DNews

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM

An Huy

(Dân trí) - Hàng nghìn hộ dân sống ven các kênh Đôi, Tẻ, Xuyên Tâm... phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng những năm qua. Họ xây nhà mới không được, bán đi nơi khác cũng không xong.

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM

8h sáng, bà Lê Thị Kim Hương (67 tuổi) ngụ hẻm 33-34 Phạm Thế Hiển (quận 8) ngồi trên nhà sàn lấn ra mé kênh Đôi hơn 2m, cầm dao đánh vảy con cá lóc chuẩn bị nấu vài món ăn làm đám giỗ.

Ở phòng khách, họ hàng bà Hương gần 10 người đang quây quần uống nước trà nói chuyện. Thỉnh thoảng, sàn nhà bà rung lên bần bật vì sà lan chạy dưới kênh Đôi tạo sóng nước dạt vào hai bên bờ.

Hộ bà Hương là một trong hàng nghìn căn khác được thiết kế theo kiểu nhà sàn, cơi nới lấn ra kênh Đôi, thuộc diện giải tỏa để xây dựng bờ kè, chỉnh trang đô thị.

Đánh vảy con cá xong, bà Hương rửa sạch rồi bưng chậu nước bẩn hắt thẳng xuống mé kênh khi triều cường đang rút dần, lộ ra những lớp bùn hôi thối màu đen kịt. Bên cạnh chỗ ngồi của bà là phòng vệ sinh được thiết kế theo dạng "cầu tõm", diện tích chưa đến 2m2.

Mong bồi thường thỏa đáng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Hương cho biết cách sinh hoạt của người dân dọc mé kênh Đôi hơn 40 năm qua đều như vậy. Toàn bộ nước sinh hoạt, chất thải nhà vệ sinh được xả thẳng xuống kênh. Triều cường dâng, các chất này được nước cuốn ra lòng kênh.

"Các anh lần đầu đến đây, ngửi mùi hôi thối có khi khó chịu. Chúng tôi gắn bó kênh suốt mấy chục năm nên quen rồi. Nhà nước thông báo giải tỏa nhà ven kênh đã lâu nhưng không thấy làm" bà Hương nói.

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 1

Khu vực bếp và nhà vệ sinh của bà Hương nằm trên mé kênh Đôi (Ảnh: An Huy).

Hơn 50 năm trước, gia đình bà Hương sinh sống trên Biển Hồ (Campuchia). Sau năm 1975, bà theo cha mẹ hồi hương nhưng cuộc sống khó khăn, không có tiền mua đất xây nhà. Gia đình bà chọn một mảnh đất hoang mé kênh, dựng nhà sàn.

Theo bà, thời điểm đó ở khu vực rất thưa nhà, dân sống ở đây chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp. Mọi người lần lượt dựng nhà sàn lấn ra kênh Đôi sinh sống, hình thành khu dân cư như hiện nay.

Nghe tin thành phố chuẩn bị giải tỏa, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì được đến nơi ở mới, lo bởi nơi ở của bà không có sổ hồng. Nếu di dời, liệu bà có được bồi thường một khoản tiền đủ để mua một căn nhà khác hay không.

Cách đó không xa là nhà của bà Huỳnh Lan (65 tuổi). Một phần căn nhà bà Lan cũng lấn ra mé kênh Đôi vài mét để tăng diện tích, đảm bảo đủ nơi ở cho 6 thành viên.

Năm 1981, bà Lan từ vùng đất kinh tế mới ở Bình Thuận về lại TPHCM với hai bàn tay trắng. Bà vay mượn tiền mua mảnh đất nhỏ ven kênh Đôi bằng giấy tờ tay rồi dựng nhà tạm.

Sau một số lần cọc gỗ mục khiến sàn nhà đổ sập, bà chi tiền xây cọc bê tông kiên cố sống đến nay. Nhà bà chỉ có giấy tờ kê khai năm 1999 và vướng quy hoạch hành lang ven kênh. Sống ở nơi ô nhiễm, nhiều lúc bà muốn bán nhà đi nơi khác, nhưng bán cũng không đủ tiền mua chỗ ở mới nên đành bám trụ.

Bà Lan cho biết nhà nhô ra kênh Đôi nên lúc nào cũng sợ sập khi tàu thuyền đi qua. Mưa thì sợ gió tốc mái tôn. Những ngày nắng nóng, triều cường rút, sình lầy lộ ra bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến bữa ăn, giấc ngủ của bà và hàng xóm bị ảnh hưởng. Ban đêm, mọi người chịu cảnh muỗi bùng phát tấn công.

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 2

Bà Hoàng Lan chia sẻ về cuộc sống đầy bất tiện bên dòng kênh Đôi (Ảnh: An Huy).

Nhà nơi đây yếu dựng bằng gỗ san sát nhau, hẻm nhỏ nên ai cũng lo lắng nguy cơ cháy, nổ. "Nghe mùi khét là chúng tôi đi kiểm tra liền. Mọi người cũng khuyên bảo nhau không đốt vàng mã, phế liệu trong khu phố", bà Lan nói.

Người phụ nữ hy vọng khi Nhà nước giải tỏa nhà để cải tạo kênh rạch, những người như bà sẽ bồi thường một khoản tiền thỏa đáng để có thể mua một căn nhà mới ổn định cuộc sống.

Sống chung với mùi hôi thối

Nằm sâu trong hẻm S145 Tôn Thất Thuyết, phường 1 (quận 4) là hàng trăm căn nhà lụp xụp khác nằm dọc mé kênh Tẻ. Nhiều căn được dựng tạm bằng những cọc gỗ liêu xiêu, cơi nới ra lòng kênh có nguy cơ đổ sập.

Một số rạch nhỏ từ kênh Tẻ dẫn vào khu dân cư ngập đủ loại rác thải, xác động vật, chuột bò lúc nhúc bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Chỉ vào con rạch nhỏ sau nhà, ông Nguyễn Tiến Hoàng (67 tuổi) cho biết, nhiều người tiếc mấy chục nghìn không đóng tiền rác, họ ném toàn bộ rác sinh hoạt xuống kênh. Qua thời gian, rác ứ đọng càng nhiều.

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 3
Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 4

Ông Nguyễn Tiến Hoàng đứng kế bên nhà nhìn về con rạch sau nhà ô nhiễm nặng mấy năm qua (Ảnh: An Huy).

Mỗi bữa cơm, gia đình ông phải đóng cửa để tránh mùi hôi. Khu dân cư bị ô nhiễm khiến muỗi bùng phát và kêu như sáo thổi khi đêm xuống.

"Tôi và hàng xóm nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương tìm cách giải quyết ô nhiễm nhưng bế tắc mấy năm nay. Nhà tôi nằm trong hành lang kênh rạch, không được cấp sổ hồng. Tôi bán nhà tiền tỷ không ai mua, bán vài trăm triệu không nỡ", ông Hoàng nói.

Dọc tuyến rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Gò Vấp và Bình Thạnh có hơn 1.300 căn nhà trong diện giải tỏa để lấy mặt bằng nạo vét kênh, làm đường giao thông. Người dân nơi đây mấy chục năm qua dựng nhà mới không được, đi cũng không xong.

"Thành phố thông tin cải tạo rạch 30 năm nay nhưng có thấy thực hiện đâu. Báo chí viết hoài cũng vậy. Dân sống trong cảnh hôi thối, muốn được đền bù để có tiền đi nơi khác ở nhưng chờ hoài", bà Lê Thị Thanh (70 tuổi, ngụ gần cầu Liên phường 2-15, phường 15, quận Bình Thạnh) bức xúc khi phóng viên hỏi.

Bà Thanh hy vọng đầu tháng 7 này, UBND quận Bình Thạnh chi trả tiền bồi thường đúng kế hoạch để người dân sớm có nơi ở mới khang trang, sạch đẹp.

Cách đó 500m, nhà bà Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi) cũng lấn ra rạch Xuyên Tâm hơn 5m. Nhà lụp xụp, bà không thể xây mới vì nằm trong diện quy hoạch.

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 5
Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 6

Bà Nguyễn Thị Hồng chỉ về con rạch Xuyên Tâm ô nhiễm nặng phía sau nhà tại phường 15, quận Bình Thạnh (Ảnh: An Huy).

Bà Hồng cho biết, 10 năm trở lại đây, tuyến kênh ngày càng ô nhiễm bởi đủ loại rác thải, nước sinh hoạt do người dân đổ xuống. Nhiều hôm nước rút, bà phải ra trước nhà ngồi vì không thể chịu nổi mùi thối từ kênh bốc lên.

"Mỗi đêm nằm ngủ, tôi nghe có tiếng động sau nhà, sáng ra thấy có người vứt cả đống rác. Họ vứt đủ loại rác từ xác động vật, chai lọ, thùng xốp… Kênh ô nhiễm nhưng không ai dọn", bà Hồng nói.

Giải tỏa hơn 3.800 hộ

Đại diện UBND quận 8 cho biết, dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận có 5.512ha đất bị thu hồi, 1.571 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có 1.013 trường hợp bị giải tỏa toàn bộ và 567 trường hợp giải tỏa một phần.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 4,3km kè kết hợp nạo vét một phần lòng kênh Đôi phía bờ bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy dọc bên lên 20m; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16m và cầu Hiệp Ân 2.

Quận 8 đã bố trí được 676 nền đất và căn hộ tái định cư cho các hộ dân phải di dời để thực hiện dự án. Trong đó, có 17 nền đất tại khu dân cư Cảng sông Phú Định, khu dân cư Hồng Quang, khu tái định cư Bông Sao; 659 căn hộ tại các chung cư 481 bến Ba Đình, khu nhà ở xã hội Hưng Phát, chung cư cao tầng Riverside Apartment. Theo kế hoạch, dự án được thi công trong tháng 12 năm nay và hoàn thành năm 2028.

Sống khổ trên những tuyến kênh ô nhiễm ở TPHCM - 7

Một góc con rạch Xuyên Tâm tại khu vực quận Bình Thạnh sẽ được giải tỏa trong thời gian tới (Ảnh: An Huy).

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ chi hơn 9.600 tỷ đồng để cải tạo rạch Xuyên Tâm, qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Tuyến rạch chính dài gần 6,7km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2 km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi).

Lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5m, rộng 20-30m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ. Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6m, vỉa hè 3-4m, cùng công viên, mảng xanh; hệ thống chiếu sáng...

Đại diện UBND Quận Gò Vấp cho biết, dự án rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận có chiều dài tuyến khoảng 1,3km với 137 trường hợp ảnh hưởng bị giải tỏa. Chi phí bồi thường dự án hơn 354 tỷ đồng.

Tính đến ngày 28/2, đơn vị này đã chi trả tiền bồi thường cho 12 trường hợp, có 5 hộ đã bàn giao mặt bằng với số tiền giải ngân gần 35 tỷ đồng. Địa phương cố gắng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công dự án tháng 8/2024, dự kiến hoàn thành tháng 5/2025.

Tại quận Bình Thạnh, dự án rạch Xuyên Tâm có 2.112 trường hợp chịu ảnh hưởng với tổng diện tích hơn 139.000m2 nằm ở địa bàn 7 phường. Dự toán bồi thường của dự án này đối với quận Bình Thạnh hơn 5.990 tỷ đồng.

Ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, địa phương sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi từ tháng 7 năm nay, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tháng 4/2025 để khởi công các gói thầu xây lắp. Việc thi công rạch Xuyên Tâm sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2028.