoài ra, qua công tác khai quật khảo cổ, các nhà khoa học còn phát hiện một hệ thống nền móng, nằm bên phải cửa trước của tháp chính.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, đây là móng của tháp thờ có kích thước nhỏ hơn. Việc phục dựng di tích này không khả thi vì các căn cứ lịch sử rất yếu.
Mặc dù vậy, nhiều vị trí ở chân tháp vẫn xuất hiện tình trạng rêu mốc phủ kín bề mặt gạch.
Theo ông Lộc, tình trạng này chỉ xảy ra vào mùa mưa, độ ẩm cao, đến mùa hè rêu mốc tự chết. Đơn vị sẽ phun hóa chất để làm sạch, không để ảnh hưởng đến tuổi thọ của vật liệu, mục gạch.
Phía bên trong tháp, bề mặt tường và nền gạch được phun hóa chất để bảo vệ.
Nhà bảo vệ được xây dựng để trông coi di tích nhưng bảo vệ là người địa phương nên không sử dụng. Xã muốn làm nơi trưng bày các sản phẩm địa phương, phục vụ du lịch nhưng theo quy định không được vì nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
Vị trí Tháp Chăm Phú Diên (Ảnh: Google Maps).