Đóng phí sử dụng vỉa hè ở TPHCM: Người vui mừng, kẻ thấp thỏm lo âu
(Dân trí) - Nhiều người bán hàng rong tự phát ở trung tâm TPHCM hoang mang khi biết quyền đóng phí sử dụng vỉa hè không thuộc về họ, không biết phải trốn chạy lực lượng đô thị đến khi nào.
Chiều 3/1, ông Nguyễn Chí Cường (48 tuổi) ngồi trầm ngâm bên mâm trái cây bán trên đường Phan Chu Trinh, phường Bến Thành (quận 1) với khuôn mặt đầy lo lắng khi hay tin những người bán hàng rong tự phát không nằm trong diện được sử dụng vỉa hè trả phí theo quy định của Nhà nước.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 11, khóa X, diễn ra ngày 19/9, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, việc thu phí được áp dụng kể từ ngày 1/1/2024.
Người bán rong hy vọng rồi thất vọng
Mọi hy vọng có một chỗ bán hàng rong hợp pháp trên vỉa hè trong ông Cường đã vỡ vụn khi hay tin chỉ những người có nhà, đang kinh doanh mới được đăng ký sử dụng thêm phần vỉa hè trước nhà nếu có nhu cầu.
Nhiều người bán hàng rong như ông Cường tại khu vực trung tâm TPHCM cũng trong tâm trạng tương tự. Họ hy vọng rồi lại thất vọng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cường cho biết, khi 9 tuổi, ông đã theo mẹ ra bán hàng rong là quầy trái cây cho khách du lịch trên đường Phan Chu Trinh (bên hông chợ Bến Thành). Đến khi mẹ ông già yếu, ông quản gánh hàng rong tiếp tục mưu sinh, lấy vợ rồi nuôi con.
Gần 40 năm mưu sinh trên vỉa hè, ông không nhớ đã bị lực lượng đô thị lập bao nhiêu biên bản, đuổi chạy bao lần. Nhưng vì không có nghề, ông đành gắng bám trụ ngồi một góc vỉa hè tầm 2m2 để bán trái cây cho khách du lịch.
Cách nay hơn một tháng, khi nghe tin TPHCM cho phép người dân sử dụng vỉa hè và có đóng một khoản phí theo quy định, ông và vợ vui mừng hơn bao giờ hết. Ông nghĩ mình sẽ không còn cảnh tháo chạy khi lấy lực lượng đô thị nữa và sẽ có một chỗ để mưu sinh khi tuổi đã gần qua hơn nửa cuộc đời. "Tôi bị lực lượng đô thị đuổi chạy suốt mấy chục năm... nên bị bệnh tim luôn rồi", ông Cường nói.
Theo ông Cường, khoảng 3 ngày trước, ông mới nắm được quy định chỉ những người có nhà đang kinh doanh mới được đăng ký sử dụng vỉa hè phía trước, phục vụ đúng ngành nghề họ đang làm. Như vậy, ông và hàng nghìn người bán hàng rong khác tiếp tục gặp khó.
"Tôi bán trái cây ở khu vực gần 40 năm, giờ quy định không có nhà tại đây sẽ không được sử dụng vỉa hè để bán, vậy tôi biết làm nghề gì để nuôi gia đình bây giờ. Chủ các cơ sở kinh doanh ở đây họ đồng ý cho tôi bán trên vỉa hè. Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi đóng phí vỉa hè để có chỗ bán ổn định. Giá cao bao nhiêu tôi cũng chấp nhận đóng", ông Cường kiến nghị.
Cách đó hơn 100m là chỗ bán trái cây của bà Lê Thị Thu Thảo (45 tuổi, quê Quảng Ngãi) tại góc đường Lê Thánh Tôn - Phan Chu Trinh (quận 1). Những ngày này, bà Thảo cũng trong tâm trạng đứng ngồi không yên khi biết mình nằm trong diện không được đóng phí sử dụng vỉa hè.
Người phụ nữ này cho biết, bà bán trái cây tại góc đường ngày hơn 20 năm. Bà thật sự hụt hẫng khi biết mình không được sử dụng vỉa hè để bán hàng rong. Bà mong có một chỗ ổn định để kinh doanh và sẵn sàng đóng phí cho Nhà nước.
"Những người có mặt bằng tại đây họ đã quen với cảnh buôn bán của chúng tôi, họ cũng không thắc mắc gì. Chúng tôi bán hàng rong ở mé sát đường đi, cũng không có trả phí gì đối với những người thuê mặt bằng tại đây. Họ và chúng tôi cộng sinh buôn bán mấy chục năm nay", bà Thảo nói.
Tương tự, ông Hùng (55 tuổi) làm nghề bơm, vá xe trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho, quận 1) cũng hoang mang trước việc ông không được phép sử dụng vỉa hè. Ông không biết khi chính sách thu phí sử dụng vỉa hè có hiệu lực, lực lượng đô thị có quyết liệt xử lý nghiêm với những người như ông không.
Mong vỉa hè được đẹp hơn
Khi hay tin những người kinh doanh được quyền đóng phí sử dụng vỉa hè để mở rộng việc làm ăn, đa số người dân tại khu vực trung tâm TPHCM đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, họ mong muốn nếu Nhà nước thu phí sử dụng vỉa hè thì phải làm cho vỉa hè đẹp lên và minh bạch mọi thứ.
Ông Hưng (58 tuổi) chủ một cơ sở kinh doanh trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho (quận 1) cho biết, nếu Nhà nước thu phí vỉa hè người dân ủng hộ nhưng phải làm hợp lý.
Đường Trần Hưng Đạo là tuyến đường lớn ở trung tâm TPHCM nhưng vỉa hè hiện quá xấu, nhan nhản ổ gà. Mấy chục năm qua, vỉa hè đường này qua khu vực phường Cầu Kho không thấy ai làm. Một số người không chịu được cảnh xuống cấp phải tự bỏ tiền túi ra tu sửa, mà giờ lại đi thu phí sử dụng.
Theo ông Hưng, vỉa hè phải đẹp mới cho người dân thuê, đóng phí để sử dụng.
"Anh muốn cho thuê chiếc xe trước tiên phải sơn sửa cho phương tiện này đẹp đã, giá cao cũng không sao. Vỉa hè cũng tương tự như vậy. Vỉa hè ở tỉnh nào tôi không nói, đằng này là khu trung tâm TPHCM, khách nước ngoài đi lại nhiều mà tôi thấy xuống cấp quá. Tôi mong sau khi áp dụng thu phí, Nhà nước dùng số tiền này nâng cấp các vỉa hè sẽ rất hợp lý", ông Hưng bày tỏ.
Cũng theo chủ cơ sở kinh doanh, đoạn vỉa hè đường Trần Hưng Đạo qua khu vực phường Cầu Kho, lực lượng chức năng đo đạc, kẻ vạch cũng không đều. Sau khi kẻ xong, ông dựng chiếc xe máy trên phần vỉa hè được phép sử dụng cũng không đủ, đuôi phương tiện nhô ra không gian dành cho người đi bộ một đoạn.
"Tôi để xe bị lấn đuôi phương tiện ra ngoài làn dành cho người đi bộ như vậy không phạt thì không được, mà phạt cũng không được luôn vì vỉa hè kẻ vạch sơn không đúng. Tôi mong lãnh đạo phường nên kiểm tra và chia lại vỉa hè cho hợp lý", ông Hưng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Cường (38 tuổi), kinh doanh giữ xe trên đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành) cho biết rất vui mừng khi hay tin TPHCM cho phép người dân đóng phí để sử dụng vỉa hè.
Ông thuê nhà để giữ xe nhưng diện tích không đủ, thành ra thường để phương tiện tràn ra phía vỉa hè. Ông thường xuyên bị lực lượng đô thị nhắc nhở, xử phạt. Ông mong chính sách thu phí vỉa hè sớm áp dụng để có thể mở rộng điểm kinh doanh đang quá tải.
"Chợ Bến Thành là điểm du lịch nổi tiếng ở TPHCM, khách đến tham quan rất đông. Nhiều người đến gửi xe nhưng tôi phải từ chối vì không còn chỗ. Nếu nhận giữ thêm mà tràn ra vỉa hè nhiều cũng không được", ông Cường nói.
Theo thống kê của Sở GTVT, TPHCM có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km sẽ khai thác. Dự kiến, số tiền thu được sẽ là khoảng 1.522 tỷ đồng/năm (trong đó, thu từ vỉa hè chiếm 63,8%).