Dự án 2 tỷ USD mở rộng cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận có gì?
(Dân trí) - Bộ GTVT đang lập một siêu dự án BOT mở rộng đường cao tốc từ TPHCM đến Mỹ Thuận, với quy mô 6-8 làn xe.
Ban quản lý dự án 7 vừa trình lên Bộ GTVT báo cáo tiền khả thi dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức đầu tư BOT.
Nhiều năm qua, Tập đoàn Đèo Cả tích cực đề xuất mở rộng toàn tuyến cao tốc dài 98km này, với mong muốn gộp chung cả 2 đoạn làm một để thu phí và quản lý vận hành. Tuy nhiên, bài toán đầu tư mở rộng một tuyến đường sẵn có của Nhà nước rồi nhận quyền thu phí không đơn giản.
Chuyển thành cao tốc BOT
Sau khi thống nhất với nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Đèo Cả, PMU 7 đã cho ra những thông tin sơ bộ như tổng mức đầu tư, số làn xe, số dự án thành phần, phương án tài chính...
Theo báo cáo tiền khả thi, nhà đầu tư BOT sẽ thực hiện toàn bộ dự án thành phần 1 (DATP 1), gồm mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương lên 8 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp và mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2028.
Tổng mức đầu tư của DATP 1 là hơn 42.000 tỷ đồng, bao gồm 5.688 tỷ đồng lãi vay trong thời gian thi công. Dự kiến, nhà đầu tư BOT sẽ chuẩn bị 6.310 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (15%), còn lại là vốn huy động. Nhà nước không góp vốn tại dự án thành phần này.
Dự án thành phần 2 sẽ được thực hiện bằng vốn Nhà nước với gần 7.000 tỷ đồng, gồm giải phóng mặt bằng, tái định cư đoạn TPHCM - Trung Lương theo quy mô được quy hoạch (12 làn xe với đoạn từ TPHCM đến nút giao vành đai 4 và 10 làn xe với đoạn từ vành đai 4 đến Trung Lương).
Riêng việc mở rộng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không tốn thêm chi phí giải phóng mặt bằng do phần việc này đã thực hiện hoàn tất từ giai đoạn 1.
Theo báo cáo tiền khả thi, việc mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là rất cấp bách nếu xét theo lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này. Trước đó, bản quy hoạch đường bộ ban hành năm 2016 đã xác định việc mở rộng này phải hoàn thành vào năm 2020.
Hiện, cao tốc TPHCM - Trung Lương gánh lượng xe 103.641 xe/ngày và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 24.089 xe/ngày. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xuất hiện tại 2 tuyến đường.
Đặc biệt, tại cao tốc TPHCM - Trung Lương, tình trạng phương tiện chạy bát nháo, gây tai nạn giao thông diễn ra phổ biến do sự thiếu thốn hạ tầng giao thông thông minh (ITS) và không có đơn vị quản lý vận hành chuyên trách.
Giải quyết bài toán chồng lấn dự án
Tuyến cao tốc Bắc - Nam từ TPHCM đến cầu Mỹ Thuận vốn là 2 dự án riêng biệt, gồm cao tốc TPHCM - Trung Lương được đầu tư bằng vốn Nhà nước và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư BOT.
Với việc lập thêm dự án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận, cơ quan quản lý phải giải quyết bài toán cho một dự án "đè" lên 2 dự án khác.
Sự chồng lấn này kéo theo nhiều rắc rối. Đơn cử, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư xây dựng và đang thu phí hoàn vốn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nếu Nhà nước lập dự án mở rộng cao tốc này và cho một nhà đầu tư BOT khác trúng thầu, việc phân quyền thu phí và chia sẻ lợi ích giữa 2 nhà đầu tư được thực hiện ra sao?
Năm 2024, Luật Đường bộ và Nghị định 165/2024 ra đời đã mở ra cơ chế thỏa thuận giữa Nhà nước và nhà đầu tư hiện hữu trong trường hợp này.
Hoặc một vấn đề khác là việc nhà đầu tư BOT thực hiện dự án mở rộng tuyến đường cũ do Nhà nước đầu tư (tuyến TPHCM - Trung Lương). Về lịch sử, đây là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam, do Nhà nước tạm ứng tiền để đầu tư, đến nay vẫn chưa được quyết toán.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư BOT muốn tham gia dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương thì phải hoàn trả cho nhà nước phần vốn ban đầu bỏ ra để xây dựng tuyến cao tốc này. Khoản vốn theo tính toán là 9.621 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Đèo Cả đã đề xuất với Bộ GTVT 2 phương án. Nếu nhà đầu tư nhận trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước 9.621 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận sẽ là 26 năm. Trường hợp không phải hoàn trả, thời gian hoàn vốn giảm xuống còn 22 năm.
Tại báo cáo tiền khả thi, PMU 7 đã đề xuất cho nhà đầu tư dành 10 năm đầu thu phí để có khoản tiền 9.621 tỷ đồng trả cho Nhà nước.
TPHCM - Trung Lương hiện là tuyến cao tốc cửa ngõ đô thị có lưu lượng xe lớn nhất Việt Nam với 103.641 xe/ngày. Các tuyến khác xếp sau gồm Pháp Vân - Cầu Giẽ với 80.000 xe/ngày; TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với 64.000 xe/ngày...
Lượng xe "khủng" của cao tốc TPHCM - Trung Lương một phần đến từ việc tuyến đường này đã ngừng thu phí suốt 6 năm qua. Xe cộ đổ về đông đúc tới mức gây ùn tắc, tai nạn triền miên khiến nhu cầu mở rộng làn đường và áp phí được bàn thảo.