PhotoStory

"Địa ngục trần gian" giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Chín Hầm là một kiểu nhà tù đặc biệt, từng được mệnh danh "địa ngục trần gian" dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 1

Khu di tích Chín Hầm có diện tích hơn 1.000m2, nằm giữa đồi thông thuộc núi Thiên Thai (phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), vốn là kho vũ khí do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1941 bằng bê tông cốt thép.

Năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, khu Chín Hầm bị bỏ trống. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn với vai trò "lãnh chúa miền Trung" đã cải tạo Chín Hầm thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước.

Khu di tích này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia năm 1993.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 2

Gọi là Chín Hầm nhưng trên thực tế chỉ có 8 hầm và 1 pháo đài canh, cũng là nơi ở của binh lính. Khu di tích hiện do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 3

Ông Võ Văn Bích, cán bộ quản lý Khu di tích Chín Hầm, cho biết sau vụ đảo chính ngày 1/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, các căn hầm bị đập phá để giải cứu người bên trong.

Sau đó, do không được quản lý, người dân vào đập phá hầm để lấy sắt thép bán phế liệu nên gần như toàn bộ khu tử ngục này bị hoang phế.

Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao khu quy hoạch Chín Hầm cho Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang quản lý, khai thác. Đơn vị đã cho phục dựng nguyên trạng hầm số 8, xây khu đền thờ, nhà đón tiếp, chỉnh trang lại đường nội bộ để đón khách tham quan.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 4

Theo ông Bích, chỉ khi có khách, cán bộ hướng dẫn mới mở cửa hầm để khách vào tham quan bên trong. Đa số khách đến với di tích Chín Hầm là các đoàn cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, người nghiên cứu.

Hầm số 8 có diện tích gần 73m2, tường dày 0,40m, được thiết kế hơi chìm xuống lòng đất. Hầm chỉ có một cửa chính ra vào làm bằng thép đặc biệt, bên trong có lỗ thông hơi rộng khoảng 30cm.

Trong hầm phân thành 20 ô xà lim biệt giam. Đây là nơi Ngô Đình Cẩn sử dụng để giam giữ các chiến sĩ cộng sản.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 5

Theo tư liệu lịch sử,  tùy theo thành phần và phạm tội khác nhau mà Ngô Đình Cẩn cho giam giữ các chiến sĩ ở các hầm khác nhau. 

Từ khi Chín Hầm được xây dựng xong, hàng nghìn người yêu nước đã phải sống và chết nơi chốn lao tù này.

Đây là một kiểu nhà tù đặc biệt điển hình của chế độ gia đình trị họ Ngô ở miền Trung. Để khủng bố tù nhân, bọn tay chân của Ngô Đình Cẩn đã thực hiện các hình thức tra tấn, đánh đập dã man khiến các tù nhân phải sống trong đau đớn.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 6
Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 7
Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 8

Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân (tên thật Nguyễn Đình Quảng, bút danh là Nguyễn Dân Trung, 1923-2014) từng bị giam giữ tại hầm số 8 và sống sót sau vụ đảo chính năm 1963 đã sáng tác, cho xuất bản tập thơ với tựa đề "Sống trong mồ".

Nhiều câu thơ của Đại tá Vân đã mô tả một cách chân thực cuộc sống bên trong tử ngục Chín Hầm như: Các anh: Những người hầm thế kỷ hai mươi/ Như người cổ sơ trần trụi giữa hang dơi/ Các anh ở: Hai thước chuồng lạnh hơn hốc đá/ Ngày thiếu ánh trời, đêm không ánh lửa/ Các anh thở rặt mùi phân/ Nằm trên ván trét bùn/ Đánh nhau với chuột/ Bạn cùng dế giun.

Sau khi phát hành, tập thơ đã gây chấn động dư luận cả trong nước cũng như báo chí nước ngoài bởi tính chân thực và hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 9

Hiện nay, ngoại trừ hầm số 8 đã được phục dựng và cải tạo để đón khách tham quan, 7 hầm còn lại chỉ là phế tích.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, sau khi tiếp nhận  từ Công ty Cổ phần du lịch Hương Giang năm 2013, đến nay khu di tích Chín Hầm chưa được bảo tồn, tôn tạo, nhiều hạng mục xuống cấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 10

Một số hầm chỉ còn lại dấu vết, cỏ cây mọc um tùm.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 11

Quầy bán đồ lưu niệm bên cạnh hầm số 8 cửa đóng im lìm, cỏ dại mọc bao quanh.

Địa ngục trần gian giữa khu rừng ở Thừa Thiên Huế - 12

Nhà đón tiếp khách lâu ngày không hoạt động.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết đơn vị bố trí 3 cán bộ bảo vệ, quản lý, hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập tại di tích Chín Hầm.

Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, qua đó lập hồ sơ dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Khu vực Chín Hầm để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, trong đó có dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Khu chứng tích lịch sử Chín Hầm.

Dự án sẽ thực hiện theo giai đoạn 2026-2028.

Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sang giai đoạn 2021-2025.