"Phố cá lóc nướng" ở TPHCM kẹt cứng trong ngày vía Thần Tài
(Dân trí) - Sáng 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), hàng nghìn người dân chen chân mua cá lóc nướng để cúng trong ngày vía Thần Tài khiến đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn qua quận Tân Phú kẹt cứng.
Sáng 19/2 (nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), hàng nghìn người dân chen chân tại "phố cá lóc nướng" ở quận Tân Phú để mua cá cúng trong ngày vía Thần Tài (Ảnh: Nam Anh).
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, dòng xe kẹt kéo dài hơn 1km trên đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn qua quận Tân Phú, TPHCM lúc 7h30 (Ảnh: Nam Anh)
Nhiều người bị "chôn chân" gần 15 phút khi di chuyển qua "phố cá lóc nướng" trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Ảnh: Nam Anh).
Khoảng 7h40, lượng người đổ về "phố cá lóc nướng" đông đúc, người dân di chuyển chậm qua khu vực này vì nhiều người dừng xe dưới lòng đường để mua cá (Ảnh: Nam Anh).
"Gần 20 năm nay, năm nào tôi cũng mua cá lóc nướng để cúng vào ngày vía Thần Tài với hi vọng cả năm gặp nhiều may mắn", ông Hùng (76 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ (Ảnh: Nam Anh).
Nhiều người vì nôn nóng chờ đến lượt nên đã vào bên trong tiệm để tận tay lựa những con cá lóc nướng (Ảnh: Nam Anh).
Cá lóc nướng được cho thêm mỡ hành, gói kỹ bằng giấy bạc trước khi đến tay khách hàng (Ảnh: Nam Anh).
Tại đây, cá lóc nướng được bán với giá từ 150-250.000 đồng/con, tùy vào kích cỡ (Ảnh: Nam Anh).
Khói nghi ngút cả khu phố trong sáng ngày vía Thần Tài (Ảnh: Nam Anh).
Tương tự, sáng cùng ngày, nhiều tuyến đường ở TPHCM kẹt cứng, ùn tắc kéo dài trong ngày vía Thần Tài (Ảnh: Hải Long).
Khu vực trước tiệm vịt quay, heo quay trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) đông đúc người dừng lại mua. Giao thông khu vực này trở nên đông đúc, kẹt xe kéo dài từ chân cầu Bông tới gần khúc giao với đường Vũ Huy Tấn (Ảnh: Hải Long).
Ngày vía Thần Tài cũng là ngày đầu tuần, không chỉ người dân đổ xuống đường mua vàng, mua heo, vịt quay, cá lóc về cúng, mà cũng là ngày nhiều người bắt đầu quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến lượng phương tiện tăng lên đột biến (Ảnh: Hải Long).
Nhiều tuyến đường về trung tâm TPHCM như Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp… cũng đông nghẹt phương tiện (Ảnh: Hải Long).
Tùy theo phong tục, tập quán từng vùng miền mà mâm cúng dâng Thần Tài ngày mùng 10 hằng năm sẽ khác nhau. Thế nhưng trong văn hóa người miền Nam sẽ luôn phải có cá lóc nướng, mía, thịt heo quay…
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chuyên gia phong thủy cho biết, miền Nam trước đây là vùng kênh rạch, sông ngòi chằng chịt giúp cá lóc có điều kiện sinh sống nhiều, trở thành một sản vật đặc trưng.
Chính điều này nên người dân muốn kính dâng cá lóc lên thần linh là để tỏ lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa và tưởng nhớ đến cuộc sống gian khổ nhưng cần cù thời trước của cha ông ta.
Đồng thời, cá lóc trong văn hóa còn biểu trưng cho sự nỗ lực và thành công vì sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn cao trong nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí ở những vùng bùn lầy.
Ngoài ra, trong phong thủy, cá còn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh con cá còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.