Nỗi lo khi làm hồ chứa nước trên miệng núi lửa triệu năm tuổi, cao 169m
(Dân trí) - Xây hồ chứa nước trên miệng núi lửa Thới Lới là quyết định táo bạo của tỉnh Quảng Ngãi. Các chuyên gia phải mất nhiều năm để trả lời câu hỏi "Liệu hồ trên núi cao 169m có thể giữ được nước?".
Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có diện tích 10km2, cách đất liền 15 hải lý. Huyện có 24.000 dân, 300ha đất nông nghiệp. Phần lớn đất nông nghiệp ở Lý Sơn được trồng hành, tỏi. Đây là các loại cây trồng cần lượng nước tưới rất lớn.
Xây hồ trên miệng núi lửa
Vào mùa nắng, huyện đảo Lý Sơn thường xuyên thiếu nước ngọt. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Ngãi đã tận dụng miệng núi lửa Thới Lới làm hồ chứa nước.
Núi Thới Lới cao 169m so với mực nước biển, đường kính đáy 1,4km, đường kính miệng 0,35km. Tường phía trong miệng núi lửa Thới Lới có dạng dốc đứng, ở giữa khá sâu, chính là lợi thế để làm hồ chứa nước.
Xây hồ chứa nước là chuyện không khó, các chuyên gia phải mất nhiều năm để trả lời câu hỏi làm thế nào, hồ chứa trên đỉnh ngọn núi lửa Thới Lới có thể giữ được nước?
Ông Nguyễn Mậu Văn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Quảng Ngãi, cho biết thời điểm triển khai dự án, ông là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Sở này được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước trên đỉnh núi lửa Thới Lới.
Theo ông Văn, vấn đề khó nhất là làm sao xác định được mức độ thẩm thấu của nước trong hồ. Nếu không tính toán cẩn thận, hồ sẽ không giữ được nước khiến công trình lãng phí.
Do khó khăn này nên dự án xây dựng hồ chứa nước Thới Lới được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vào năm 2003 nhưng đến năm 2010 mới khởi công. Tổng vốn đầu tư dự án là 32 tỷ đồng.
"Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị kiểm tra địa chất miệng núi lửa Thới Lới. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, chúng tôi xác định miệng núi lửa Thới Lới có một tầng đất sét dày hơn 5m, sẽ giữ được nước", ông Văn nói.
Theo tính toán, mỗi năm miệng núi lửa Thới Lới có thể thu được 700.000m3 nước mưa. Trong khi đó, lượng nước thấm chỉ khoảng 70m3, lượng nước bốc hơi khoảng 250.000m3. Trên cơ sở này, hồ chứa được thiết kế với dung tích 270.000m3 nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Quyết tâm "giải cơn khát" cho đảo Lý Sơn
Ông Nguyễn Mậu Văn chia sẻ dự án này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Đây là dự án "khá táo bạo", nếu sau khi hoàn thành, hồ không giữ được nước sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, do đó còn một số ý kiến lo lắng. Có đơn vị đề xuất trước tiên nên đắp đê bằng đất để thử nghiệm trong vòng 1 năm, nếu hồ giữ được nước mới tiếp tục thực hiện dự án.
"Dù còn ý kiến lo ngại, chúng tôi tin hồ trên núi Thới Lới sẽ phát huy tác dụng. Do đó, tỉnh Quảng Ngãi quyết định phải làm để giải cơn khát cho đảo núi lửa Lý Sơn", ông Văn quyết tâm.
Để xây dựng hồ Thới Lới cần đến 3.000m3 cát, 2.000 tấn xi măng, 6.800m3 đá dăm, đá hộc và 100 tấn sắt. Vật liệu được vận chuyển bằng xà làn từ đất liền ra đảo, sau đó được đưa lên đỉnh núi, quá trình này gặp không ít khó khăn.
Sau 2 năm được thi công, hồ chứa nước Thới Lới hoàn thành và phát huy hiệu quả đúng như tính toán. Hồ chứa có dung tích 270.000m3 với đập cao 11m, chiều dài thân đập 208m.
Ông Trương Đình Nho, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn, cho biết 12 năm qua, hồ chứa nước Thới Lới được vận hành ổn định, đảm bảo nước tưới cho 60ha đất nông nghiệp của huyện đảo.
Nước từ hồ Thới Lới được dẫn đến các hồ chứa dưới chân núi để điều áp. Sau đó, nước theo đường ống 300mm đến các cánh đồng. Hiện có 30 điểm để người dân đấu nối vào hệ thống tưới tự động.
"Nhờ chênh lệch độ cao nên áp lực nước lớn, hệ thống tưới tự hoạt động mà không cần máy bơm. Hồ chứa trên đỉnh Thới Lới vừa giúp người dân chủ động nguồn nước tưới, vừa giúp tiết kiệm chi phí", ông Nho nói thêm.
Theo UBND huyện Lý Sơn, hồ Thới Lới đang bị bồi lắng khiến năng lực cấp nước giảm dần. Nếu tình trạng này kéo dài, lượng nước trong hồ sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Do đó, huyện Lý Sơn vừa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 50 tỷ đồng để sửa chữa, mở rộng hồ chứa nước Thới Lới.