(Dân trí) - Với việc coi kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại, chúng ta mở rộng cơ hội đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng, gia tăng "sức mạnh mềm" trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi.
"Với việc đưa kinh tế thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại, chúng ta mở rộng hơn cơ hội để đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, gia tăng "sức mạnh mềm" trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi", theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân.
Ấn tượng chính sách ngoại giao với sự "chuyển mình" khéo léo qua từng thời kỳ, kỳ vọng vào đường lối đối ngoại trong giai đoạn mới… là những nội dung được Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), đề cập trong cuộc trao đổi với Báo Dân trí.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn góp phần to lớn xây dựng, phát triển đất nước.
Thưa Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, ông đánh giá thế nào về việc thay đổi chính sách ngoại giao uyển chuyển, khéo léo qua từng thời kỳ, để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới?
- Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, công tác đối ngoại Việt Nam đã linh hoạt, khéo léo, thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt đẹp.
Trước hết, chúng ta từ thế của một đất nước bị bao vây, cấm vận, phải chật vật lo từng bữa ăn hàng ngày, đã dần vượt qua thế bị cô lập, tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đưa đất nước ngày một phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả quốc gia láng giềng, các nước lớn và bạn bè gần xa. Chúng ta tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 191 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 17 "đối tác chiến lược", gồm: Nga (năm 2001), Ấn Độ (năm 2007), Trung Quốc (năm 2008), Tây Ban Nha (năm 2009), Anh (năm 2010), Đức (năm 2011), Thái Lan, Indonesia, Singapore, Nhật Bản, Italy, Pháp (năm 2013), Malaysia, Philippines (năm 2015), Australia (năm 2018), New Zealand (năm 2020) và Hàn Quốc (năm 2022).
Các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam mang tính toàn diện và linh hoạt, bao gồm các hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa...
Tùy thuộc vào thế mạnh và mong muốn của mỗi nước mà các lĩnh vực có thứ tự ưu tiên khác nhau. Tuy các đối tác chiến lược được thiết lập song phương, nhưng bao gồm cả những nội hàm đa phương quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam và các đối tác phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đói nghèo, bất bình đẳng và đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng có quan hệ "đối tác toàn diện" với 13 nước.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... góp phần củng cố và tăng cường quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, qua đó tăng cường sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích với các đối tác.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta có sự liên kết quốc tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao.
Khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ, nhưng nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 230 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã đạt khoảng 732.5 tỷ USD - gấp hơn 240 lần so với năm đầu của thời kỳ đổi mới.
Ngay trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ to lớn của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối ngoại Việt Nam thời gian qua cũng đã giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chúng ta đã xây dựng, củng cố vành đai an ninh biên giới phía Bắc, phía Tây và Tây Nam; từng bước giải quyết các vấn đề biên giới với các nước liên quan, ký Hiệp định phân định sau đó tôn tạo biên giới phía Bắc; tôn tạo, tăng dầy cột mốc biên giới phía Tây; cơ bản hoàn thành phân định và cắm mốc biên giới Tây Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhằm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực.
Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa hiếu với láng giềng, giữ hữu hảo và cố gắng cân bằng quan hệ với các nước lớn, chăm lo quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác. Chúng ta luôn chủ trương giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán, thương thảo với các nước liên quan để kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, trong không ít vấn đề quốc tế quan trọng, sáng kiến và cách thức giải quyết của Việt Nam trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của khu vực và cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Có thể nói, những kết quả trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau hơn 37 năm đổi mới: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Khái quát lại chặng đường đã đi qua, theo ông, đâu là những trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Việt Nam?
- Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam tiếp tục đóng góp vào củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, cải thiện quan hệ với các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích.
Bên cạnh việc làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, cần đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vai trò và đóng góp thiết thực của Việt Nam vào xây dựng, định hình các thể chế đa phương; tham gia tích cực vào ASEAN, tiểu vùng Mekong, Liên hợp quốc; tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các khuôn khổ luật lệ, tiêu chuẩn mới; thúc đẩy ngoại giao phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…; ứng xử chủ động, linh hoạt, hiệu quả với các sáng kiến về liên kết mới ở khu vực, phù hợp với lợi ích, an ninh quốc gia của đất nước.
Đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; chủ động nắm bắt và tham mưu các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, thị trường và đối tác nhập khẩu.
Chính sách ngoại giao giúp định vị Việt Nam trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi xanh để nắm bắt cơ hội, khai thác xu thế phát triển mới; tranh thủ sự hỗ trợ của các nước trong quá trình xây dựng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP.
Chính sách đối ngoại nâng tầm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, nắm sát tình hình Biển Đông, biên giới trên bộ; vừa chủ động đổi mới, thúc đẩy hợp tác với các nước liên quan, vừa kịp thời tham mưu đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Những chính sách này cũng thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và chủ động, linh hoạt, kịp thời trong đấu tranh nhằm phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Các chính sách cho thấy vai trò của đối ngoại trong việc chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và nỗ lực không để xảy ra xung đột, chiến tranh; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Để thực hiện "kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình", góp phần củng cố vững chắc "tuyến phòng thủ đầu tiên", đối ngoại Việt Nam cần tiếp tục thực hiện phương châm "tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả".
Ngoại giao cần không ngừng đổi mới, tham mưu hiệu quả cho Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực liên quan để có đối sách kịp thời, giành thắng lợi to lớn trên bàn đàm phán, chiến thắng trên mặt trận ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh để góp phần củng cố nội lực, tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ từ bên ngoài về cả vật chất và tinh thần, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo thế và lực, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định hơn 90 năm qua, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển". Theo ông, bản sắc "ngoại giao cây tre" được thể hiện thế nào trong giai đoạn nhiều biến động, với những yếu tố "chưa từng có tiền lệ" như vừa qua?
- Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chưa từng có kể từ bẩy thập kỷ qua, bên cạnh những cơ hội, chúng ta phải đương đầu với những thách thức lớn.
Trước những biến chuyển lớn của thời cuộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, đối ngoại Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc "ngoại giao cây tre", bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Ngoại giao Việt Nam đã dựa chắc vào truyền thống tự lực, tự cường, bám sát lợi ích quốc gia, dân tộc, không rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đó chính là nhờ "gốc vững" của "ngoại giao cây tre" Việt Nam.
Trải qua thử thách, ngoại giao Việt Nam luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, không xa rời đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây chính là quá trình trải qua kiểm nghiệm của thực tiễn 37 năm Đổi mới đất nước và là cơ sở để vun đắp "thân hình" "ngoại giao cây tre" thêm "săn chắc" trong những năm tiếp theo.
Tình hình càng phức tạp, càng khó dự báo, ngoại giao Việt Nam càng nắm vững và kiên trì về nguyên tắc, đồng thời linh hoạt về sách lược. Cành uyển chuyển của "ngoại giao cây tre" Việt Nam chính là dựa vào "cái bất biến" - là đường lối đối ngoại, để ứng xử với "cái vạn biến" của thế giới, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp cho một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.
Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Từ trọng tâm là ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine trong hai năm 2020-2021, đến năm 2022, có thể thấy kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại. Theo ông, sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào?
- Việt Nam đã chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại khu vực và thế giới, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)…
Đến nay, kinh tế đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam, qua đó, chúng ta có thêm thuận lợi để tăng cường hợp tác, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Với việc đưa kinh tế thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại, chúng ta mở rộng hơn cơ hội để tiếp tục đưa nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, qua đó phát huy bản sắc, gia tăng "sức mạnh mềm" trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi.
Nhờ mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chúng ta có thêm cơ sở để tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tranh thủ và phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể tận dụng tốt hơn cơ hội thúc đẩy, làm sâu sắc và gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác.
Qua các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Việt Nam sẽ tận dụng đưa vào những ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; thúc đẩy tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế của ta với các đối tác chủ chốt cũng như tận dụng hiệu quả mạng lưới các FTA; tham gia chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, theo ông, chính sách ngoại giao cần ưu tiên, tập trung vào những nội dung gì?
- Năm 2023, tình trạng cạnh tranh nước lớn sẽ gay gắt hơn, mở rộng sang một số lĩnh vực khác, khiến các "điểm nóng" càng "nóng hơn". An ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh năng lượng, môi trường, lương thực, nguồn nước… đều phức tạp hơn do xung đột lợi ích và do các vấn đề này đang liên quan đến chủ quyền và sức mạnh của các quốc gia trong trật tự "thế giới mới".
Chính sách ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục đường lối độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, kiên định mục tiêu, giữ vững bản sắc, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ động hành động và linh hoạt ứng xử.
Để thích ứng với cục diện khu vực và thế giới, ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại song phương, chú trọng quan hệ với các nước láng giềng; đưa quan hệ với các nước đối tác chiến lược đi vào chiều sâu; thúc đẩy thực chất quan hệ với các đối tác hợp tác và bạn bè truyền thống; gia tăng sự tin cậy với các đối tác khác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương, phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Chính sách ngoại giao cũng cần bám sát tình hình, biến động của khu vực và thế giới, điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo chiến lược để kiến nghị các đối sách, biện pháp ứng xử phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia xây dựng các khuôn khổ luật lệ, tiêu chuẩn mới, nhằm góp phần xây dựng các chiến lược hợp tác tiểu vùng Mekong; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Với tinh thần đó, trên cơ sở bám sát các chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng, Nhà nước, chúng ta tin tưởng công tác ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần "ngoại giao cây tre", đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Thủy Tiên
Ảnh: Nhật Bắc, Vietnamnet