PhotoStory

Dòng sông "chết" chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm

Thực hiện: Thành Đông

(Dân trí) - Nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ dòng sông Cầu Bây.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 1

Sông Cầu Bây nằm trong đê hữu sông Đuống, có chiều dài khoảng 12,5km, chảy qua địa bàn quận Long Biên (khoảng 5,5km) và huyện Gia Lâm (khoảng 7km). Thượng lưu của sông là hồ Kim Quan (địa phận phường Việt Hưng, quận Long Biên) và hạ lưu là sông Bắc Hưng Hải tại cửa xả đập Xuân Thụy (địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm).

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 2

Dòng nước đen quánh đặc trưng của sông Cầu Bây, đoạn chảy qua huyện Gia Lâm, song song với quốc lộ 5B chảy ra sông Bắc Hưng Hải. 

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 3

Từ nhiều năm trước, con sông này chủ yếu dùng để phục vụ tưới tiêu cho 400ha đất canh tác nông nghiệp của quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Ngoài ra, sông cũng làm nhiệm vụ thoát nước khi hai địa phương bị mưa lớn, gây úng ngập.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 4

Song, nhiều nhà máy, doanh nghiệp mọc lên, đi kèm với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh ở hai quận Long Biên và Gia Lâm khiến dòng sông dần bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 5

Mỗi ngày dòng sông phải tiếp nhận hàng nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp chưa qua xử lý và rác thải, phế thải..., nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.

Trong ảnh là vị trí cuối nguồn sông Cầu Bây, nơi dòng nước ô nhiễm đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm).

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 6
Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 7

Đủ loại rác thải mắc kẹt hai bên bờ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ dòng sông.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 8

Sông Cầu Bây đang được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải - công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh và dân sinh) cho 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 9

Việc ô nhiễm kéo dài đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân sản xuất nông nghiệp.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 10

Theo thống kê, 28 điểm xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư trực tiếp ra sông Cầu Bây với lưu lượng khoảng 50.000m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải từ khu dân cư cũ hầu như chưa được thu gom, xử lý.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 11

Một trong những con kênh ô nhiễm, nước thải đen kịt trực tiếp thải từ khu dân cư ra dòng sông.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 12

Sinh sống lâu năm tại phố Thuận Tốn (huyện Gia Lâm), ông Đỗ Văn Minh (59 tuổi) chia sẻ: "Tình trạng ô nhiễm diễn ra hàng thập kỷ nay. Mỗi khi trời nắng, dòng sông nặng mùi khủng khiếp. Cũng như khi trời mưa to, bọt sủi trắng lên, mùi hôi thối tràn khắp ngõ xóm. Người dân phải tập làm quen với môi trường sống ô nhiễm, các biện pháp che chắn nhà cửa cũng chỉ khắc phục được phần nào". 

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 13

Thực hiện Kế hoạch số 90/KH-UBND của UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng kế hoạch để tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng, hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi, xây dựng dự án, kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc nạo vét, sửa chữa, nâng cấp công trình trên sông Cầu Bây.

Dòng sông chết chảy giữa quận Long Biên và huyện Gia Lâm - 14

Theo đó, Hà Nội dự kiến tổ chức triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp. Trọng tâm là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường.