Đề nghị Trung Quốc hợp tác phát triển đường sắt đô thị ở Việt Nam
(Dân trí) - Nhấn mạnh xây dựng và phát triển đường sắt là vấn đề cấp bách, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Chiều 24/6, trong chuyến công tác Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của nước này, để bàn về định hướng hợp tác trong việc xây dựng đường sắt, đường sắt đô thị và đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Đầu tư đường sắt đô thị rất cấp thiết
Tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (CRRC), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và phát triển đường sắt là vấn đề cấp bách, quan trọng với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ông cũng chia sẻ sự quan tâm với việc đầu tư đường sắt khổ mới, đường sắt đô thị.
Công ty CRRC được thành lập năm 1899 với lĩnh vực thi công chính là phát triển và sản xuất đầu máy đường sắt, phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới.
Năm 2013, Công ty đã xuất khẩu 9 đơn vị đầu máy toa xe diesel cho Công ty FHS tại Hà Tĩnh với chức năng điều khiển từ xa, được sử dụng cho vận tải hàng hóa trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Đây cũng là đơn vị cung cấp đầu máy toa xe cho các dự án đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và cung cấp phương tiện đường sắt đô thị cho các thành phố lớn ở Việt Nam...
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên Tôn Vinh Khôn chia sẻ đường sắt đô thị ở Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với việc Việt Nam dự kiến phát triển đường sắt đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, ông Tôn Vinh Khôn khẳng định Công ty CRRC có thể đáp ứng nhu cầu này, đem đến các giải pháp mang tính hệ thống cho Hà Nội, TPHCM để phát triển hệ thống đường sắt đô thị hiện đại, đồng thời sẵn sàng tham gia thúc đẩy 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Ông hy vọng cuộc gặp với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tạo cơ hội và nền tảng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực đường sắt và đường sắt đô thị, đóng góp chung vào tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Thông tin thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam hiện có trên 2.000km đường sắt với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa thật sự hiệu quả.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vận tải đường sắt có nhiều lợi thế so với các loại hình khác như giá thành rẻ hơn, phù hợp hơn với một số mặt hàng. Vì vậy, Việt Nam nhận định cần phát triển và đầu tư đường sắt.
Về đường sắt đô thị, Thủ tướng cho biết Hà Nội có tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được khai thác nhưng nếu trong thành phố chỉ có một tuyến đường sắt sẽ thiếu sự kết nối và giảm hiệu quả. "Vì thế, đầu tư đường sắt đô thị là rất cần thiết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý đầu tư cần tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng "vừa làm xong đã quá tải".
Trao đổi thêm về nội dung này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh định hướng phát triển công nghiệp đường sắt vì dư địa của lĩnh vực rất lớn, trong đó, nội dung quan trọng là phát triển mạnh mẽ, đầu tư về đầu máy toa xe. Theo ông Thắng, sắp tới, tất cả hệ thống đầu máy toa xe của Việt Nam phải được chuyển đổi.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên khẳng định sẵn sàng tham gia hợp tác với các dự án đường sắt, đường sắt đô thị và cung cấp giải pháp để thúc đẩy giao thông liên vùng, liên khu vực ở Việt Nam.
Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp
Tiếp ông Vương Tiểu Quân, Phó Chủ tịch Tập đoàn PowerChina, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đầu tư và hợp tác của Tập đoàn vào Việt Nam.
Tập đoàn PowerChina (2011) hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực như: quy hoạch tổng thể, khảo sát và thiết kế, xây dựng và lắp đặt, nghiên cứu - phát triển khoa học và công nghệ, quản lý xây dựng, tư vấn và giám sát, sản xuất và vận hành đầu tư các dự án thủy lợi, năng lượng, đường cao tốc, đường sắt, cảng và đường thủy, sân bay, nhà ở, khu công nghiệp, kỹ thuật đô thị, đường sắt đô thị…
Ông Vương Tiểu Quân cho biết sau 24 năm đầu tư ở Việt Nam, Tập đoàn đã tham gia nhiều dự án trọng điểm như thủy điện Sơn La, Lai Châu; Trung tâm nhiệt điện duyên hải Vĩnh Tân cùng 23 dự án điện mặt trời; 9 dự án điện gió ngoài khơi; 16 dự án điện gió trên bờ; 2 dự án điện rác tại Cần Thơ và Sóc Sơn, Hà Nội (xử lý 4.400 tấn rác thải/ngày)…
Trong lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị, ông Vương Tiểu Quân cho biết Tập đoàn đã tham gia dự án đường sắt cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, là nhà thầu có kinh nghiệm với việc tham gia làm hơn 2.000km đường sắt cao tốc, 800km tàu điện ngầm…
Nhắc đến mục tiêu phát triển đường sắt và dự kiến có 5.000km đường cao tốc của Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn PowerChina khẳng định sẵn sàng cùng các đối tác Việt Nam tham gia triển khai các dự án này.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và PowerChina nói riêng để triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi.
Hoài Thu (Từ Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc)