Hà Nội - đô thị hiện đại giữa lòng di sản nghìn năm
(Dân trí) - TP Hà Nội đang có nhiều thay đổi lớn về diện mạo. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín, xứng với vị thế là Thủ đô.
Di sản kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử. Cùng với di sản kiến trúc cổ truyền, di sản kiến trúc cận - hiện đại cũng đóng góp nhiều công trình góp phần tạo dựng bản sắc của các đô thị lịch sử của Việt Nam, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Tuấn Huy).
Thủ đô Hà Nội đang giữ gìn được các công trình di sản mang giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ, đồng thời đã phát triển song song các công trình mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển, xứng với tầm vóc là Thủ đô của đất nước.
Trong ảnh là toàn cảnh Quảng trường Ba Đình với sự phát triển mở rộng của các công trình mới, hiện đại cả trong nội đô và hai bên bờ sông Hồng (Ảnh: Hoàng Phong).
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng sau gần 1.000 năm tuổi (xây dựng trong giai đoạn 1070-1076) (Ảnh: Hoàng Phong).
Hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô Hà Nội vẫn giữ được mảng xanh vốn có (Ảnh: Hoàng Phong).
Nhà Hát lớn Hà Nội, một trong các di sản về kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc, có niên đại trên 100 năm, gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hồ Tây được quy hoạch, cảnh quan không thay đổi nhiều so với những năm trước đây, các công trình và nhà cao tầng chủ yếu quy hoạch ở hướng Tây và Tây Nam của Hà Nội (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).
Song song với việc bảo tồn các giá trị di sản, tiến trình đô thị hóa nhanh chóng đã mang lại cho Thủ đô Hà Nội một "tấm áo mới" hiện đại, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân.
Đường vành đai 3 với tuyến cao tốc trên cao vừa phục vụ giao thông nội đô vừa phục vụ giao thông liên vùng. Có 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Hà Nội làm tâm, hướng vào vành đai 3 (Ảnh: Hữu Nghị).
Cung thiếu nhi mới của Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000m2 tại công viên hồ điều hòa CV1 và khánh thành cuối tháng 9 vừa qua (Ảnh: Hữu Nghị).
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội. Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm.
Công trình có diện tích 38,6ha, tại địa chỉ: Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long (Phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 11 và miễn phí vé trong 2 tháng đầu Ảnh: Mạnh Quân).
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km được vận hành chính thức từ đầu tháng 8 và đoạn đi ngầm tiếp tục thi công (Ảnh: Hữu Nghị).
Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình 35 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách (Ảnh: Hữu Nghị).
Trước đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 1/2022 do Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vận hành. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, có chiều dài 13,05km, với 12 nhà ga trên tuyến (Ảnh: Mạnh Quân).
Đại lộ Thăng Long dài gần 30km, rộng 140m, là tuyến thuộc cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, nối Hà Nội với các quận huyện phía tây và Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: Hữu Nghị).
Đại lộ Thăng Long hiện có hệ thực vật dày đặc, đa tầng. Toàn tuyến có trên 45.000 cây xanh, được trồng nhiều tầng (Ảnh: Hữu Nghị)
Quận Cầu Giấy tập trung nhiều trụ sở công ty công nghệ, trường học, cơ sở kinh doanh... với mật độ dân số đông đúc. Điểm nhấn tại khu vực này là khu phố công nghệ Duy Tân và tòa nhà Landmark 72 (cao nhất Hà Nội) nằm trên đường Phạm Hùng (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).
Những công trình này không chỉ tạo nên những tuyến phố cảnh quan kiến trúc hiện đại, điểm nhấn đô thị, mà còn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố, xứng với vị thế là Thủ đô, trung tâm chính trị hành chính quốc gia (Ảnh: Minh Hiển).
Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC) là trung tâm hội nghị hàng đầu, lớn nhất tại Việt Nam. Có tổng diện tích 44ha, bao gồm những hạng mục: Tòa nhà chính, khuôn viên cây xanh, quảng trường nước, khu vực đỗ xe ngoài trời, khu để xe ngầm, sân bay trực thăng và nhiều hạng mục phụ trợ khác.
NCC đạt tiêu chuẩn quốc tế và là địa điểm lý tưởng có thể tổ chức các sự kiện hay hội nghị lớn trong và ngoài nước với sự tham gia của hàng nghìn khách (Ảnh: Hữu Nghị).
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với điểm nhấn trung tâm là sân vận động hơn 40.000 chỗ ngồi, khánh thành năm 2003. Đây là sân vận động có sức chứa lớn nhất trong cả nước. Sân được xây dựng với chi phí khoảng 53 triệu USD (Ảnh: Hữu Nghị).
Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng được khánh thành năm 2015. Cây cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 8,93km. Phần cầu chính rộng 33,2m với 8 làn xe chạy. Cầu Nhật Tân là mảnh ghép quan trọng của tuyến vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thủ đô đến sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (CT.04) dài 105km, được coi là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp. CT.04 là tuyến đường đóng vai trò kết nối Hà Nội với các cực tăng trưởng của vùng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... Tốc độ tối đa cho phép trên tuyến là 120km/h (Ảnh: Hữu Nghị).
Nút giao Cổ Linh kết nối nhiều trục giao thông quan trọng phía đông thành phố, là điểm giao của các đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 1, đường Cổ Linh, cầu Thanh Trì (Ảnh: Hữu Nghị).
Đường Võ Nguyên Giáp dài 12km nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài. Tuyến đường được đầu tư hơn 6.700 tỉ đồng, là "con đường ngoại giao" khi thường xuyên có các đoàn khách quốc tế đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Điểm đặc biệt của con đường này là mặt cắt ngang rộng 80-100m, cùng dải phân cách giữa được phủ kín 5 tầng cây xanh (Ảnh: Hữu Nghị).
Toàn cảnh TP Hà Nội nhìn từ hướng Tây vào trung tâm (Ảnh: Minh Hiển).