Lăng mộ cổ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được kiến trúc ban đầu
(Dân trí) - Lăng Chiêu Nghi được các nhà nghiên cứu đánh giá là lăng mộ cổ thời chúa Nguyễn ở Huế còn giữ nguyên bản kiến trúc ban đầu.
Lăng Chiêu Nghi là nơi an nghỉ của bà Trần Thị Xạ (1716-1750), vợ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), vị chúa thứ 8 trong 9 chúa nhà Nguyễn ở Xứ Đàng Trong thời phong kiến Việt Nam.
Lăng mộ cổ này hiện nằm trong một khu đất rộng trên đường Thanh Hải, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lăng Chiêu Nghi gồm 2 vòng thành bao bọc, xây bằng gạch và có 1 cổng vào huyệt mộ hình vòm.
Thành ngoài dài 39m, rộng 35m, cao 1,8m; thành trong dài 16m, rộng 9,8m, cao 1,7m.
Nằm chính giữa khu lăng là mộ phần 2 tầng, hình chữ nhật của bà Trần Thị Xạ, phía trước có hương án để thờ.
Phía sau mộ là tấm bình phong nhưng đã hư hỏng, xuống cấp theo thời gian, lớp trang trí bên ngoài bị bong tróc chỉ còn lại những hàng gạch xây chồng lên nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, lăng Chiêu Nghi là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn tại Huế còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu sau những biến cố lịch sử ở cuối thế kỷ XVIII. Đây cũng là cơ sở để vua Gia Long phục chế lăng tẩm các chúa sau khi hoàn thành đế nghiệp.
Một điểm nhấn khác tại lăng Chiêu Nghi là tấm văn bia bằng đá cao hơn 3m, rộng 1,4m, khắc 883 chữ Hán, trang trí mặt nguyệt, rồng mây, hoa dây, đặt trên đế cũng bằng đá ở phía trước cổng vào lăng.
Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu, nội dung văn bia lược thuật cuộc đời, phẩm chất của bà Trần Thị Xạ, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Trải qua gần 300 năm, tấm văn bia vẫn nguyên vẹn, chữ viết và hoa văn trang trí còn rất sắc nét.
Riêng tường thành khu lăng mộ đã có nhiều điểm hư hại, chực chờ sụp đổ.
Nhiều ý kiến cho rằng lăng Chiêu Nghi cần được công nhận di tích, qua đó có sự quan tâm quản lý, gìn giữ như một "tiêu bản" kiến trúc quý hiếm thời chúa Nguyễn để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.
Được biết, thời gian qua, người dân sống gần lăng Chiêu Nghi được tạo điều kiện làm vườn, trồng rau, vừa chống cỏ dại xâm lấn, vừa phòng ngừa tệ nạn xã hội xuất hiện ở khu mộ cổ này.
Thi thoảng, người dân địa phương, tăng ni tu tập tại các chùa, tịnh thất, ni xá gần lăng tổ chức dọn dẹp vệ sinh dọc tuyến đường và trước mặt bia mộ, giúp cảnh quan, môi trường sạch đẹp.
Vị trí lăng Chiêu Nghi trên bản đồ (Ảnh: Google maps).
Theo thông tin trên văn bia, bà Chiêu Nghi tên thật là Trần Thị Xạ, người làng Trung Quân, huyện Khang Lộc, đến thời Minh Mạng đổi thành huyện Quảng Ninh, thuộc tỉnh Quảng Bình.
Bà sinh năm Bính Thân (1716), con ông Năng Tài hầu làm chức Khám lý. Năm 20 tuổi, bà vào cung, sau nhờ tài sắc, được chúa Nguyễn Phúc Khoát sủng ái. Bà sinh hạ 4 công tử và 2 cung nữ cho chúa.
Ngày 22/7 Canh Ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), bà Chiêu Nghi lâm bệnh nặng, không chạy chữa khỏi và qua đời khi mới 35 tuổi. Chúa rất thương tiếc, sắc phong Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân, Thụy Từ Mẫn.
Tháng 11 năm Cảnh Hưng Tân Mùi (12/1751), bà Chiêu Nghi được an táng trên ngọn đồi thuộc làng Dương Xuân (nay thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Chúa Nguyễn Phúc Khoát còn cho dựng bia lớn trước lăng, ghi lại công hạnh và niềm tiếc thương đối với bà.