Nhìn lại những hình ảnh quý về vị Tư lệnh đường Trường Sơn huyền thoại
(Dân trí) - Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023), là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, một năm sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Ông được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thị sát trên đèo Phu La Nhích - đường 20 Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình năm 1972.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra tiến độ thi công cầu đường trên tuyến đường Trường Sơn.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm bộ đội công binh và pháo cao xạ trên tuyến đường Trường Sơn.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và nói chuyện với Tiểu đoàn 33 công binh Anh hùng, tại ngầm Ta Lê - đường 20 Quyết Thắng, tỉnh Quảng Bình, tháng 3/1973.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các cung đường thuộc hệ thống đường Trường Sơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong phút giây nghỉ ngơi ở binh trạm, trong chuyến thăm đơn vị Bộ đội Trường Sơn.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên có mặt tại các điểm nóng, ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn.
Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên cắt băng khánh thành cầu phao sông Gianh, tỉnh Quảng Bình năm 1972.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đoàn công tác thăm Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Bungary, tìm hiểu kinh nghiệm quân đội làm kinh tế năm 1976 (ảnh trái) và cùng đoàn Chính phủ Việt Nam hội đàm với Chính phủ Lào năm 1987.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm và làm việc với Bộ Xây dựng Liên Xô năm 1979.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chụp ảnh cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân và một số đồng chí thủ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương mừng thọ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tròn 80 tuổi năm 2002.
Nói đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là nói đến vị tướng có tài thao lược về giao thông vận tải quân sự, trong đó hệ thống đường Trường Sơn là dấu ấn sâu sắc nhất trong sự nghiệp cách mạng của ông.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ông đã cùng các cán bộ cao cấp khác của Quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành bại của cuộc chiến tranh.
Bên cạnh việc góp phần vào chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn nhận thức việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa 2 dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
Hàng vạn chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong đã xây dựng hệ thống đường "chọc thủng Trường Sơn" với 5 trục dọc và 21 trục ngang, tổng cộng dài trên 20.000km, tạo nên mạch máu giao thông dọc ngang từ phía nam khu 4, vươn qua đất bạn Lào, Campuchia, vào tận các chiến trường miền Đông Nam bộ. Đó là con đường của ý chí quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Dấu ấn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược và phương pháp tổ chức hoạt động vận tải trên đường Trường Sơn. Để kịp thời chi viện cho chiến trường, phương châm "địch đánh, ta sửa ta đi" không còn phù hợp, ông chủ trương tổ chức "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", biến Trường Sơn thành chiến trường đánh Mỹ với nhiều binh chủng hợp thành như: Công binh, phòng không...
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần xây dựng Bộ đội Trường Sơn ngày càng lớn mạnh, đủ sức phục vụ các chiến dịch lớn của quân đội, làm cho sức sống con đường ngày càng mãnh liệt.
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, ông đã đề xuất và đưa ra chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.
Từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất Mẹ.
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch ra. Đến 2/1975, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10/4/1977.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.
Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023), là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
(Ảnh chụp tư liệu tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình)