PhotoStory

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện định danh số cho cổ vật triều Nguyễn đang trưng bày tại điện Long An thông qua chip NFC.

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 1

Ngai vua bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, thời Khải Định (1916-1925) trưng bày tại điện Long An - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là 1 trong 10 cổ vật đầu tiên được gắn chip và được định danh số, giúp du khách tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa của cổ vật bằng điện thoại thông minh.

Theo đại diện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), vừa qua, đơn vị đã hợp tác với Hội Tin học Việt Nam và Công ty cổ phần Phygital Labs, thực hiện làm mã định danh cho cổ vật đang trưng bày tại điện Long An thông qua cổng trải nghiệm vật lý số với việc quét mã phản hồi nhanh (QR code) và chip NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn).

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 2

Kiệu của hoàng đế Bảo Đại (1926-1945) dùng để đi lại trong Hoàng cung (Đại nội Huế), bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm rồng.

Sẽ có 100 cổ vật được định danh bằng công nghệ quét, đo tia sáng hồng ngoại và thực tế ảo để đưa hiện vật lên không gian số, mang đến trải nghiệm trực quan với câu chuyện hấp dẫn về lịch sử hiện vật, du khách toàn cầu dễ dàng tiếp cận "sản phẩm thực lẫn sản phẩm số". 

Đến nay đã có 10 cổ vật (7 cổ vật đang được trưng bày tại điện Long An) được gắn chip, là các cổ vật tiêu biểu, đa dạng về loại hình và chức năng sử dụng (đồ ngự dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi như ngai, kiệu, hia…, dùng để trang trí nội thất như cành vàng lá ngọc hay thú tiêu khiển…), phản ánh những nét đặc trưng về đời sống vật chất, lễ nghi, chính trị, tư tưởng của vua quan nhà Nguyễn.

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 3

Quả cầu cửu long sơn thếp, một món đồ nội thất độc đáo từng được bày trong cung vua nhà Nguyễn. Hiện vật này được tạo hình chín con rồng vờn quanh ngọc châu, làm bằng gỗ quý thếp vàng toàn bộ bề mặt theo kỹ thuật truyền thống. 

Cổ vật hiện được trưng bày tại điện Long An - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tiếp tục triển khai việc biên soạn nội dung, quét/chụp hình ảnh cho các cổ vật được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng nói riêng và Trung tâm nói chung, giúp du khách toàn cầu có thể ngắm nhìn, tìm hiểu những thông tin, hình ảnh liên quan đến cổ vật thông qua không gian số.

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 4

Cành vàng lá ngọc là một dạng cổ vật đặc biệt, từng hiện diện rất nhiều trong các cung điện, lăng tẩm vua chúa ở Huế. Đúng như tên gọi, các cành cây được dát vàng, hoa và lá làm từ đá ngọc. 

Hiện ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trưng bày 2 hiện vật cành vàng lá ngọc có thân và cành cây bằng gỗ, thếp vàng, lá ngọc, gắn trong chậu pháp lam.

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 5

Bức phù điêu bằng đá viền gỗ 2 mặt, trong đó mặt trước được chạm khắc hết sức tinh xảo, hiện vật từng được đặt trong cung điện của triều Nguyễn. 

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 6

Bộ xăm hường bằng ngà của hoàng đế Tự Đức (1829-1883), vị vua có thời gian trị vì lâu nhất triều Nguyễn, với 36 năm (1847-1883).

Đổ xăm hường là trò chơi gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ Hán, ghi danh các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa, như: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên.

"Hường" là đọc trại chữ "Hồng" (nghĩa là màu hồng - màu của mặt "tứ" trên hột xúc xắc nhưng cũng có trong tên chữ Hồng Nhậm của vua Tự Ðức, nên phải kiêng tránh). Sau khi vua Tự Đức qua đời, tại điện Hòa Khiêm vẫn lưu giữ những bộ đầu hồ và xăm hường mà nhà vua đã dùng. 

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 7

Tô sứ thời Nguyễn trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế vừa được gắn chip định danh số.

Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đồ sứ ký kiểu là tên gọi dùng để chỉ những món đồ sứ do người Việt Nam (hoàng đế, quan lại, thường dân) đặt làm tại các lò gốm Trung Hoa trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề.

Thời Nguyễn (1802-1945), các đoàn sứ bộ đi sứ sang Trung Hoa ngoài nhiệm vụ chính như cầu phong, tạ ơn, cáo thụ, chúc mừng, còn kiêm thêm việc đặt làm đồ sứ cho triều đình, chủ yếu dưới các đời hoàng đế: Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), Khải Định (1916-1925). Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn phong phú về chủng loại, kiểu dáng, đa dạng về đề tài và hoa văn trang trí. 

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 8

Bản gốc 1 trang trong tập Từ huấn lục, cổ vật cũng đã được gắn chip định danh.

Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đây là những ghi chép lời dạy con của Hoàng thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu), mẹ vua Tự Đức (Ảnh: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 9

Đôi hia thời Nguyễn, 1 trong 10 cổ vật đã được lựa chọn thí điểm để định danh số vạn vật (Nomion), trưng bày trên không gian số.

Theo đại diện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cổ vật này hiện được trưng bày tại điện Kiến Trung, bên trong Đại nội Huế (Ảnh: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 10

Cổ vật cơi thờ bằng bạc, 1 trong 10 cổ vật triều Nguyễn đã được lựa chọn thí điểm để định danh số (Ảnh: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 11

Nhân viên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hướng dẫn du khách sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để trải nghiệm, tra cứu những thông tin liên quan hiện vật, cổ vật đã được gắn chip NFC định danh số.

Ngắm 10 cổ vật triều Nguyễn vừa được định danh số - 12

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nơi trưng bày phần lớn các cổ vật, hiện vật liên quan đến triều Nguyễn tại Huế.