(Dân trí) - Những bức thư, dòng nhật ký nhuốm màu khói bụi chiến trường là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.
Không chỉ chứa đựng bao tâm tình, nhiệt huyết, những bức thư, những dòng nhật ký nhuốm màu thời gian và khói bụi chiến trường còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của con người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.
Thư, nhật ký thời chiến là cầu nối giữa tiền tuyến, hậu phương và ngược lại, là nơi con người gửi gắm, bày tỏ tâm tư tình cảm chân thật về cuộc chiến tranh, phản ánh sinh động cuộc sống thời chiến.
Một cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ, những lá thư, trang nhật ký thời chiến được viết mọi lúc, mọi nơi; có khi viết ở dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, hoặc trong khoảnh khắc bình yên giữa hai trận đánh. Sự tàn khốc trong chiến tranh, những cánh thư đi về không trọn vẹn, có khi phải mất đến cả năm người thân mới nhận được. Nhiều lá thư, cuốn nhật ký đã cũ sờn, phai bạc theo năm tháng, nét chữ bị nhòe đi do điều kiện chiến tranh và môi trường thời tiết khắc nghiệt trong quá trình vận chuyển.
Không chỉ chứa đựng bao tâm tình, nhiệt huyết, những bức thư, những dòng nhật ký nhuốm màu thời gian và khói bụi chiến trường còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.
Qua những trang thư, nhật ký thời chiến chúng ta hiểu được nơi sâu thẳm trái tim của mỗi người chiến sỹ nơi tiền tuyến, người ở lại hậu phương, tất cả đó là sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay.
Hiện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ khoảng hơn 200 hiện vật gốc, trên 1.000 hiện vật dự trữ. Những hiện vật này do cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và gia đình, người thân viết trong chiến tranh. Bao gồm 3 loại chính: Thư từ chiến trường gửi về hậu phương; thư hậu phương gửi ra chiến trường; thư gửi về từ phía bên kia chiến tuyến.
Thư thời chiến được cán bộ, chiến sỹ chiến đấu ở ngoài mặt trận gửi về hậu phương và của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Mỗi lá thư viết từ chiến trường gửi về hậu phương có bối cảnh, tâm thế, trạng thái riêng, nhưng tất cả đều thể hiện cuộc sống, chiến đấu, tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ thương da diết người thân. Những cánh thư là lời động viên, căn dặn người thân ở hậu phương hãy yên tâm để các anh vững tay súng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
Tiêu biểu có thư của chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh gửi mẹ ngày 19/7/1968. Trong thư chị đã lãng mạn hóa sự khốc liệt chiến tranh để làm yên lòng người mẹ ở hậu phương: "… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ soi sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá cho chúng con cải thiện, bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con mẹ ạ…!".
Còn thư của Thượng úy Đỗ Sâm, Phòng pháo binh, Bộ tham mưu Quân khu 5 viết cho vợ là Đào Thu Quý trước khi lên chiến trường Tây nguyên chiến đấu tháng 4/1968, anh đã khích lệ chị "…Em hãy luôn tự hào có một người chồng xứng đáng đang ở trên tuyến đầu tiêu diệt kẻ thù của Tổ quốc và em hãy luôn xứng đáng là một người vợ đáng để anh suốt đời mến phục".
Đáp lại tình cảm của những người chiến sỹ đang cầm súng chiến đấu nơi tiền tuyến, thư gửi từ hậu phương ra chiến trường với đầy ắp những thông tin về tình hình gia đình, quê hương, tình cảm của người thân, bạn bè, lứa đôi xa cách. Đồng thời cũng động viên nhắc nhở người thân ở tiền tuyến phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và chờ mong các anh chiến thắng trở về. Tiêu biểu như thư của chị Phạm Thị Hiền ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị viết cho chồng là anh Võ Văn Phương, chiến sĩ Đại đội 32, Trung đoàn 270, Quân khu 4 làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Trong thư chị Hiền đã động viên: "…Đối với em chỉ mong anh tích cực công tác, nắm chắc tay súng giữ lấy Cồn Cỏ thân yêu quyết không để quân thù cướp lấy thì đó là điều mong muốn duy nhất của em, anh giữ lấy đảo như giữ lòng chung thủy của em không để cho một ai cướp mất".
Hay thư của Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh gửi vợ là bác sĩ Lương Ngọc Thư công tác tại Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội ngày 15/5/1975 có đoạn: "…Tuy trước khi tấn công vào Sài Gòn, đã biết chắc rằng nhất định bộ đội ta sẽ thắng 100%, và trước khi chúng phải đầu hàng ta cũng đã biết trước rồi hoặc tối hôm trước, hoặc chậm nữa là sớm ngày hôm sau chúng cũng sẽ phải đầu hàng, quân ta tiến vào dinh độc lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí đã già tóc bạc phơ, đến các anh em cán bộ hãy còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau, mừng tủi bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này, và tự nhiên nước mắt chảy giàn giụa, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở, thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta đã sống như thế nào? …
Anh nói đến đây thôi, khi nào về gặp em anh sẽ nói chuyện nhiều và anh đang dự định có thời gian sẽ viết một cuốn ký sự ngắn về những ngày tháng xưa của những chiến dịch đã qua mà anh thật là vinh dự đã được sống...".
Bà Lương Ngọc Thư đã giữ bức thư làm kỷ niệm từ năm 1975 và trao tặng kỷ niệm này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 23/10/2008.
Ngoài những lá thư thời chiến, còn có những cuốn nhật ký được viết tại chiến trường mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ. Đó là những ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu, những tâm tư, tình cảm, tinh thần lạc quan yêu đời, lý tưởng cao đẹp, ý chí quyết tâm của người chiến sỹ trong cuộc chiến ác liệt với kẻ thù để giành thắng lợi.
Những trang nhật ký thời chiến đã phản ánh nội tâm sâu thẳm, những điều giản dị, những tâm sự, khát khao, thương nhớ người thân, những phút giây được gặp vợ, gặp con rồi lại chia tay đi chiến đấu. Nhật ký của Hoàng Quang Hưng, Đội điều trị 51, Cục Quân y, Tổng cục Hậu Cần đã viết: "… Ở nơi cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt hàng ngày bên các đồng chí anh có thể khắc phục được tất cả… Song đôi khi anh vẫn thấy thiếu thốn về tình cảm, đó cũng là tâm trạng chung của những người đi xa, anh nhớ em…".
Nhớ về người bà, người mẹ, chiến sỹ Đỗ Thế Hiền, Trung đoàn 227 Sư đoàn 365 đã viết: "… Mình lại nhớ bà, nhớ mẹ nhiều hơn, người mẹ ấy cũng có khuôn mặt hiền dịu in hằn nhiều nếp nhăn, dấu vết những vất vả của cuộc đời…".
Vượt lên trên những khó khăn gian khổ hy sinh của cuộc chiến tranh luôn sáng lên một "tinh thần thép" của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhật ký của Nguyễn Bá Hạnh, chiến sỹ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng), Quân khu 5 đã viết "Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ. Duy chỉ có một thứ chiến tranh không thể làm gì được, đó là mục tiêu lý tưởng, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của người lính Cụ Hồ".
Hay nhật ký của Đỗ Đình Xô, chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Quân khu 9 đã viết: "Phía trước là mặt trận, là nơi những trận đánh đang tiếp diễn, đất nước đang đợi chờ chiến thắng vào chúng tôi. Dù sao chúng tôi phải dấn bước lên đường, dù ngày mai người còn, người mất… Cậu mợ hãy yên lòng nén nhớ mong những tháng năm chờ đợi"...
Đặc biệt, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam còn lưu giữ cuốn nhật ký "Chuyện đời" của Nguyễn Văn Thạc, sách nhật ký của Đặng Thùy Trâm, nhật ký của chị Lê Thị Riêng…, những cuốn nhật ký trở về, đó là những cuốn nhật ký của cán bộ chiến sỹ do điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh đã thất lạc được những người lính bên kia chiến tuyến thu nhặt và lưu giữ.
Chiến tranh lùi xa, nhưng thời gian không làm những người lính bên kia chiến tuyến quên đi những ký ức buồn về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Những trang nhật ký "đầy lửa và chất thép" đã cảm hóa, thức tỉnh, dẫn dắt những người lính bên kia chiến tuyến tìm kiếm, trả lại những cuốn nhật ký cho chủ nhân hoặc thân nhân của nó. Bằng con đường ngoại giao, qua những dự án của tổ chức cá nhân từ thiện, các Cựu chiến binh Mỹ đã đưa nhiều kỷ vật chiến tranh, trong đó có những cuốn nhật ký của chiến sỹ Quân giải phóng Việt Nam được trở về với đất mẹ - nơi sinh ra những người con dũng cảm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.
Tiêu biểu là sách nhật ký của bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm được sĩ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic White Hurst lưu giữ 35 năm đã trao trả cho gia đình vào tháng 4/2005.
Cuốn nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn gồm 112 bức ký họa của chiến sỹ Lê Đức Tuấn từ năm 1967 đến 1968. Tháng 3/1968 trong một trận đánh ở Kom Tum cuốn nhật ký bằng tranh của anh rơi vào tay một người lính Mỹ. Sau 39 năm lưu lạc, qua nhiều người lưu giữ, năm 2009 cuốn nhật ký của anh được thân nhân một cựu quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam trao trả lại.
Cuốn Nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam ở Nông Cống, Thanh Hóa đã được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao cho Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tháng 5/2015 kèm theo lời chia sẻ: "Cuốn nhật ký này đã lưu lạc tại Mỹ 43 năm, đây là một trong số rất nhiều kỷ vật Mỹ lưu giữ được. Nay chúng tôi mong muốn những kỷ vật này được về bên người thân của các chiến sĩ Việt Nam, để xoa dịu những nỗi đau trong quá khứ, để chúng ta cùng nhìn về một tương lai tươi sáng hơn".
Nói ý nghĩa của những kỷ vật lá thư thời chiến, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định, chiến tranh đã lùi xa nhưng những bức thư thời chiến mãi là minh chứng lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng cống hiến cho đất nước của cả một thế hệ; tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước, luôn vững tin vào một ngày mai chiến thắng.
Đây là những tư liệu lịch sử quý giá phản ánh trung thực, rõ nét những suy nghĩ, tâm tư tình cảm, cuộc sống, tình yêu và khát vọng hòa bình của người lính trong chiến tranh. Lá thư thời chiến minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc trong thế kỷ XX.
Đây là nguồn sử liệu phản ánh sinh động hiện thực tình yêu, cuộc sống chiến đấu, rèn luyện, sự hy sinh và khát vọng của người lính ở chiến trường gửi về quê nhà và cũng là nỗi mong đợi, động viên, chia sẻ, cầu nguyện của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Vì vậy, thư thời chiến có giá trị như là sợi dây kết nối quá khứ tới hiện tại, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người trong cuộc chiến. Đồng thời, hiện vật lá thư thời chiến cũng chứa đựng những thông tin chưa được giải mã, góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử, khoa học quân sự hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng đánh giá, việc cá nhân, tổ chức lưu giữ những kỷ vật của một thời khói lửa của chiến tranh, đó chính là những bút tích của người lính một thời "vào sinh, ra tử". Những kỷ vật này không chỉ có ý nghĩa đối với gia đình các liệt sỹ, các cựu chiến binh, mà nó còn có ý nghĩa cho xã hội, cho thế hệ trẻ ngày nay.
Thông qua những lá thư, cuốn nhật ký này, người đọc hôm nay sẽ mường tượng được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh, càng biết ơn thế hệ cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung: Nguyễn Dương
Ảnh: Mạnh Quân - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Thiết kế: Đỗ Diệp