PhotoStory

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn

(Dân trí) - Hai con rô-bốt tự động phục vụ cơm, đồ dùng y tế, thuốc men đến tận phòng bệnh nhân mắc Covid-19, góp phần hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, giảm tải công việc cho nhân viên y tế và lực lược phục vụ.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men đến tận cửa cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở Sài Gòn

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 1

Gần một tuần nay, các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 7 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) được hai con rô-bốt tự động chăm sóc và hỗ trợ phát đồ ăn, vật dụng y tế hàng ngày.

Đại úy Nguyễn Đình Quân - Khoa Hàng không vũ trụ - Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, anh cùng một chiến sĩ khác đã được đơn vị phân công nhiệm vụ giám sát và vận hành hai con rô-bốt vận chuyển y tế (có tên Vibot), hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong Bệnh viện dã chiến số 7. 

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 2

Theo đại úy Nguyễn Đình Quân, từ tháng 3/2020, đơn vị đã nghiên cứu và chế tạo được 6 con rô-bốt y tế, trong đó có 5 con là hoàn toàn tự động, hoạt động được trên nhiều địa hình khác nhau. 

"Hiện tại đã có 2 con rô-bốt tự động được đưa về Bệnh viện dã chiến số 7 để hỗ trợ cho lực lượng y tế tại đây. Nhiệm vụ chính của những con rô-bốt này là vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly và ngược lại. Ngoài ra, có chức năng hỗ trợ giao tiếp từ xa giúp các y bác sĩ có thể thăm khám từ xa cho bệnh nhân. Chỉ cần cho rô-bốt tới các phòng bệnh, bác sĩ sẽ giao tiếp với bệnh nhân qua màn hình và loa phát trực tiếp", Đại úy Nguyễn Đình Quân cho biết.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 3

Hàng ngày, hai con rô-bốt sẽ được hai chiến sĩ của Học viện Kỹ thuật Quân sự trực tiếp vận hành. Mỗi ngày sẽ có 3 ca sáng, trưa và chiều để mang đồ ăn, vật dụng y tế tới các phòng cho bệnh nhân.

Đại úy Quân cho biết, khi đến giờ phát cơm cho bệnh nhân, lực lượng dân quân sẽ mang cơm tới khu vực tầng hầm của bệnh viện, sau đó các chiến sĩ sẽ mang theo xe đẩy được thiết kế riêng cho rô-bốt xuống nhận đồ ăn, mang lên từng lầu của bệnh viện để sẵn nơi khu vực cửa thang máy. Sau đó sẽ mang rô-bốt lên các tầng lầu và chuyển sang chế độ tự động cho rô-bốt tự chạy theo lộ trình được thiết lập sẵn. Đồ ăn sẽ được tự động đưa tới các phòng cho bệnh nhân.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 4

Khi rô-bốt di chuyển tới các phòng bệnh, sẽ phát loa thông báo để bệnh nhân ra tự nhận đồ ăn. Sau đó họ phải vẫy tay 3 lần ở con mắt cảm biến phía trước rô-bốt để nó tự động di chuyển tới các phòng khác theo đúng lộ trình.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 5

Sau khi rô-bốt được đưa lên tới khu vực để đồ ăn ở các lầu, nó sẽ được thiết lập chế độ tự động bằng bảng điều khiển, sau đó nhận cơm và đưa đi tới từng phòng bệnh nhân theo lộ trình được thiết lập sẵn.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 6

Hai con rô-bốt sẽ được chia ra phụ trách ở các tầng khác nhau để tăng hiệu quả hoạt động. 

Bác sĩ Trần Minh Tuấn, khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Quân y 175 cho biết, trước đây khi chưa có rô-bốt hỗ trợ, mỗi ngày một nhóm dân quân tự vệ khoảng 6-7 người sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ để phát cơm cho khoảng 10 tầng lầu của bệnh viện. Hiện giờ mỗi con rô-bốt sẽ phụ trách 4-5 lầu, hoạt động liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ là có thể phát hết cơm cho các phòng bệnh.  

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 7

Sau khi rô-bốt đưa cơm tới từng phòng, sẽ phát loa thông báo và bệnh nhân tự ra nhận cơm. 

Sau khi đi vào hoạt động thử nghiệm gần một tuần, hiện tại hai con rô-bốt này đang hoạt động theo hình thức bán tự động tại Bệnh viện dã chiến số 7, chưa đạt hiệu quả tự động 100%, do địa hình ở khu cách ly này khá phức tạp như phải lên xuống bậc thang, ra vào thang máy. 

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 8

Khi nhận được cơm, bệnh nhân sẽ phải vẫy tay qua lại 3 lần phía trên mắt cảm biến của rô-bốt để nó tự động chào tạm biệt và di chuyển tới các phòng tiếp theo.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 9
Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 10

Chị Hoàng Ái My, bệnh nhân F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 7 cho biết, chị đã vào đây được 12 ngày, trước đó thì các anh dân quân phát cơm hàng ngày, nhưng 5 ngày trở lại đây thì được thay thế bằng rô-bốt.

"Việc phát cơm bằng rô-bốt mình thấy rất tiện lợi, giúp y bác sĩ và các anh dân quân đỡ mất sức và tiết kiệm thời gian hơn. Cũng hạn chế được việc tiếp xúc gần F0, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, có đôi lúc rô-bốt thông báo bên ngoài nhưng ở trong phòng không nghe được vì cửa kín, các anh bên ngoài phải bấm chuông thêm lần nữa, còn lại mọi quy trình đều rất thuận tiện" - chị My cho hay.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 11

Theo đại úy Quân, vì rô-bốt mới đi vào hoạt động, nên nhiều người bệnh chưa quen với quy trình nhận cơm này, một số người lớn tuổi chưa nhớ được việc phải vẫy tay để rô-bốt tự động di chuyển sang phòng khác. Tuy nhiên, các chiến sĩ sẽ không điều khiển rô-bốt di chuyển mà sẽ nhắc nhở để người dân tự làm và quen với quy trình, thuận tiện cho những lần phát cơm tiếp theo.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 12
Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 13

Được biết, trước khi có mặt tại TPHCM, những con rô-bốt này cũng từng tham gia hỗ trợ cho các đơn vị như Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Trung ương 108 (Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai 2 (tỉnh Hà Nam), sau đó tiếp tục có mặt ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19.

Rô-bốt mang cơm, thuốc men tận phòng bệnh nhân điều trị Covid-19 ở Sài Gòn - 14

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển của mình, các rô-bốt sẽ được điều khiển về phòng để sạc pin, chuẩn bị cho các ca hoạt động tiếp theo.

"Mỗi rô-bốt được thiết kế để vận chuyển tối đa khoảng 120kg, tuy nhiên để hoạt động hiệu quả và đạt tốc độ nhanh nhất thì chúng tôi chỉ cho vận chuyển khoảng 60kg mỗi lần. Một lần sạc pin đầy có thể vận hành được 8 giờ liên tục", các chiến sĩ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4