Nghi thức tắm Phật trong đại lễ Phật đản ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
(Dân trí) - Trong ngày đại lễ Phật đản, các phật tử sẽ cùng nhau cử hành nghi thức tắm Phật để niệm ân Đức Phật, gột rửa ba nghiệp thân, khẩu, ý...
Sáng 18/5 (tức ngày 11/4 âm lịch), tại Trung tâm hội nghị quốc tế chùa Bái Đính, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức trang nghiêm Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - dương lịch 2024).
Hàng nghìn tăng ni, phật tử và người dân đổ về ngôi chùa lớn nhất Việt Nam mừng ngày Phật sinh.
Trước khi Đại lễ Phật đản diễn ra, tăng ni, phật tử tại các ngôi chùa ở Ninh Bình đã cử hành nghi lễ rước Phật. Các xe chở Đức Phật, hoa, cờ diễu hành qua các tuyến phố lớn ở thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư. Đoàn diễu hành đi đến đâu, người dân và phật tử hai bên đường cung kính, chào đón.
Tại chùa Bái Đính, khoảng 5.000 người đã có mặt tại khu vực cử hành đại lễ để nguyện cầu quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn, nhà nhà an vui, người người hạnh phúc.
Trong không khí linh thiêng, các tăng ni, phật tử lắng nghe thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến mừng Đại lễ Phận đản, do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đọc.
Tại Đại lễ Phật đản diễn ra ở chùa Bái Đính, 100 em học sinh nghèo vượt khó của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được trao học bổng, mỗi suất trị giá một triệu đồng. Đây là lòng từ bi của các phật tử dành cho những hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đại lễ lớn nhất của Phật giáo.
Nghi thức tắm Phật là nghi lễ linh thiêng nhất trong Đại lễ Phật Đản. Tắm Phật là để niệm ân Đức Phật, cúng dàng chư Phật trong ba đời, đồng thời gột rửa ba nghiệp thân - khẩu - ý của mỗi người.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, trong Kinh tắm Phật công đức có chép: "Trong tất cả các sự cúng dàng, tắm Phật là thù thắng nhất, hơn cả việc đem thất bảo nhiều như cát sông Hằng để làm bố thí".
"Đức Phật dạy: "Khéo giữ gìn lời nói, tâm chí tự lắng trong, thân không làm việc ác, ba nghiệp luôn thanh tịnh, thực hành được như thế là đạo bậc đại tiên"", Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ thêm.