Người bán rong ở TPHCM không nằm trong diện được đóng phí sử dụng vỉa hè?
(Dân trí) - Trước hoang mang của nhiều người bán hàng rong tự phát khi không nằm trong diện được đóng phí sử dụng vỉa hè, lãnh đạo phòng quản lý đô thị tại một số quận ở TPHCM đã nói rõ về vấn đề này.
Nghe tin thành phố áp dụng thu phí vỉa hè, những người bán hàng rong TPHCM vội bày tỏ vui mừng vì nghĩ sắp thoát khỏi cảnh trốn chạy mỗi khi gặp lực lượng quản lý đô thị.
Tuy nhiên, lực lượng quản lý đô thị ở một số địa phương cho biết, hiện chưa có chính sách nào cho những gánh hàng rong tá túc trên hè phố. Theo đề án thu phí, các tuyến thuộc quận, huyện nào quản lý sẽ do địa phương đó thực hiện "dọn dẹp" và thu phí.
Hộ kinh doanh mới được sử dụng và đóng phí vỉa hè
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, việc kẻ vạch sơn vỉa hè trên địa bàn quận 1 đang được các phường triển khai thực hiện. Có 4 phường tiến hành kẻ vạch gồm Bến Thành, Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh, Đa Kao. Các phường còn lại cũng đang có kế hoạch, sắp tới kẻ vạch một số tuyến thí điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo quyết định 32/2023/QĐ-UBND của thành phố ngày 26/7/2023, không có nội dung cho thuê vỉa hè, mà chỉ là Nhà nước quản lý tài sản, kết cấu hạ tầng. Những tuyến đường đủ điều kiện kinh doanh thì người dân sẽ nộp phương án, đóng phí sử dụng hè phố và Nhà nước phê duyệt, quy định tại Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND.
Đối với trường hợp nhà người dân đang kinh doanh mà muốn mở rộng thêm phần vỉa hè, thì vỉa hè phải nằm trong danh mục do quận ban hành. Người dân lập phương án đề xuất lên UBND quận 1. Khi quận duyệt thì người dân sẽ đóng phí sử dụng dựa trên diện tích đề xuất trước đó.
Chỉ chủ căn nhà đang kinh doanh thì mới được mở rộng hoạt động kinh doanh ra phần vỉa hè phía trước nhà. Nếu chủ nhà không kinh doanh hoặc không có nhu cầu kinh doanh thì không ai được phép đóng phí sử dụng vỉa hè tại đây, khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước.
"Không có chuyện ông hàng xóm hay người lạ nào bưng bàn đến vỉa hè trước nhà để bán hàng… Nếu bản thân chủ nhà đó không kinh doanh gì, nhưng ông ấy lại đem bàn ghế ra trước vỉa hè buôn bán cũng không được.
Ví dụ, chủ nhà đang bán phở, bún thì có thể đặt thêm bàn trên vỉa hè cho khách ngồi ăn, thì sẽ được quận xem xét phê duyệt. Chủ nhà cũng không được cho người khác bán nước phía trước quán phở. Còn chủ nhà không kinh doanh gì thì họ cũng không được phép dùng vỉa hè để làm chuyện khác.
Vỉa hè trước nhà ai thì của người đó, hàng xóm không được phép lấn chiếm. Ví dụ, anh bán quần áo thì chỉ được đặt ma nơ canh trên vỉa hè để mời khách, không được người nào đến vị trí này bán đồ ăn, thức uống", đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 giải thích.
"Vỉa hè chỉ phục vụ cho chính mục đích người đang kinh doanh trong nhà nên tuyệt đối không có chuyện người khác đem hàng rong đến trước cửa nhà người khác để buôn bán, nên người dân yên tâm. Phí thu vỉa hè được niêm yết công khai, người dân chỉ việc đóng và sử dụng", vị này nói rõ.
Hiện quận 1 đã gửi danh mục các tuyến đường áp dụng thu phí vỉa hè lên Sở GTVT TPHCM. Quận đang chủ động làm trước để khi nào Sở GTVT phê duyệt thì đưa vào hoạt động. Dự kiến trong tháng 1 này, quận 1 sẽ hoàn thành thủ tục để tháng 2 năm nay bắt đầu đưa vào hoạt động
Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 3 cho biết, 2 năm trước, quận đã hoàn thành việc kẻ vạch ở các tuyến đường trên địa bàn. Trong đó, có 36 tuyến phù hợp với việc người dân được phép đóng phí và sử dụng.
Các phương án về 36 tuyến đường đã được quận báo cáo về Sở GTVT TPHCM. Về chi tiết triển khai phương án thì quận, phường vẫn đang lấy ý kiến người dân và thông tin cho dân được biết, đặc biệt là những đoạn giữ xe tự phát.
Đại diện UBND phường 2, quận 3 cho biết đơn vị đang được Phòng Quản lý đô thị quận 3 trao đổi, tập huấn về chủ trương thu phí sử dụng vỉa hè trên địa bàn phường. Trước đó, UBND phường đã thông tin đến người dân nắm về việc được đóng phí mở rộng diện tích kinh doanh ra vỉa hè trước nhà nếu có nhu cầu.
"Đại đa số tuyến đường trên địa bàn phường đáp ứng được việc cho người dân đóng phí sử dụng. Phường đang chờ trao đổi với quận để triển khai các bước", vị này chia sẻ.
Hàng rong vẫn phải đi nơi khác
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, việc người bán hàng rong tự phát vẫn được lực lượng chức năng xử lý thường xuyên. Hôm nay lực lượng đuổi họ đi thì hôm khác họ quay lại nên việc xử lý những người người này được thực hiện mỗi ngày.
Những người bán rong này cũng không được phép kinh doanh phía trước vỉa hè nhà người khác. Họ không thuộc đối tượng được đăng ký kinh doanh. Họ bán hàng trên vỉa hè là vi phạm, trật tự đô thị sẽ xử lý. Khi nào Nhà nước quy hoạch một khu vực bán hàng rong riêng, thì họ mới được vào kinh doanh.
"Đó là câu chuyện tương lai, nằm trong đề án của thành phố. Còn hiện nay, việc buôn bán trên hè phố thì chỉ có những nhà có tiếp giáp vỉa hè phía trước, đăng ký kinh doanh mới được sử dụng. Còn các khu công cộng, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, không được phép sử dụng vào việc riêng", vị này nói.
Bên cạnh đó, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp cho biết, quận đang tổ chức kế hoạch thu phí cho người dân sử dụng vỉa hè theo chỉ đạo của Sở GTVT TPHCM.
Quận Gò Vấp có ít tuyến đường quy hoạch cho người dân đóng phí, sử dụng. Trên vỉa hè cũng đã có những vạch sơn phân biệt đã kẻ trước đó. "Vỉa hè trước nhà người nào thì người đó sử dụng chứ không có chuyện người bán hàng rong tự phát đóng phí buôn bán. Quận đang xây dựng kế hoạch và lấy ý kiến của các đơn vị", cán bộ này nói.
Đồng thời, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho biết, những người bán hàng rong tự phát hiện chưa được duyệt nằm trong nhóm đóng phí vỉa hè để kinh doanh. Cho nên, nếu họ lấn chiếm vỉa hè vẫn sẽ bị lực lượng đô thị xử lý như xưa nay.
"Có nhiều người bán hàng rong đang sử dụng lòng lề đường từ lâu và mặc định vị trí đó là sở hữu riêng của họ. Họ lấn chiếm không gian của người đi bộ, đun nấu, xả rác khiến vỉa hè cực kỳ nhếch nhác. Khi thành phố áp dụng thu phí vỉa hè như trên tôi rất ủng hộ", một phụ huynh đón con ở trường học trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) bày tỏ. Vỉa hè trước trường này bị bủa vây bởi hàng rong.
Cấp phép trong 5 ngày
Sở GTVT TPHCM cho biết, quy định mức phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM được thực hiện theo Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023.
Trong tháng 2/2023, Sở đã rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, dựa trên cơ sở dự thảo thay thế Quyết định số 74 năm 2008 của UBND TP.
Theo đó, việc khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân tham gia kiểm tra, giám sát và phản ánh.
Nếu thời gian sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày thì áp dụng mức thu phí là nửa tháng; nếu sử dụng từ 15 ngày trở lên thì áp dụng thu phí tròn một tháng.
Những nơi áp dụng việc thu phí phải có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. Trong đó, hè phố dành cho người đi bộ phải đảm bảo rộng tối thiểu 1,5m (không tính phạm vi bồn cây, đất trồng cây xanh); hạn chế tối đa thực hiện ở một số vị trí ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, trường học…
Việc để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tạm thời trên hè phố chỉ được thực hiện trên các tuyến đường được UBND cấp huyện ban hành. Trường hợp hè phố không đủ hoặc đường không có hè phố, có thể bố trí tối thiểu 0,75m dưới lòng đường cho người đi bộ. Nơi này phải có sơn vạch kẻ đường, lắp biển báo, cọc tiêu..
Sở GTVT TPHCM chia các địa bàn nằm trong quy hoạch người dân được đóng phí để sử dụng vỉa hè thành 5 khu vực.
Theo quy định, nếu tổ chức cá nhân có nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên hệ thống được cho phép đóng phí sử dụng thì thực hiện như sau: Nộp hồ sơ về Sở GTVT đối với các tuyến do cơ quan này quản lý; nộp hồ sơ về UBND các quận, huyện nếu tuyến đường do cơ quan này quản lý.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ kiểm tra hồ sơ, nếu đúng quy định sẽ nhận; nếu không đúng thì các cán bộ sẽ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Trong 5 ngày làm việc kết từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết thủ tục hành chính, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép sử dụng lòng đường, hè phố.
Bên cạnh đó, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM), cũng làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.
"Để tránh mâu thuẫn giữa các bên liên quan (người sử dụng mặt bằng, chủ nhà…), địa phương phải lấy ý kiến của chủ nhà trước khi triển khai thu phí. Mặt khác, không phải vỉa hè, lòng đường nào tại TPHCM cũng có thể cho thuê để kinh doanh.
Do đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức cần khảo sát, đưa ra lộ trình và biện pháp thực hiện hài hòa để thực hiện hiệu quả ngay từ đầu", ông Đường nói.
Theo thống kê của Sở GTVT, TPHCM có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km sẽ khai thác. Dự kiến, số tiền thu được sẽ là khoảng 1.522 tỷ đồng/năm (trong đó, thu từ vỉa hè chiếm 63,8%).
Kỳ 1: Đóng phí sử dụng vỉa hè ở TPHCM: Người vui mừng, kẻ thấp thỏm lo âu