PhotoStory

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong "Khánh Hòa tam kiệt"

Thực hiện: Trung Thi

(Dân trí) - Đức độ và tài trí hơn người, ông Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây Đại tướng, lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp ở Khánh Hòa. Khi ông mất, nhân dân lập miếu thờ, cúng.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 1

Miếu Trịnh Phong được nhân dân xây dựng vào năm 1886, nay thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong. Ông là người lãnh đạo cao nhất của phong trào Cần Vương yêu nước ở tỉnh Khánh Hòa.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 2

Cổng vào của miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong. Trước miếu thờ có bức hoành phi khắc 3 chữ Hán Nôm "Vạn An Miếu".

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 3

Tượng thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, phía sau tượng là chữ "Thần" (Hán Nôm).

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 4

Bày trí trong khu vực miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 5

Hai bản sắc phong của 2 vị vua triều Nguyễn ban tặng cho miếu Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong.

Cụ thể, năm 1901 vua Thành Thái ban tặng sắc phong cho miếu "Đại Đức Khôi Tinh", để hàm ý chỉ miếu thờ người anh hùng vì nước quên thân; năm 1924, vua Khải Định tiếp tục ban tặng sắc phong với mỹ tự "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Thuần Chính", chỉ miếu thờ một người đã có công giúp nước, trợ dân.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 6

Cuộc đời, sự nghiệp của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổng hợp, in thành sách để lưu truyền cho nhiều thế hệ về sau.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 7

Ông Nguyễn Đức, Phó Ban quản lý di tích miếu Trịnh Phong, trực tiếp trông coi, bảo quản và nhang khói tại di tích, cho biết hàng tuần có rất đông người dân, du khách đến miếu thờ thắp nhang tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong.

Di tích cũng trở thành nơi tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới của các đơn vị, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí phấn đấu cho thế hệ trẻ.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 8

Hệ mái của miếu lợp ngói âm dương, đỉnh mái đắp hình "Lưỡng long chầu nguyệt".

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 9

Họa tiết bức bình phong trước miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong.

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 10

Trước miếu có một cây bồ đề cổ thụ.

Theo Phó Ban quản lý di tích miếu Trịnh Phong, cây bồ đề này được trồng từ đời ông, cha khi nhân dân tự lập miếu để thờ Bình Tây Đại tướng. 

Miếu thờ vị tướng được dân suy tôn trong Khánh Hòa tam kiệt - 11

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, năm 1991 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ban hành quyết định, xếp hạng miếu Trịnh Phong là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, ông Trịnh Phong sinh ra ở làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc thành phố Nha Trang). Năm 1864, ông thi đậu cử nhân võ và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Đề đốc, nhậm chức tại Quảng Nam.

Sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn chia thành 2 phe chủ chiến và chủ hòa. Trước tình hình này, ông Trịnh Phong từ quan, trở về quê hương nung nấu ý chí, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược.

Năm 1885, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước. 

Tại Khánh Hòa, Trịnh Phong cùng nhiều thân hào nhân sĩ đứng lên thành lập "Bình Tây cứu quốc đoàn", kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, luyện tập binh sĩ, đúc rèn vũ khí sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhờ đức độ và tài trí hơn người, Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây Đại tướng, thống lĩnh nghĩa quân.

Trong quá trình chiến đấu, ban đầu nghĩa quân giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

Đến năm 1886, Pháp điều thêm quân và vũ khí để đàn áp phong trào. Sau đó, nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân trong đó có Trịnh Phong bị xử trảm.

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa bị dập tắt nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường, bất khuất đã để lại trong lòng nhân dân Khánh Hòa một tình cảm đặc biệt sâu sắc. Nhân dân đã suy tôn 3 thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa là Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh với danh hiệu "Khánh Hòa tam kiệt".