"Mất con, mất nhà, mất tất cả" và tình người sau cơn bão Yagi
(Dân trí) - Sau những ngày xa nhà làm nhiệm vụ, chiến sĩ Hoàng Trọng Diệp trở về, chỉ còn thấy đổ nát hoang tàn. Cơn lũ đã cướp đi sinh mạng những người thân yêu, để lại nỗi đau tột cùng. Giữa tang thương ấy, những vòng tay đã siết chặt, dìu nhau qua gian nan.
"Bị cô lập nhiều ngày, bà con ở đây thiếu thốn, khổ lắm"
Sau 6 ngày mất liên lạc với gia đình, anh Nông Văn Chủ (38 tuổi, công tác tại lực lượng vũ trang huyện Bảo Yên, Lào Cai) nóng ruột xin đơn vị cho về thăm nhà. Đất đá đổ xuống chặn nhiều ngả đường, ô tô, xe máy không thể di chuyển. Cách duy nhất để về nhà lúc ấy là đi bộ.
Sáng 14/9, anh mất 4 tiếng đồng hồ đi bộ, lội bùn qua quãng đường gần 10km. Chật vật về đến đầu thôn, anh Chủ không tin vào mắt mình khi xóm làng thân thuộc nay tan hoang do ngập sâu, sạt lở, con đường trải nhựa mất dấu hoàn toàn trong bùn đất, khung cảnh thảm họa như vừa trải qua động đất.
Người trong thôn kể, có 3 người bị thiệt mạng do sập nhà rạng sáng ngày 10/9. Anh Chủ bồn chồn đi thẳng về nhà và vỡ òa khi biết gia đình của mình vẫn an toàn.
Khung cảnh hoang tàn trên hành trình tới xã bị cô lập (Ảnh: Hồng Anh).
Ngay thời điểm ấy, anh Chủ đã kết nối với phóng viên báo Dân trí. Đứng giữa khung cảnh đổ nát, người đàn ông quay video gửi tới, bật khóc khẩn cầu: "Bà con ở đây thiếu thốn, khổ lắm chị ơi. Cả xã bị cô lập. Rất ít đoàn cứu trợ vào được. Người dân phải đi bộ, đi xe máy ra đường lớn mong gặp được các đoàn thiện nguyện".
Ngay sau khi nhận tiếp nhận thông tin, báo Dân trí đã lập tức cử đoàn công tác tới xã Việt Tiến. Hành trang mang theo là 3 tấn gạo, hơn 3 tấn hàng, bao gồm 200 đèn năng lượng mặt trời, máy phát điện, thuốc cùng nhiều nhu yếu phẩm.
11h ngày 16/9, từ Hà Nội, 2 chiếc xe tải chất đầy hàng hóa do bạn đọc báo Dân trí và các nhà hảo tâm ủng hộ xuất phát đến với người dân Việt Tiến.
Những ngôi nhà vụn nát, hàng hóa, tài sản thiệt hại vứt chỏng chơ, khung cảnh hoang tàn và đặc biệt là cảnh người dân nhiều nơi đứng xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ ven đường khiến chúng tôi càng nóng lòng đến Việt Tiến nhanh nhất.
Thông thường, từ Hà Nội đến xã Việt Tiến, các xe sẽ di chuyển qua xã Bảo Hà (một xã của huyện Bảo Yên tiếp giáp với Yên Bái). Tuy nhiên, thời điểm ấy, tuyến đường từ xã Bảo Hà đến Việt Tiến bị sạt lở nghiêm trọng. Đường qua phố Lu (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) - quốc lộ 70 trở thành con đường độc đạo.
Chiều 16/9, nhiều điểm trên tuyến đường này mới được khai thông, máy múc, máy cẩu cấp tập dọn dẹp. Đường đi liên tiếp xuất hiện các điểm sạt lở với biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế di chuyển.
Nhiều đoạn đường nứt toác lộ ra những khoảng trống, một phần đường ở những khúc cua ven sông đã biến mất sau trận lũ. Để đảm bảo an toàn, đoàn xe của báo Dân trí phải liên tục cập nhật tình hình giao thông từ người dân bản địa, thầm mong đất đá trên vách núi không rơi xuống.
21h đêm, khi chỉ còn cách xã Việt Tiến một cây cầu, chiếc xe tải chở đồ cứu trợ bị sa lầy ở khúc cua ven sông Chảy. Đoạn đường này chỉ mới được khai thông chưa đầy một ngày nhưng vì mưa chưa dứt nên các xe qua đây vẫn vô cùng chật vật.
Sau khi tìm đủ mọi cách, lực lượng địa phương đã huy động một xe cẩu nối dây cáp "giải cứu" xe tải.
Ngồi trên cabin xe tải 5 tấn đi qua đoạn đường hẹp trơn trượt, nơi một bên là dòng sông chảy xiết, một bên là đồi núi cao mới hứng trọn trận mưa đêm trước, các thành viên trong đoàn chỉ cầu mong xe thoát thật nhanh khỏi điểm lầy.
Cuối cùng, sau 12 tiếng di chuyển, đoàn báo Dân trí đã tiếp cận được xã bị cô lập khi đêm đã khuya. Ông Bùi Trịnh Hải, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến tiếp đoàn trong trang phục áo phông, quần soóc.
Sau lời chào hỏi, vị lãnh đạo xã phân trần: "Suốt chục ngày ứng trực bão lũ, quần áo không kịp khô anh chị ạ".
Ngồi ở góc sân dưới ánh sáng lờ mờ của bóng điện hắt ra từ mái hiên, ông Hải chia sẻ, đường mới được khai thông trước đó một ngày, điện mới có trở lại một số thôn. Đoàn báo Dân trí là một trong số những đoàn cứu trợ đầu tiên đến với người dân Việt Tiến.
Trước đó, đường trục chính trong xã bị sạt lở, đứt gãy hoàn toàn, muốn đi đến các thôn, ông Hải và các cán bộ xã chỉ có thể vượt đồi rừng.
Để kết nối thông tin với bên ngoài, 3 ngày trước đó, một số cán bộ xã phải đi bộ xuôi về Lục Yên (Yên Bái) 5km để đón sóng điện thoại. Khi ấy, người dân nơi đây cũng mới biết tới thảm họa Làng Nủ, nhiều người xót xa khi hay tin người thân, bạn bè đã bị thiệt mạng.
Sau những ngày mưa lũ kéo dài, 100% thôn bản tại đây bị chia cắt, 90% căn nhà bị ảnh hưởng, 10 căn nhà bị vùi lấp, hư hại hoàn toàn; 100% diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, nhiều gia đình thóc lúa bị ướt, người dân không có gạo để ăn.
Lúc ấy, vì đã đêm muộn, ông Hải đề xuất phương án trao quà vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, đại diện đoàn báo Dân trí thống nhất sẽ triển khai trao quà ngay trong đêm khuya bởi biết rằng, có rất đông người dân đang chờ đợi.
Đoàn xe của báo Dân trí và bạn đọc tiếp tục di chuyển khoảng 2km đường lầy lội vào sâu trong Tân Bèn, thôn nhiều ngày trước bị ngăn cách do đường sạt lở.
Biết được trong các món quà mà đoàn báo Dân trí và bạn đọc trao tặng sẽ có đèn năng lượng mặt trời và đèn pin tích điện, người dân thôn Tân Bèn vô cùng phấn khởi, chờ hơn 10 tiếng đồng hồ.
Người dân thôn Tân Bèn nhận quà cứu trợ của đoàn báo Dân trí và bạn đọc (Ảnh: Trung Kiên).
Chị Nguyễn Thị Duyến cho biết, nhà chị ở sâu trong thôn bản, đã chịu cảnh mất điện hơn một tuần.
Khi những gia đình ở ngoài khu trung tâm xã có điện trở lại thì khu chị sống vẫn chìm trong bóng tối. Theo chị Duyến, chiếc đèn năng lượng mặt trời và đèn pin là món quà đặc biệt, rất hữu ích với gia đình chị. "Nhiều hôm mất điện, nghe đất sạt sau nhà, chúng tôi cuống cuồng dọn dẹp và chạy loạn trong bóng tối", chị Duyến nói.
Ôm trên tay bao gạo nặng 10kg cùng đèn pin, dầu ăn, đèn năng lượng mặt trời, chị Lương Thị Đời nói như sắp khóc: "Chúng tôi đã đợi ở đây từ trưa, chỉ sợ đoàn từ thiện không vào được. Khi thấy ánh đèn pha ô tô, ai cũng mừng vui vì biết sắp có gạo để ăn, đèn để thắp sáng".
Sáng hôm sau, tại thôn Già Thượng nơi mấy ngày trước nước dâng 5-7m nhấn chìm nhiều thóc gạo, đồ đạc, thiết bị điện..., nhiều người dân cũng có mặt từ sớm liên tục hỏi: "Đoàn có đèn năng lượng mặt trời đã về chưa?".
Những món quà cứu trợ được người dân nâng niu, trân trọng (Ảnh: Hồng Anh).
Sau khi được nhận những phần quà hỗ trợ từ báo Dân trí và bạn đọc, bà Hoàng Thị Đoàn (55 tuổi) và cháu Nông Bảo Anh (6 tuổi) vui mừng nói: "Nhà tôi không còn lo mất điện nữa. Cả nhà có đèn thắp sáng để ăn cơm, cháu có đèn học bài". Ngay cạnh đó, bà Hoàng Thị Mai cũng nâng niu chiếc đèn năng lượng vừa nhận.
Bà nói: "Tôi có tuổi rồi, chỉ sợ vấp ngã sẽ ảnh hưởng đến xương khớp. Có cái đèn này, tôi sẽ nhìn rõ đường đi lối lại trong nhà. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn báo Dân trí và tấm lòng các nhà hảo tâm đã vượt quãng đường xa xôi, khó khăn về với chúng tôi", bà Mai nghẹn ngào nói.
Trời gần về trưa, bóng lưng của người dân khuất dần sau dãy núi. Những món quà nhỏ của bạn đọc và các nhà hảo tâm đã được báo Dân trí trao tận tay tới người dân xã Việt Tiến.
Ngoài ra, báo Dân trí đã thay mặt các nhà hảo tâm và bạn đọc hỗ trợ 3 hoàn cảnh mất người thân, mất nhà tại xã Việt Tiến, mỗi hoàn cảnh 5 triệu đồng.
Vượt 300km tiếp cận tâm sạt lở cướp đi 10 mạng người ở Yên Bái
"Tìm thấy Dược rồi", 17h chiều 25/9, dòng tin nhắn từ một người dân thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) gửi đến khiến phóng viên Dân trí cảm thấy nhẹ lòng. Cuối cùng, sau 16 ngày mòn mỏi tìm kiếm, anh đã về với mẹ già, vợ và con thơ đang đỏ mắt ngóng trông.
Anh Hoàng Văn Dược (33 tuổi) là nạn nhân cuối cùng được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa lên từ hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra rạng sáng 10/9 khiến 9 người dân thôn Át Thượng thiệt mạng.
Cùng ngày, tại xã Minh Xuân, một thảm kịch tương tự xảy ra ở thôn Kéo Quạng cướp đi 1 mạng người. Tổng số 8 ngôi nhà đã bị xóa sổ.
Từ xóm làng yên bình nằm nép mình dưới chân đồi, nơi những nếp nhà sàn khang trang bao quanh là ruộng lúa xanh tốt, chỉ sau một đêm, hai khu dân cư ở Át Thượng và Kéo Quạng chỉ còn lại màu vàng của hàng nghìn khối đất.
Chiều 17/9, đoàn phóng viên báo Dân trí xuất phát từ Hà Nội về xã Minh Xuân để kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.
Tuy nhiên, đoạn đường quốc lộ 70 từ thành phố Yên Bái về huyện Lục Yên có hơn 10 điểm sạt lở nghiêm trọng, giao thông ách tắc. Có đoạn, các phương tiện phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để máy xúc cào đất, thông đường. Để nhanh chóng tiếp cận tâm sạt lở ở xã Minh Xuân, đoàn quyết định đi cung đường vòng, qua tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Gần 22h, tức sau hơn 6 tiếng lái xe liên tục, chúng tôi mới tới được thị trấn Yên Thế.
Cận cảnh hiện trường vụ sạt lở khiến 9 người thiệt mạng ở thôn Át Thượng (Ảnh: Trung Nam).
Ngay sáng hôm sau, đại diện báo Dân trí thay mặt độc giả cùng các nhà hảo tâm đã đến thắp hương và chia buồn, trao tổng 30 triệu đồng tới 5 hộ gia đình ở xã Minh Xuân có người thân bị thiệt mạng từ trận lở đất.
Con đường dẫn vào thôn Át Thượng khi ấy vẫn còn vết tích của trận sạt lở xảy ra cách đó một tuần. Đất đá mới được dọn tạm để xe to có thể đi vào, cây cầu nhỏ vắt qua khe suối vẫn chìm trong nước lũ…
Càng tiến gần hiện trường vụ sạt lở cướp đi 9 mạng người, cảnh tượng hoang tàn càng hiện rõ khiến ai nấy đều xót xa. Từng mảnh gỗ của nhà sàn vương vãi trên nền đất, cây đổ ngổn ngang khắp nơi, mênh mông toàn là bùn đất.
Hơn 40 năm sống trên đời, bà Đỗ Thị Thảo - trú tại thôn Át Thượng - chưa bao giờ thấy cảnh tang thương như thế. Sau cú nổ lớn trong đêm khiến "biển" đất đá sạt xuống, hàng chục hộ gia đình đã mất nhà hoặc buộc phải di tản, tiếng cười nói vang cả núi đồi giờ chỉ còn nỗi ám ảnh, đau xót.
Những ngày qua, bà Thảo đành nương nhờ nhà người thân, dặn lòng mình "còn người còn của". Thảm kịch hôm ấy đã cướp đi bố mẹ chồng, em chồng và em dâu cùng cháu gái của bà.
Tại Nhà văn hóa thôn Át Thượng, Hoàng Trọng Diệp (19 tuổi) - chiến sĩ nghĩa vụ công an tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái - ngồi bần thần trước bàn thờ khói hương nghi ngút của ông bà nội, bố mẹ và em gái. Nỗi đau chồng chất khi cùng lúc mất đi 5 người thân, anh đã không còn nước mắt để rơi.
Gắng gượng lắm, Diệp mới có thể mở lời kể cho chúng tôi nghe về cái ngày định mệnh ấy. Ở cách xa nhà gần 100km, anh đành bất lực, không thể trở về ngay khi nhận tin dữ. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng cứu nạn và người thân, anh tìm được thi thể của toàn bộ gia đình nằm cách nhà 100m, có người không còn nguyên vẹn hình hài.
Trước mất mát tận cùng của Hoàng Trọng Diệp, đại diện báo Dân trí gửi tới anh số tiền 10 triệu đồng, hy vọng anh sớm nguôi ngoai, sống tiếp những ngày tháng sau này.
Thay mặt độc giả và các nhà hảo tâm, đoàn cũng đã trao 10 triệu đồng tới gia đình chị Hoàng Thị Ngọc Duyễn (mất bà nội, mẹ và em trai vì sạt lở), 5 triệu đồng tới chị gia đình chị Hoàng Thị Duy (mất em trai) và gia đình chị Hoàng Thị Linh (ở thôn Kéo Quạng, mất bố) để họ sớm ổn định lại cuộc sống.
Những ngày chưa tìm thấy nạn nhân Hoàng Văn Dược, hàng trăm cán bộ chiến sĩ và người dân đã tham gia công tác tìm kiếm. Máy xúc làm việc xuyên trưa, những hộp cơm ăn vội vàng… để sớm đưa anh về với gia đình.
Hôm 25/9, tức ngày thứ 16 từ khi xảy ra sạt lở, ông Lã Văn Quảng - Chủ tịch UBND xã Minh Xuân - báo tin, Công an tỉnh Yên Bái đã đưa chó nghiệp vụ vào hiện trường hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân lần cuối. Tưởng chừng như không có hy vọng, đến cuối chiều, anh Dược đã được tìm thấy.
Thay mặt chính quyền và nhân dân xã Minh Xuân, ông Quảng gửi lời cảm ơn đến báo Dân trí, độc giả và các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, đồng hành và hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 trận lở đất trên địa bàn.
Chị Hoàng Thị Duy - chị gái nạn nhân Hoàng Văn Dược - cũng bày tỏ lòng biết ơn khi báo Dân trí đưa tin kịp thời để từ đó, nhiều nhà hảo tâm và đoàn thiện nguyện đã đến chia sẻ nỗi mất mát cùng gia đình.
Tình người trong "nỗi đau Làng Nủ"
Ở một nơi đầy tang thương sau thảm họa lũ quét, những cái nắm tay, cái ôm thật chặt, những sự hỗ trợ không chút toan tính, đều đến một cách rất tự nhiên. Làng Nủ sau ngày 10/9 định mệnh đã trở thành nỗi đau chung, nhưng cũng ở nơi ấy, thật nhiều tình cảm đáng trân quý được thắp sáng.
Cái tên "Làng Nủ" giờ đây đã ít xuất hiện hơn. Những người dân may mắn còn sống sót ở nơi đây đang bắt đầu một cuộc sống mới sau chuỗi ngày đầy đau thương và mất mát.
Nhìn lại Làng Nủ những ngày qua, sự tang thương có lẽ không từ ngữ nào có thể miêu tả hết.
Sáng sớm 10/9, khi nhiều gia đình còn đang say giấc, cơn lũ quét kinh hoàng ập đến cuốn trôi cả bản làng chỉ trong chớp mắt. Thôn Làng Nủ hoàn toàn cô lập với bên ngoài, giao thông bị chia cắt do sạt lở, mất điện, mất sóng viễn thông.
Một báo cáo nhanh được Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo viết bằng tay, thông tin nhanh về tình hình thiệt hại ở Làng Nủ và đề nghị tỉnh hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp đã không thể gửi đi vì giao thông chia cắt, sóng viễn thông cũng không còn.
Và một cán bộ "giao liên" ngay lập tức nhận nhiệm vụ băng rừng, báo tin nhanh lên tỉnh đề nghị chi viện, ứng cứu.
Sáng sớm hôm sau, nhóm phóng viên báo Dân trí sau hành trình gần 10 tiếng trên chặng đường đầy vết sạt trượt và hố bùn, mới tiếp cận được hiện trường vụ lũ quét ở Làng Nủ. Đây cũng là nhóm phóng viên đầu tiên đến được hiện trường thảm khốc.
Một bản làng vốn xanh tươi, yên bình nay trở nên hoang tàn dưới đống bùn đất xen lẫn nước lũ chảy cuồn cuộn.
"Xót xa", "không thể tưởng tượng" là từ mà những người có mặt tại hiện trường khi ấy phải thốt lên. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường sau khi nghe báo cáo sơ bộ tình hình đã đưa ra nhiều chỉ đạo cấp bách, trước hết là thiết lập lại hệ thống thông tin liên lạc, khơi thông đường giao thông để lực lượng cứu nạn tiếp cận hiện trường, lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn ngay tại Nhà Văn hóa thôn Làng Nủ.
Cùng lãnh đạo tỉnh vào đến Sở Chỉ huy, nhóm phóng viên Dân trí đã ghi lại những hình ảnh và thu thập những thông tin đầu tiên, song không có sóng viễn thông nên không thể gửi thông tin về tòa soạn.
Phải mất khoảng một tiếng sau, khi các cán bộ của Viettel xuất hiện để lắp trạm phát sóng theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, những dòng tin tức đầu tiên của phóng viên mới được chuyển về tòa soạn.
Tác nghiệp trong một hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, quả thật không hề dễ dàng. Ngoài điều kiện khó khăn về sóng điện thoại, mạng viễn thông hay sự nguy hiểm từ hiện trường vụ lũ quét, chúng tôi phải đối mặt với nỗi ám ảnh rất lớn khi tận mắt chứng kiến từng thi thể nạn nhân của vụ lũ quét được đưa lên, trong đó có những em bé vừa mới tròn tháng, và có những người được tìm thấy nhưng không còn nguyên vẹn.
Tiếng khóc đau thấu trời xanh của người dân Làng Nủ xen lẫn trong cơn mưa tầm tã khiến những người chứng kiến cũng không thể cầm được nước mắt. Họ nắm tay, họ ôm chặt để an ủi lẫn nhau, khi tất cả đều mang trong mình nỗi đau mất người thân.
"Hãy cho tôi xin một tấm áo quan, con tôi chắc lạnh lắm", câu nói của một người mẹ trẻ khiến tôi bật khóc. Ở đó, rất nhiều thi thể đưa lên nhưng chỉ được che tạm bằng tấm chiếu, trong đó có đứa con bé bỏng chưa tròn 5 tuổi của chị. Chính quyền rất nỗ lực, các lực lượng đều đang cố gắng, nhưng mọi thứ chưa thể chuẩn bị vẹn toàn do quá nhiều yếu tố khắc nghiệt.
Cuối giờ chiều hôm ấy, tim chúng tôi như bị bóp nghẹt một lần nữa, khi chứng kiến "báo động lũ về", vì ở dưới suối kia, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ đang nỗ lực tìm người mất tích, không hay biết nguy cơ có thể xảy ra.
Chúng tôi thực sự không dám tưởng tượng nếu lũ quét khi ấy tiếp tục tràn về, chuyện gì sẽ xảy ra?
Chiều hôm sau, cũng là một ngày nhiều cảm xúc khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đến hiện trường vụ lũ quét. Thay vì ngồi ô tô vào tận Sở Chỉ huy nghe báo cáo, Thủ tướng xuống đi bộ ngay từ ngoài, tay cầm gậy, chân đi ủng, lội xuống động viên các chiến sĩ tìm kiếm cứu nạn và dặn họ giữ an toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến hiện trường vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ chiều tối 12/9 (Ảnh: Hữu Khoa).
Lên bờ, Thủ tướng đến chỗ những người dân với đôi mắt đỏ hoe. Một người đàn ông bật khóc khi kể cho Thủ tướng nghe thảm họa vừa xảy ra, còn Thủ tướng cúi đầu, hai bàn tay bấu chặt vào nhau cố kìm nén cảm xúc.
Một người phụ nữ khác cũng khóc không ngừng, nói với Thủ tướng bà không cần gì cả, chỉ cần tìm được thi thể của chồng thôi. Nắm chặt những đôi bàn tay đang run rẩy ấy, Thủ tướng động viên bà con cố gắng vượt qua nỗi đau và sớm ổn định cuộc sống, bởi mất mát về con người là mất mát không gì có thể bù đắp.
Vào làm việc trong Sở Chỉ huy, Thủ tướng vừa nói câu đầu tiên giọng đã bật khóc vì xúc động, khi chứng kiến nước mắt và nỗi đau của người dân Làng Nủ, cũng như sự vất vả của lực lượng tìm kiếm.
Làng Nủ chính trong những ngày đầy đau thương ấy, cũng có rất nhiều tình yêu thương.
Mọi sự lo lắng của người dân cả nước đều hướng về nơi đây, họ cầu nguyện cho những phép màu xảy ra. Nhiều người từ các thôn, làng xung quanh đã đến đây giúp đỡ, động viên những người mang nỗi đau mất mát. Và chính những người dân có may mắn sống sót trong thôn, cũng sẵn sàng mở cửa giúp tất cả mọi người.
Gia đình bà Hoàng Thị Và (61 tuổi) cùng căn nhà sàn may mắn nguyên vẹn sau cơn lũ quét, đã mở cổng đón hàng trăm chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn vào ăn uống, nghỉ ngơi. Bà đi chặt tre làm giá phơi quân phục, hái rau về xào cho bộ đội ăn.
Thậm chí, khi phóng viên Dân trí, những người hoàn toàn xa lạ, ngỏ lời mượn xe máy để đi tác nghiệp, hai vợ chồng bà Và không ngần ngại đồng ý, lấy chìa khóa đưa ngay mà không cần bất cứ lời cam kết nào.
Cửa hàng tạp hóa của anh Hoàng Văn Hiếu ở thôn Làng Nủ cũng vậy, dù đã bị sạt lở vùi lấp một phần, vẫn mở cửa để mọi người "cần gì cứ lấy".
Anh Hiếu mất 5 người họ hàng trong trận lũ quét, thi thể thân nhân tìm được cũng không còn nguyện vẹn.
Hai vợ chồng anh tất tả đi tìm người thân, nhưng cửa hàng tạp hóa vẫn mở để mọi người có thể lấy đồ cần thiết. Nhiều người ra mua những vật dụng thiết yếu, người đàn ông không lấy tiền mà bảo "cứ cầm về dùng đi", vì người quan trọng giờ không còn nữa, hàng hóa có quan trọng gì.
Một tốp bộ đội rẽ vào cửa hàng tạp hóa của anh Hiếu để mua đồ, đúng lúc giữa trưa, vợ anh Hiếu luôn miệng nói "các chú bộ đội cần gì thì cứ lấy nhé", rồi chị chỉ chỗ để dép, chỗ để các vật dụng như cuốc, xẻng cho các chiến sĩ có thể tự lấy khi cần.
Sau những ngày mưa lũ, khắp bản làng vùng cao chằng chịt vết thương nhưng cũng được sưởi ấm bằng tình người. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, hàng nghìn tấm lòng thơm thảo đã gói ghém yêu thương qua từng phần quà, từng dòng tin gửi tới đồng bào vùng khó khăn.
Sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng sẽ phần nào giúp những người dân vùng lũ có thêm tinh thần và động lực vực dậy sau những chuỗi ngày gian khó.
Trước tình thế cấp bách cần tái thiết lại sớm sau lũ, 3h sáng ngày 13/9, đoàn báo Dân trí đã di chuyển ngay lên Lào Cai. Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí quyết định ứng từ Quỹ Nhân ái cho đủ số tiền 2 tỷ đồng gửi tới Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai xây lại Làng Nủ. Ngoài ra, báo Dân trí cũng trao 10 tấn gạo, 200 chăn màn tới người dân huyện Bảo Yên.
Ngoài việc hỗ trợ trước mắt, Dân trí cũng cam kết đồng hành cùng địa phương trong quá trình tái thiết lâu dài. Đây là một phần trong nỗ lực chung nhằm giúp người dân Làng Nủ vượt qua khó khăn và xây dựng lại cuộc sống ổn định.