PhotoStory

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Cửu đỉnh là bảo vật quốc gia được đặt tại sân Thế tổ miếu, sau lưng Hiển Lâm Các, bên trong Hoàng thành Huế.

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 1

Cửu đỉnh là chín đỉnh bằng đồng được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12/1835 và hoàn thành năm 1837. 

Mỗi đỉnh có một tên riêng, gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh, Thuận đỉnh, Dụ đỉnh.

Cửu đỉnh hiện đặt trong sân Thế tổ miếu, sau lưng Hiển Lâm Các, bên trong Hoàng thành Huế, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012. 

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 2

Trải qua 200 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, đến nay Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là duy nhất, chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế. 

Trên mỗi đỉnh được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 3

Được đặt ở vị trí chính giữa là Cao đỉnh, ứng với thụy hiệu của vua Gia Long (Thế tổ Cao hoàng đế, tên húy Nguyễn Phúc Ánh).

Trên Cao đỉnh có khắc các hình mặt trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, hổ, ba ba, rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 4

Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, ở phía bên trái lần lượt là: Nhân đỉnh, ứng với thụy hiệu của vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân hoàng đế); Anh đỉnh là thụy hiệu vua Tự Đức (Dực tông Anh hoàng đế); Thuần đỉnh là thụy hiệu vua Đồng Khánh (Cảnh tông Thuần hoàng đế) và Dụ đỉnh không ứng với thụy hiệu của vua nào nhà Nguyễn.

Phía bên phải lần lượt là: Chương đỉnh, ứng với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Hiến tổ Chương hoàng đế); Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc (Giản tông Nghị hoàng đế); Tuyên đỉnh, ứng với thụy hiệu vua Khải Định (Hoằng tông Tuyên hoàng đế) và Huyền đỉnh, không ứng thụy hiệu vua nào.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong số 13 vua nhà Nguyễn có 6 người không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu, gồm: Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại.

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 5

Đặc biệt, trong 9 đỉnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo nước Việt: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh, là 3 đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất.

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 6
Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 7
Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 8

Cận cảnh những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng ở Hoàng thành Huế, di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa được UNESCO công nhận.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong số 162 họa tiết chạm nổi trên các đỉnh đồng của nhà Nguyễn có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam.

Các họa tiết, hoa văn thể hiện một trình độ rất cao, tay nghề tinh xảo của những nghệ nhân đúc đồng nước ta dưới thời nhà Nguyễn.

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 9

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên khuôn đúc được tạo theo lối thủ công. Để tránh sự sao chép, sau khi đúc hoàn chỉnh, các khuôn đúc đều bị phá bỏ. 

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh trong Hoàng thành Huế - 10

Cửu đỉnh Huế là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên. 

Trên thế giới hiếm có trường hợp trong cùng một khu di tích lại được UNESCO ghi danh nhiều danh hiệu cao quý như Quần thể di tích Cố đô Huế.

Ngày 8/5, những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế của Việt Nam chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được ghi danh lên 10 di sản.

Riêng Thừa Thiên Huế đến nay có 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực.