DNews

"Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Giữa đêm nước tràn vô nhà có hay đâu. Đến lúc hay thì ngập hết rồi. Giờ cứ đến mùa nước lên là thức canh, có bữa sáng đêm luôn", người dân vùng ven biển Bạc Liêu kể cảnh khổ nhiều năm qua.

"Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập"

"Hồi trước chưa xây bức tường cản nước này tình hình nhà mình sao hả chị?", phóng viên Dân trí hỏi bà Trần Xi Ê (ngụ Bạc Liêu) lúc 2h sáng 28/11, thời điểm triều cường đang dâng lên.

"Lúc chưa xây hả, ngủ giữa đêm nước vô cái mình hổng hay, tràn vào nhà lênh láng, đến chừng hay thì ngập hết trơn. Sau khi xây bức tường lên, đỡ được một tí", bà Xi Ê vừa nhìn mực nước lên cao sắp tràn qua bức tường ngăn vừa nói, dường như không chắc chắn nhà có thoát cảnh ngập hay không.

Người dân Bạc Liêu trắng đêm ứng phó triều cường (Video: Huỳnh Hải)

Nhà bà Xi Ê có con nhỏ, mấy đêm nước dâng lên cao, người lo bế đứa bé tìm chỗ cao đứng tránh nước, người tất bật tắt cầu dao điện để tránh nguy hiểm,...

Đó là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân phường ven biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nhiều năm qua.

Thức trắng mùa triều cường

Từ khi xây bức tường cao hơn 1m, dày khoảng một tấc ngay con lộ trước nhà để cản nước (hơn 10 năm trước), đến nay gia đình bà Xi Ê vẫn chưa hết lo. Bà nói, có những tháng nước lên rất cao, tràn qua cả bức tường, ngập đến cửa sổ nhà.

"Giờ mùa nước lên thì mình thức canh, có dám ngủ nghê gì đâu. Đợi nước rút xuống mới dám nhắm mắt, có bữa cũng sáng luôn rồi", bà Xi Ê kể.

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 1

Bức tường cao 1m gia đình bà Xi Ê xây trước nhà để ngăn nước tràn vào (Ảnh: Huỳnh Hải).

Gần 2h sáng, gia đình ông Nguyễn Dũng thức trắng đêm canh triều cường dọn đồ đạc nhằm giảm thiệt hại.

Ông Dũng cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng triều cường lên cao xảy ra thường xuyên, nhất là vào tháng 10, 11 âm lịch. Do nước lên vào ban đêm, tràn vào nhà mang theo nhiều sình bùn, vợ chồng ông Dũng sáng nào cũng tát nước, vệ sinh nhà cửa mất rất nhiều thời gian. 

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 2

Bà Chiêm sống ở khu vực mấy chục năm qua, chứng kiến bao mùa nước dâng cao đến đầu gối, có lúc ngang thắt lưng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Hồi đầu, bà Xi Ê cùng nhiều gia đình ở đây chưa quen với thời điểm con nước cao thấp nên không ít tài sản bị hư hỏng. Sống chung với nước riết rồi quen dần, đặc biệt những tháng cuối năm họ chủ động di dời, kê cao tài sản cho an toàn.

"Cứ canh ngày tháng đó mình chủ động bảo vệ tài sản nên phần nào cũng an tâm. Nước tràn vô thì quét, tát ra nhưng phải canh. Vất vả là phải thức đêm thức hôm, rồi môi trường nước cũng không tốt nữa", bà Chiêm (hơn 60 tuổi) chỉ nhiều thứ rác thải theo con nước từ sông tràn lên lộ ngay trước nhà, nói nỗi khổ sở của người dân nhiều năm qua.

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 3

Gia đình bà Chiêm dùng tấm ván cài trước cửa nhà ngăn nước (Ảnh: Huỳnh Hải).

Bà Chiêm từ vùng ven biển Gành Hào (Đông Hải) về sống ở vùng ven biển Nhà Mát mấy chục năm qua. Bà đã chứng kiến và cùng gia đình xoay sở giữ nhà tránh bị ngập biết bao mùa nước lên ở đây. Ngày càng lớn tuổi, bà mong không còn chịu cảnh trắng đêm mỗi mùa nước.

"Nghe nói nhà nước xây bờ kè gì đó cũng vui lắm, mong là sớm có để bà con an tâm sinh sống", bà Chiêm bày tỏ.

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 4

Cuộc sống khó khăn, vật dụng ngăn nước bao năm vẫn tạm bợ (Ảnh: Huỳnh Hải).

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 5

Với hàng trăm hộ dân ở khu vực này, mỗi mùa nước lên là mỗi đêm mất ngủ vì hầu hết tài sản phải di dời, kê cao để tránh bị thiệt hại (Ảnh: Huỳnh Hải).

Mong sớm làm bờ kè

Cũng như gia đình bà Xi Ê và bà Chiêm, nhiều gia đình ở khu vực này xây tường xung quanh, nâng nền nhà hoặc dùng các bao cát, tấm ván, cao su,... để làm vật cản nước tràn vào. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế "đến hẹn lại lên" mà họ làm được trong tầm tay của mình, còn ngăn chặn triệt để tình trạng này hầu như ai cũng "bó tay" vì kinh tế khó khăn.

"Nghèo muốn chết, làm ngày nào ăn ngày đó, đâu có khả năng làm đường lộ, xây nhà cao ráo lên đâu", bà Mai Thị Thu chỉ vào mấy bao cát đang trấn giữ nước trước nhà, than thở.

"Khi nhà nước làm bờ kè, nếu phải hỗ trợ di dời nhà cửa, cô có ủng hộ không?", một cán bộ địa phương hỏi.

"Cái này bà con cô bác ra sao thì tôi theo vậy chứ biết làm sao giờ", bà Thu đáp lại.

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 6

Nước lên, rác từ sông tràn vào theo gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân địa phương (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực của những người dân bị ảnh hưởng bởi triều cường nói trên dài khoảng 2,5km, từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen thuộc nhiều khóm của phường Nhà Mát. Dọc 2 bên sông có bờ thấp, mỗi khi triều cường lên luôn xảy ra tình trạng ngập đường, nền nhà dân.

Ngoài ra, 2 bên bờ sông cũng xuất hiện các vị trí sạt lở 1-2m/năm, gây ảnh hưởng khu dân cư, cơ sở hạ tầng ở khu vực.

Ông Lê Việt Xô, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, cho biết khu vực 2 bên bờ sông có hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại. 

Nghèo muốn chết mà cứ phải quay quắt lo triều cường, nước ngập - 7

Người dân cho biết rất mong nhà nước sớm làm bờ kè bao để tránh nước từ các sông tràn vào gây ngập úng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Để giúp người dân, thời gian qua thành phố thông tin cụ thể lịch triều cường dâng cao để họ chủ động việc đi lại, cũng như bảo vệ tài sản; chỉ đạo cơ quan chuyên môn nạo vét các cống để chống ngập úng.

Về lâu dài, theo ông Xô, thành phố tiến hành khảo sát, rà soát thống kê mức độ ảnh hưởng, kiến nghị cấp trên có giải pháp để đầu tư xây dựng bờ kè nhằm giảm thiểu tình trạng nước dâng gây ngập úng, đảm bảo cuộc sống người dân được ổn định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận trong chuyến khảo sát trước đó đã đề nghị các sở, ngành và địa phương khẩn trương có hướng xử lý cấp bách chống sạt lở và triều cường ở khu vực.

Ông cũng yêu cầu xúc tiến các thủ tục, phương án, nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động môi trường... để làm sớm dự án bờ kè theo quy định.