PhotoStory

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa

Thực hiện: Trung Thi

(Dân trí) - Tại di tích Phủ Đường Ninh Hòa (Khánh Hòa), cơ quan chức năng đã phục dựng lại cảnh quan Tri phủ làm việc. Trên bàn của quan có cây roi bằng đuôi cá đuối để thị uy, đánh người được xem là có tội.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 1

Di tích Phủ đường Ninh Hòa thuộc phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 35km về hướng bắc.

Theo thông tin từ Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, từ thời vua Gia Long đến Minh Mệnh năm thứ 1 (1820), Phủ đường Ninh Hòa là trụ sở hành chính cấp huyện; đến thời Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) lỵ sở này được xây dựng lại với quy mô khang trang, tương xứng là trụ sở hành chính cấp huyện, sau đó là Phủ.

Trải qua hàng trăm năm, Phủ đường này xuống cấp, do đó vào năm 2023, tỉnh Khánh Hòa chi hơn 3 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Khi thiết kế, xây dựng đơn vị thi công vẫn giữ gìn kết cấu cũ, còn vật liệu một số vị trí được thay mới.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 2

Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc có dạng hình chữ nhật, mặt tiền quay về hướng đông nam. Về tổng thể, di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu 3 gian 2 chái. 

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 3

Tòa nhà chính là công đường, bậc cấp và thềm. Đây là nơi được dùng để thông báo các lệnh chỉ, chỉ dụ của vua quan triều đình cho đội ngũ nha lại ở Phủ.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 4

Phần mái của Phủ đường được lợp bằng ngói âm dương.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 5

Gian giữa cơ quan chức năng cho phục dựng, trưng bày một bộ bàn ghế và tượng mô phỏng cảnh quan Tri phủ đang ngồi làm việc.

Tại vị trí ngồi làm việc của quan còn có cặp tàn, lọng che rất uy nghiêm. 

Trên bàn của quan Tri phủ là ống đựng bút, hộp đựng thẻ lệnh. Phía tay phải có một ống gỗ đựng roi da bò, roi cá đuối.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 6
Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 7
Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 8

Ông Nguyễn Văn Lương, chuyên viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã Ninh Hòa, cho biết roi đuôi cá đuối có nhiều gai nhọn, dễ gây thương tích. Quan Tri phủ thời xưa thường dùng cây roi này để thị uy, đánh những người được xem là có tội.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 9

Sau lưng tượng Tri phủ có một tượng hình người lính tay cầm dây, kéo chiếc quạt phía trên lên xuống để tạo gió mát cho quan làm việc.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 10

Mô phỏng 2 tượng lính khiêng võng, để quan nằm lên đi lại các nơi.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 11
Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 12

Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Phủ đường Ninh Hòa là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng ở Khánh Hòa, góp phần vào chiến thắng chung của đất nước.

Năm 2000, di tích này được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Cây roi bằng đuôi cá đuối trên bàn quan Tri phủ thời xưa - 13

Ông Nguyễn Văn Lương cho biết do Phủ đường Ninh Hòa nằm ở trong khuôn viên trụ sở UBND thị xã Ninh Hòa, nên du khách muốn tham quan cần phải đăng ký trước với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã để được hướng dẫn.

Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Phủ đường Ninh Hòa có 2 sự kiện lịch sử quan trọng ở Khánh Hòa, góp phần vào chiến thắng chung của đất nước.

* Sự kiện thứ nhất:

Ngày 16/7/1930, gần 1.000 quần chúng nhân dân yêu nước ở Ninh Hòa đứng lên biểu tình, ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh.

Đoàn biểu tình tiến vào Huyện đường, Tri huyện Đinh Bá Cẩn và lính canh khiếp sợ không dám có hành động chống đối.

Đoàn biểu tình đứng kín trước sảnh đường, đưa bản yêu sách cho viên Tri huyện và nói rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc biểu tình. Tri huyện Đinh Bá Cẩn phải tiếp nhận bản yêu sách và ký tên. 

* Sự kiện thứ hai:

Sáng ngày 17/8/1945, hàng vạn nhân dân các làng xung quanh phủ lỵ đổ ra đường, mang cờ và khẩu hiệu biểu tình rồi từ các ngả đường kéo vào phủ lỵ.  

Đoàn biểu tình tiến vào Phủ đường, Tri phủ Hồ Hưng mang giấy tờ ấn tín và 800 đồng Đông Dương đã chuẩn bị sẵn ra giao cho đại diện của Việt Minh. 

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đóng tại Phủ đường Ninh Hòa.

Ngày 2/9/1945, các cán bộ cách mạng và nhân dân địa phương đã tập trung về Phủ đường để nghe qua Radio bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

Phủ đường Ninh Hòa cũng là nơi Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đã tổ chức phát động các phong trào yêu nước như: Tuần lễ vàng, Quỹ độc lập, Hũ gạo kháng chiến, Hũ gạo nuôi quân… trong những ngày đầu giành độc lập.