Nỗi ngậm ngùi giữa hàng bia mộ chưa xác định thông tin
(Dân trí) - 70 năm sau chiến thắng lừng lẫy, nỗi đau đáu đi tìm phần mộ vẫn còn trong lòng những người con của hàng nghìn liệt sĩ tại Điện Biên Phủ. Những chuyện vui buồn, phi lý cũng từ đó nối tiếp.
Thăm hàng mộ chưa xác định được thông tin
Đến Điện Biên Phủ những ngày này, khi ghé vào nghĩa trang liệt sĩ của thành phố, bạn sẽ chứng kiến những đoàn người từ khắp mọi miền đất nước đổ về để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Phần lớn du khách cũng là những người lính cao tuổi, từng kháng chiến chống Mỹ hoặc bảo vệ biên giới. Họ đi chung một chuyến xe do hội cựu chiến binh địa phương tổ chức. Bước chậm rãi dưới cái nắng oi ả hoặc một cơn mưa bất chợt, họ đang trong một trải nghiệm hành hương về địa chỉ đỏ.
Sau phần dâng vòng hoa và đọc lời tri ân trước đài tưởng niệm, đoàn khách sẽ tỏa ra khắp nghĩa trang, trên tay mỗi người là một bó hương nghi ngút dâng lên các phần mộ.
Niềm xúc động và ngậm ngùi cũng dâng lên trong lòng mỗi người.
Xúc động vì được tận thấy hàng bia ghi tên Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... những anh hùng đã vang danh từ lâu, tên người đã thành tên đường phố.
Ngậm ngùi vì bên cạnh những ngôi mộ anh hùng đầy đủ tên tuổi, hàng dài tăm tắp trong nghĩa trang là mộ chưa xác định được thông tin. Trên tổng số 645 ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Đồi A1, chỉ 53 phần mộ có danh tính.
Nghĩa trang Đồi A1 là một trong 3 nghĩa trang cấp quốc gia quy tập hài cốt liệt sĩ trận Điện Biên Phủ. Hai nghĩa trang còn lại gồm nghĩa trang Độc Lập với 2.432 ngôi mộ (229 phần mộ rõ tên) và nghĩa trang Him Lam với 896 phần mộ (tất cả đều chưa rõ tên).
Đứng trước tấm bia ghi dòng chữ "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin", điều duy nhất chúng ta có thể áng chừng là người lính nằm dưới mộ đã ngã xuống vào một ngày nào đó giữa tháng 3 và tháng 5 của năm 1954.
"Khi vào trận thì ai cũng có tên tuổi cả, nhưng bây giờ đi đến các nghĩa trang thì cảm thấy bùi ngùi quá, bia mộ hầu như là vô danh", cụ Bùi Kim Điều, cựu chiến binh trung đoàn 165 từng tham gia trận đồi Độc Lập, ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Để dịu lòng thân nhân liệt sĩ, tại nghĩa trang Đồi A1, người ta dựng lên một bảng vàng ghi tên tất cả liệt sĩ đã ngã xuống trong trận Điện Biên Phủ. Dù không tìm được phần mộ cha ông mình, thân nhân liệt sĩ vẫn được an ủi phần nào khi tìm được dòng tên trên bảng vàng.
Những cái tên viết sau bia mộ
Đi dọc nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, thi thoảng sẽ gặp một gia đình đang thắp hương khấn vái trước một bia mộ vô danh. Đằng sau bia mộ, một dòng tên người được viết nhỏ bằng bút xóa.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Quế (Thái Bình) là một ví dụ. Suốt hàng chục năm, họ chỉ biết người bác ruột của mình là bộ đội hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong hoàn cảnh không biết tìm mộ bác ở đâu, gia đình ông đã phó thác hết hy vọng còn lại cho "nhà ngoại cảm".
Đến năm 2010, nhà ngoại cảm đã chỉ cho gia đình biết hài cốt của người bác đang ở một ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Từ đó đến nay, ngôi mộ vô danh trở thành nơi gia đình tìm đến hương khói, coi như mộ nhà mình.
Bà Nguyễn Thị Nhung, nhân viên quản trang làm việc gần 30 năm tại nghĩa trang liệt sĩ A1, cho biết tại nghĩa trang có tới 157 phần mộ được gia đình liệt sĩ đến nhận thông qua chỉ dẫn của nhà ngoại cảm.
Cơ quan quản lý không công nhận phương pháp tìm mộ này và kiên quyết không cho thân nhân cất bốc hài cốt hay sửa đổi thông tin trên mặt bia. Nhưng với niềm tin, nhiều gia đình vẫn ghi một dòng tên nhỏ phía sau bia mộ rồi từ đó hàng năm đến nghĩa trang tảo mộ.
Sự vô lý của phương pháp ngoại cảm lộ rõ khi có trường hợp 2, 3 gia đình được nhà ngoại cảm chỉ cho cùng một bia mộ. Thế rồi, không xảy ra cãi cọ hay tranh chấp, các gia đình đều chấp nhận để tên chung, vẫn tin đó là phần mộ người thân của mình.
"Trường hợp đó, người ta lại nghĩ rằng có thể lúc bom rơi đạn nổ, thi thể người này lẫn vào người kia rồi được chôn chung một mộ. Nếu đã muốn tin thì không thiếu cách để luận giải cho hợp lý", bà Nhung nói.
Theo trí nhớ của nữ quản trang, trào lưu nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ rộ lên nhanh nhưng cũng tàn nhanh sau những bài báo phanh phiu nhiều nhà ngoại cảm "rởm". Hơn 10 năm qua, không còn thân nhân nào đến nghĩa trang nhận mộ theo cách này.
Cho đến hôm nay, việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm vẫn là một chủ đề tế nhị. Việc chứng minh nó vô lý ít nhiều làm tổn thương đến những gia đình đã nhận mộ người thân theo phương pháp này.
Tuy nhiên, việc công nhận nó là phương pháp đúng đắn còn nguy hiểm hơn, vì sẽ dẫn tới trường hợp thân nhân vô tình "chiếm dụng" mồ mả không phải của người nhà mình. Đến khi gia đình thật sự của ngôi mộ đi tìm thì gặp khó khăn.
"Là một người nhiều năm đi tìm mộ liệt sĩ bằng các phương pháp khoa học, tôi cực lực phản đối phương pháp ngoại cảm. Chi bằng nếu không tìm được mộ người thân, gia đình đến chiến trường xưa xúc một nắm đất mang về thờ còn ý nghĩa hơn", thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ, người nổi tiếng trong việc giúp đỡ thân nhân tìm mộ liệt sĩ, chia sẻ.
Trong 16 năm qua, ông Hồ đã đi hơn 1.000 nghĩa trang, chụp lại hàng trăm nghìn bức ảnh bia mộ, giúp hơn 10.000 gia đình tìm được mộ người thân bằng phương pháp rà soát dữ liệu và đối chiếu hình ảnh. Trong hành trình, ông cũng gặp những trường hợp mồ mả bị xáo trộn, thất lạc vì tìm mộ bằng "ngoại cảm".
Tạm bỏ qua một bên sự phi khoa học của phương pháp tìm mộ bằng ngoại cảm, những cái tên viết sau bia mộ tại nghĩa trang Đồi A1 phản ánh nỗi khắc khoải của hàng trăm gia đình trong việc tìm kiếm hài cốt cha ông của mình. Điều này cũng tạo nên nỗi day dứt trong lòng các cựu binh sống sót sau cuộc chiến.
"Thế nên, mong muốn của lớp chúng tôi là thế hệ sau đến ngày giỗ tết vẫn sẽ ra nghĩa trang liệt sĩ, không cần biết là mộ có tên hay vô danh, hãy thắp lên một nén hương thơm để tỏ lòng với những người đã làm nên lịch sử", cựu chiến binh Bùi Kim Điều tha thiết nói.