Tất bật trên công trường xây dựng cầu nối Bình Dương với Đồng Nai
(Dân trí) - Công trường xây dựng cầu Bạch Đằng 2 nối thành phố Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang hối hả thi công, đẩy nhanh tiến độ kịp hoàn thành dự án vào năm 2024.
Những ngày đầu tháng 7, công trường Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) không khí làm việc nhộn nhịp với hơn 50 công nhân, kỹ sư làm việc giữa cái nắng mùa hè.
Cầu Bạch Đằng 2 do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, Liên danh CTCP Tập đoàn Cienco 4 và CTCP Đầu tư và Xây dựng 492 phụ trách thi công. Dự án được khởi công từ cuối tháng 12/2021.
Dự kiến cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành trong năm 2024. Khi hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp ở Tân Uyên (Bình Dương) với TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
Dự án có chiều dài hơn 2,8km, trong đó cầu dài khoảng 410m, rộng 17m, 4 làn xe. Với tổng mức đầu tư dự án khoảng 420 tỷ đồng và được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, còn lại các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Về tiến độ dự án phía bờ Đồng Nai, anh Nguyễn Trọng Liêm, Kỹ sư Tập đoàn Cienco 4, cho biết phía ngoài sông đã khoan được 12 cọc nhồi còn trên bờ cũng đã được 6 cọc nhồi. Để đẩy nhanh công tác thi công, phía bờ Đồng Nai đang có 40 cán bộ, công nhân phục vụ thi công dự án. Đơn vị thi công đã huy động 4 cẩu thường, 1 cẩu khoan cần cứng, 3 sà lan, 2 máy đào và vật tư phục vụ cho thi công dự án.
Một thợ lặn dầm mình dưới sông Đồng Nai để hàn nối các khe hở của các thanh dầm nhằm mục đích không cho nước chảy vào bên trong. Các thanh cọc nhồi có độ dài 10-12m được đóng sâu xuống lòng sông Đồng Nai.
Trên công trường, chủ đầu tư huy động 4 sà lan cỡ lớn để phục vụ công tác thi công. Các kỹ sư, công nhân làm việc trên sà lan bắt buộc phải mặc áo phao, đội nón bảo hộ đảm bảo an toàn.
Không khí làm việc ở phía bờ Đồng Nai khẩn trương nhằm kịp tiến độ dự án. Dự kiến tháng 5/2024, cầu Bạch Đằng 2 sẽ được khánh thành. Người dân TP Tân Uyên có thể đi qua TP Biên Hòa rất gần và thuận lợi.
Một công nhân hàn thép ở giữa dòng nước sông Đồng Nai. Hầu hết hơn 70% công việc của dự án đều được thực hiện trên mặt nước.
Các cọc khoan nhồi, vòng thép đã được đóng xuống sông chuẩn bị đổ trụ cầu. Về tiến độ dự án phía bờ Đồng Nai, chủ đầu tư cho biết phía ngoài sông đã khoan được 12 cọc nhồi còn trên bờ cũng đã được 6 cọc nhồi.
Cầu Bạch Đằng 2 đưa vào hoạt động sẽ giảm tải lưu thông cho cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1 và cầu Hóa An trên quốc lộ 1K. Tạo động lực phát triển cho 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, cũng như khu vực Đông Nam Bộ nói chung.
Công nhân Nguyễn Văn Tùng hàn ống trụ thép lớn để đổ trụ cầu chính. Anh Tùng cho biết làm ở công trình tuy hơi khó khăn do mùa này thường mưa nhưng cả đội đều cố gắng.
Cầu Bạch Đằng 2 sẽ giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp ở Tân Uyên (Bình Dương) với TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Đồng thời, dự án giúp kết nối thuận lợi cho nhiều địa phương ở tỉnh Bình Dương thông qua Đồng Nai để đi Quốc lộ 1, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.