DNews

Kết nối giao thông Việt - Trung: "Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường"

Hoài Thu

(Dân trí) - Lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc và doanh nghiệp hai nước cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả cao, vì "muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường".

Kết nối giao thông Việt - Trung: "Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường"

Sáng 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu và doanh nghiệp hai nước, trong đó có gần 30 doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước về lĩnh vực hạ tầng giao thông của Trung Quốc.

Nhu cầu khách quan của hai nước "núi liền núi, sông liền sông"

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh nhắc đến câu người Trung Quốc thường nói là "muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường", để nói về định hướng xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả cao nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân và hàng hóa lưu thông thông suốt.

Ông Trương Quốc Thanh nhấn mạnh Trung Quốc coi phát triển hạ tầng là hướng ưu tiên, đồng thời khẳng định nước này đang thúc đẩy hợp tác giao thông trên phạm vi toàn cầu và coi Việt Nam là đối tác quan trọng.

Kết nối giao thông Việt - Trung: Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường - 1

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhu cầu khách quan bởi hai nước "núi liền núi, sông liền sông", điều này tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hàng hóa, kết nối khu vực và quốc tế. Trung Quốc có thể qua Việt Nam vào ASEAN, Việt Nam qua Trung Quốc vào các nước Trung Đông, châu Âu.

Với tư duy và tầm nhìn vượt trội, Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt hoàn chỉnh, hiện đại, có quy mô lớn nhất thế giới cùng công nghệ tiên tiến. "Việt Nam rất ngưỡng mộ và mong muốn học tập kinh nghiệm, hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng giao thông", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nhận định hai nước có tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau vì Trung Quốc có tiềm lực công nghệ, kinh nghiệm, tài chính. Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu phát triển lớn nhưng tiềm lực, nguồn vốn có hạn.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định vừa qua, hợp tác phát triển hợp tác giao thông Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, đưa kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 200 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu và tham gia thi công các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam như dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (vận chuyển hơn 20 triệu lượt khách trong hơn 2 năm qua).

Nếu phát triển các hệ thống đường sắt để kết nối hệ thống giao thông vành đai ở Hà Nội và TPHCM sẽ đem lại hiệu quả lớn, theo nhận định của Thủ tướng.

Về định hướng hợp tác thời gian tới, Thủ tướng nhắc cần sớm triển khai 3 dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, trong đó làm nhanh dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tính toán vận tốc cao hơn.

"Tình hình thời đại đi như gió mà hoạch định của chúng ta vận tốc đi như rùa thì không ổn", Thủ tướng lưu ý.

Về đường sắt đô thị, ông yêu cầu phát huy kết quả dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tích cực triển khai các dự án ở Hà Nội, TPHCM, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư theo hình thức PPP.

Kết nối giao thông Việt - Trung: Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu  thúc đẩy mở rộng đường bay giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao; có chính sách khuyến khích phát triển du lịch Việt Nam - Trung Quốc; đẩy mạnh triển khai dự án đường bộ kết nối hai nước, đặc biệt là các đường cao tốc kết nối, cầu đường bộ biên giới. 

Nhu cầu vốn "khổng lồ" của Việt Nam để xây dựng hạ tầng giao thông

Báo cáo thêm về nội dung hợp tác trong xây dựng hạ tầng chiến lược, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.

Cụ thể, về đường bộ, mạng lưới đường bộ cao tốc của Việt Nam được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài 9.014km với tổng vốn đầu tư khoảng 600.000 tỷ đồng, tương đương 471 tỷ nhân dân tệ.

Nhu cầu huy động vốn từ doanh nghiệp tối thiểu đạt 360.000 tỷ đồng, tương đương 102 tỷ nhân dân tệ, theo ông Thắng.

Về đường sắt, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng, tương đương 1.400 tỷ nhân dân tệ, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.

Số vốn này dự kiến dành để nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545km, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ dài trên 175km.

Tư lệnh ngành giao thông cũng nhắc tới định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội, trong đó TPHCM có 6 tuyến và Hà Nội 8 tuyến. "Tuyến Văn Cao - Láng - Hòa Lạc ở Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với nguồn vốn khoảng 65.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ nhân dân tệ", ông Thắng thông tin.

Về hàng hải, Bộ trưởng GTVT cho biết Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ thống cảng biển đến 2030 đáp ứng thông quan 1.040-1.423 triệu tấn hàng hóa và vận chuyển 10,1-10,3 triệu lượt khách. Tổng nhu cầu vốn cho kế hoạch này khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ nhân dân tệ, trong đó dự kiến huy động từ doanh nghiệp khoảng 80.000 tỷ đồng, tương đương 24 tỷ nhân dân tệ

Về hàng không, Việt Nam quy hoạch 30 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa với nhu cầu vốn từ nay đến 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ nhân dân tệ, trong đó vốn của doanh nghiệp tham gia trên 70%.

Kết nối giao thông Việt - Trung: Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường - 3

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết nguồn vốn Việt Nam cần để phát triển hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2045 là rất lớn (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Nhu cầu vốn về giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là thách thức đối với Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam nhưng là cơ hội của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam", Bộ trưởng GTVT chia sẻ.

Ông khẳng định Bộ GTVT sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với đối tác là doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.

"Chấp nhận rủi ro mới có thể phát triển"

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc Vương Cương cho biết Trung Quốc kiên trì với định hướng giao thông đi trước một bước, xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ cao tốc lớn nhất thế giới. Hệ thống cảng biển, hàng không của Trung Quốc có thể vươn tới các địa phương trên toàn cầu.

Hiện tại Trung Quốc là cường quốc về phát triển giao thông, với trên 6 triệu kilomet. Trung Quốc cũng kiên trì quan điểm ưu tiên cho môi trường, phát triển carbon thấp; mục tiêu phát triển hệ thống giao thông liên vận kết hợp giữa đường bộ, đường biển và thúc đẩy thiết bị giao thông sử dụng năng lượng sạch.

Ông Vương Cương cho hay, hiện tại nước này đã phát triển 1,8 triệu trạm sạc pin cho xe điện trên hệ thống đường cao tốc, ứng dụng công nghệ Big data, trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giao thông. "Chúng tôi sẽ kết nối với thế giới, theo cùng thời đại để thúc đẩy giao thông chất lượng cao, kết nối với 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam", ông nói.

Ông Vương Cương nhìn nhận, Việt Nam - Trung Quốc là láng giềng, bạn bè tốt. Hai nước đã có nhiều hợp tác trong nhiều năm qua trong xây dựng đường sắt, đường bộ, hàng không. Ông đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Kết nối giao thông Việt - Trung: Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Tập đoàn toa xe Trung Quốc (CRCC), nhận định tương lai, Việt Nam sẽ hình thành tuyến đường sắt cao tốc là trục chính Hà Nội - TP HCM và các tuyến đường sắt kết nối xung quanh trục chính này. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với CRCC để hợp tác liên doanh, xây dựng sản xuất thiết bị về đường sắt, phát huy chuỗi cung ứng, giúp Việt Nam hình thành ngành công nghiệp đường sắt.

Ngoài ra, Chủ tịch CRCC cho rằng Việt Nam cần phát triển đường sắt kết hợp mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực vận hành, bảo trì. "Hợp tác cởi mở mới có thể chia sẻ cơ hội. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực đường sắt, năng lượng mới để tham mưu cho Việt Nam xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại", ông nói.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò cần thiết của giao thông thông suốt gắn với phát triển số, phát triển xanh.

Kết nối giao thông Việt - Trung: Muốn làm giàu, trước tiên hãy làm đường - 5

Lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc cùng đại diện doanh nghiệp hai nước chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông nhấn mạnh phải có các chính sách khuyến khích như thuế, phí, lệ phí; hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng các dự án, đề án, giải pháp cụ thể, từ đó nghiên cứu, đưa ra các giải pháp về tài chính, công nghệ, quản lý.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, cần có cơ chế huy động các nguồn vốn, nguồn nhân lực tham gia vào quá trình này. Đầu tư, theo Thủ tướng, đôi khi phải chấp nhận rủi ro vì "không dám chịu rủi ro, không thể phát triển".

Theo chia sẻ của Thủ tướng, Việt Nam có nhu cầu nhưng nguồn lực, công nghệ hạn chế, nhân lực có hạn. Vì thế, Trung Quốc cần giúp đỡ Việt Nam về vay vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến phát triển giao thông, nhất là giao thông xanh, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị thông minh

 Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty của Trung Quốc đầu tư, tham gia xây dựng các công trình lớn ở Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, không để đội vốn và kéo dài các dự án.

Hoài Thu (Từ Bắc Kinh, Trung Quốc)