DNews

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam "chở hàng khi cần thiết" như thế nào?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Khả năng chuyên chở hàng hóa đã được Tư vấn tính đến khi hoàn thiện Báo cáo tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam "chở hàng khi cần thiết" như thế nào?

2 năm trước, dư luận trong nước bị cuốn vào cuộc tranh cãi về công năng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tư vấn lập dự án của Bộ GTVT đề xuất tuyến đường sắt sẽ chỉ chở khách với tốc độ thiết kế 350km/h, trong khi Tư vấn thẩm tra phía Bộ KH&ĐT đấu tranh cho quan điểm chở khách kết hợp chở hàng, tốc độ 250km/h.

Trong cuộc tranh luận đó, Tư vấn thẩm tra từng nắm một luận điểm mạnh: Nếu chỉ chở khách, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ không thể chuyên chở hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh theo trục Bắc - Nam khi đất nước ở trong tình thế cấp bách.

Tăng tải trọng trục để chở hàng hóa

Sau khi Tư vấn thẩm tra đưa ra luận điểm trên, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 28/2/2023 cũng khẳng định đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập.

Với việc tuân thủ kết luận của Bộ Chính trị và tiếp thu ý kiến của Tư vấn thẩm tra, Tư vấn lập dự án của Bộ GTVT đã sửa báo cáo tiền khả thi, điều chỉnh thiết kế tải trọng trục của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ 17 tấn/trục (đề xuất năm 2019) lên 22,5 tấn/trục.

Mục đích của việc điều chỉnh này rất rõ ràng: Đường sắt tốc độ cao phải chở được hàng hóa khi cần thiết.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chở hàng khi cần thiết như thế nào? - 1

Ảnh đồ họa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh: AI).

Từ đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được thiết kế tải trọng trục 22,5 tấn để chuyên chở được hàng hóa nặng.

Theo Tư vấn lập dự án, việc thiết kế tải trọng trục 22,5 tấn/trục sẽ làm tổng mức đầu tư tăng lên 2-3% so với phương án tải trọng trục 17 tấn/trục. Tuy nhiên, đây là phương án hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và vận tải hàng hóa khi cần thiết. Tải trọng này cũng cơ bản tương đồng với hệ tiêu chuẩn châu Âu.

"Chở hàng khi cần thiết" là như thế nào?

Với việc thay đổi tải trọng trục để chở được vũ khí hạng nặng, Tư vấn lập dự án cũng khẳng định việc kết hợp chở hàng hóa trên tuyến đường sắt 350km/h là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, Tư vấn đề xuất cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chuyên vận tải hàng hóa. Khi nhu cầu chở hàng vượt quá năng lực đường sắt hiện hữu, đường sắt tốc độ cao sẽ vận tải cả hành khách và hàng hóa theo phương án chở khách ban ngày và chở hàng ban đêm để không làm giảm năng lực thông qua.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chở hàng khi cần thiết như thế nào? - 2

Tư vấn lập dự án xác định tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được cải tạo để chuyên chở hàng hóa (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Dự kiến sau khi thông tuyến, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể chuyên chở khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Song song với đó, 18,5 triệu tấn hàng hóa/năm sẽ được chuyên chở bằng đường sắt hiện hữu (sau khi cải tạo).

Về chủng loại hàng hóa, đường sắt tốc độ cao sẽ chở các loại hàng có giá trị cao và cần vận tải nhanh, được đóng gói trong container hoặc xếp vào toa kín như bưu kiện chuyển phát nhanh, hàng thương mại điện tử, xuất nhập khẩu... 

Các mặt hàng truyền thống như hàng rời, hóa chất, hàng lỏng, hàng siêu trường, siêu trọng... sẽ do tuyến đường sắt hiện hữu đảm nhận.

"Việc khai thác tàu hàng trên tuyến đường sắt tốc độ cao khả thi vì đã được tính toán trên cơ sở khoa học và được kiểm chứng bằng các tuyến đã khai thác trên thế giới", Tư vấn lập dự án khẳng định trong báo cáo tiền khả thi.

Dự kiến, trên tuyến sẽ có 5 ga hàng hóa gồm Ngọc Hồi (Hà Nội), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Vân Phong (Khánh Hòa) và Trảng Bom (Đồng Nai). 25 đoàn tàu hàng sẽ được đầu tư (5 đoàn tàu hàng suốt Bắc - Nam và 20 đoàn tàu hàng trên 4 khu đoạn, tương đương với 30 đầu máy, 1.250 toa xe).

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT chịu trách nhiệm xây dựng. Tư vấn lập báo cáo là liên danh TEDI - TRICC - TEDIS.

Theo báo cáo này, dự án được thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, ưu tiên chở khách và có thể vận tải hàng hóa, phục vụ quốc phòng khi cần thiết. Tổng mức đầu tư dự kiến là 67,34 tỷ USD.

Bộ GTVT đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026.