1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lần đầu tiên khởi công khai thác cát biển làm đường cao tốc

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Việc mở rộng thí điểm dùng cát biển thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở để sử dụng vật liệu này cho các dự án trong hiện tại và tương lai.

Sáng 29/6, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khởi công khai thác mỏ cát biển trên vùng biển Sóc Trăng để làm vật liệu thi công dự án cao tốc.

Lần đầu tiên khai thác cát biển phục vụ cao tốc

Lần đầu tiên khởi công khai thác cát biển làm đường cao tốc - 1

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cùng các đơn vị liên quan tại lễ khởi công trên vùng biển Sóc Trăng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT), cho biết khu vực ĐBSCL hiện nay đang triển khai thi công các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.

Mặc dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù của Chính phủ trong việc cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tiến độ thi công. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp vật liệu thay thế.

Theo ông Thi, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai dự án thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường trên phạm vi hoàn trả ĐT.978 tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau một cách bài bản, cẩn trọng, khoa học, khách quan.

Lần đầu tiên khởi công khai thác cát biển làm đường cao tốc - 2

Tàu khai thác cát biển với công suất 35.000-50.000m3/ngày (Ảnh: Huỳnh Hải).

"Kết quả cho thấy cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông", ông Thi thông tin và cho biết trên cơ sở đó Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi công thí điểm mở rộng làm nền đường cao tốc cho dự án có điều kiện môi trường tương tự.

"Hôm nay bắt đầu khởi công khai thác mỏ cát biển tại tiểu khu B1.1 và B1.2 vùng biển Sóc Trăng để làm vật liệu đắp nền và dự kiến ngày 1/7 sẽ vận chuyển đến công trường để thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau", ông Thi nói.

Ông Thi cũng nhấn mạnh, việc mở rộng thí điểm thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc được triển khai trong khu vực hiện tại và tương lai.

Tại lễ khởi công, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết việc khai thác cát biển ở Sóc Trăng để phục vụ các công trình, dự án cao tốc lần đầu tiên ghi dấu mốc lịch sử đối với tỉnh.

Do đó, ông Nam đề nghị nhà thầu được giao khai thác cát biển thực hiện đúng các quy định của bộ, ban, ngành; đảm bảo an toàn lao động, hàng hải, cơ chế tài chính và bảo vệ môi trường sinh thái.

"Đặc biệt cát biển này chỉ phục vụ cho cao tốc Bắc - Nam và được Bộ Giao thông Vận tải xác định địa chỉ sử dụng", ông Nam lưu ý nhà thầu.

Lần đầu tiên khởi công khai thác cát biển làm đường cao tốc - 3

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đến khai thác cát biển (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ông Đỗ Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (đơn vị được giao quyền khai thác cát biển), cho biết công suất khai thác cát biển 35.000-50.000m3/ngày.

"Chúng tôi cam kết trong quá trình khai thác cát biển sẽ thực hiện đúng theo thủ tục quy định, phương án khai thác, bảo vệ môi trường, mục đích sử dụng, khối lượng, quản lý, điều hành,…", ông Châu nói.

Giao gần 100ha để khai thác cát biển

Trước đó ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có quyết định giao mỏ cát biển B1.1 thuộc khu B1 trên vùng biển tỉnh Sóc Trăng cho nhà thầu khai thác phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trong khu vực.

Mục đích sử dụng là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát biển) để cung cấp cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau).

Lần đầu tiên khởi công khai thác cát biển làm đường cao tốc - 4

Khu vực khai thác cát biển trên vùng biển Sóc Trăng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Khu vực vùng biển được giao ở tỉnh Sóc Trăng có diện tích 99,95ha, độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao 5m tính từ mặt nước biển. Thời hạn được giao khu vực biển này đến hết ngày 21/12. Thời gian các đơn vị liên quan được khai thác khoáng sản từ 7h đến 17h hàng ngày (không khai thác vào ban đêm).

Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (quận Đống Đa, Hà Nội) được giao quyền sử dụng khu vực biển, phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, khoáng sản, thủy sản và những quy định khác.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, đến nay các địa phương, chủ đầu tư đã đăng ký sử dụng với tổng nhu cầu hơn 24,4 triệu m3 cát biển. Trong đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận 6 triệu m3, Ban quản lý dự án 85 hơn 5,3 triệu m3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả 4,32 triệu m3, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh 600.000m3,…

Tháng 12/2023, Bộ TN&MT và Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển giao kết quả thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL" tại khu mỏ B1 cho tỉnh Sóc Trăng.

Theo kết quả đánh giá, khu vực mỏ cát biển B1 có diện tích 32km2 với tổng sản lượng cát khoảng 145 triệu m3, đáp ứng khả năng sử dụng làm vật liệu san lấp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm