PhotoStory

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Thực hiện: Bảo Kỳ

(Dân trí) - Cát biển khai thác ở Sóc Trăng được vận chuyển bằng tàu, sà lan đến các công trình thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 1

Những ngày qua, hàng nghìn khối cát biển khai thác từ vùng biển Sóc Trăng đã được tập kết tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và Thới Bình (Cà Mau) phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Hậu Giang - Cà Mau. 

Cát biển về trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (Video: Bảo Kỳ).

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 2

Ông Trần Khải Hoàn, Phó phòng điều hành dự án 1 - Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư), thông tin, cát biển sau khai thác sẽ được đưa vào cảng Trần Đề hoặc cảng Định An để san qua các sà lan nhỏ, chuyển về công trình. 

"Từ cảng Trần Đề, sà lan di chuyển từ một đến hai ngày chở cát đến các gói thầu. Khi đến nơi, cát tiếp tục được sang qua các tàu nhỏ hơn rồi đưa về công trình phục vụ thi công", ông Hoàn nói. (Ảnh: CTV).

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 3

Sà lan đang bơm cát biển lên cao tốc đoạn thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: CTV).

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 4

Ghi nhận tại vị trí cầu Kênh Tư thuộc Km102+911 (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang), cát biển đã được đưa lên công trình. Tuy nhiên, số lượng cát chưa đủ để nhà thầu gia tải, xử lý nền như kế hoạch. 

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 5

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàn đánh giá, từ khi khởi công khai thác mỏ cát biển ở Sóc Trăng và 2 mỏ cát sông ở Đồng Tháp (khai thác trước đó), khó khăn về nguồn cát đắp nền từng bước được tháo gỡ. Hiện tổng lượng cát về công trường đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt khoảng 2,05 triệu m3. 

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 6
Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 7

Trên tuyến đang huy động trên 700 công nhân, kỹ sư cùng hơn 300 máy móc, thiết bị triển khai làm 3 ca, đẩy nhanh tiến độ dự án. 

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 8

Gói thầu XL03 dài 12km, gồm 11 cây cầu và nút giao IC12. Đến nay, tiến độ phần cầu đạt trên 60% khối lượng. 

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 9

Trước đó, giữa tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn nút giao IC5 Km 47+800 thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang để đôn đốc tiến độ dự án. 

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 10

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đạt gần 25%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt trên 33%. Hiện dự án bị vướng mặt bằng thi công một số vị trí chưa hoàn thành đền bù do khiếu nại giá hoặc chờ bố trí tái định cư, thiếu vật liệu cát đắp nền.

Hành trình đưa cát từ biển về đất liền xây cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 11

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài tuyến chính hơn 110km qua địa bàn 5 tỉnh và thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng đang dần hình thành và dự kiến hoàn thành vào cuối năm tới.

Theo chủ đầu tư, hiện cao tốc cần 9,7 triệu m3 cát để hoàn thành công tác gia tải toàn tuyến chính. Cao tốc dự kiến sử dụng cát biển cho các đoạn tuyến khoảng 4 triệu m3, còn 5,7 triệu m3 là cát sông. Tổng khối lượng cát biển phải đưa về công trường trước ngày 30/11 là 4 triệu m3, công suất 40.000 m3/ngày. 

Trước đó, ngày 29/6, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khởi công khai thác mỏ cát biển trên vùng biển Sóc Trăng để làm vật liệu thi công dự án cao tốc.

Khu vực vùng biển được giao ở tỉnh Sóc Trăng có diện tích 99,95ha, độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao 5m tính từ mặt nước biển. Thời hạn được giao khu vực biển này đến hết ngày 21/12. Thời gian các đơn vị liên quan được khai thác khoáng sản từ 7h đến 17h hàng ngày (không khai thác vào ban đêm).

Dự kiến Bộ Giao thông vận tải sẽ mở rộng phạm vi thí điểm đắp nền bằng cát biển trên tuyến chính, thí điểm từ km81+000 đến hết phạm vi tuyến chính (km126+223), thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.