Đời sống người dân ở nơi được quy hoạch làm điện hạt nhân tại Ninh Thuận
(Dân trí) - Nhiều công trình đường giao thông, kênh thủy lợi được UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư, xây dựng mới tại 2 địa phương từng quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân.
Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi quay lại 2 địa phương từng được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đó là thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) rộng 440ha và thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) rộng 380ha.
Sau khi Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vào năm 2016, tháng 7/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông báo hủy các thông báo thu hồi đất trong vùng dự án để triển khai đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu nhằm ổn định sản xuất, đời sống người dân đã đạt những kết quả nổi bật.
Mới đây, Chính phủ vừa trình Quốc hội về chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân, chọn lại vị trí từng quy hoạch điện hạt nhân tại Ninh Thuận để triển khai dự án. Trong lúc chờ Quốc hội thông qua, người dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) mong sớm có quyết sách để ổn định cuộc sống.
Tại thôn Thái An, sau khi quyền lợi về đất đai được phục hồi, cơ sở hạ tầng được đầu tư vào năm 2023, bà con tập trung làm nông nghiệp, du lịch, đời sống ngày một ổn định. Nhiều tuyến đường liên thôn, đường dẫn ra rẫy được xây mới khiến việc đi lại, buôn bán của người dân thuận lợi.
Ông Phạm Ngọc Tiến (54 tuổi), người dân thôn Thái An, cho biết, khi hay tin Chính phủ trình Quốc hội khởi động lại dự án điện hạt nhân, bà con lo ngại mất sinh kế. "Song nếu thực hiện dự án vì lợi ích quốc gia, người dân chúng tôi sẽ chấp nhận. Nhà nước cần có chính sách bồi thường thỏa đáng, bố trí tái định cư, ổn định nghề nghiệp, tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương", ông Tiến mong mỏi.
Thái An là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp với các cây trồng như nho, táo, hành, tỏi, ớt... Nhờ quảng bá tốt, làng nho Thái An hiện nay là địa chỉ quen thuộc của du khách khi đến Ninh Thuận.
Từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, hàng loạt cơ sở hạ tầng thiết yếu về đường giao thông, hồ chứa nước, kênh thủy lợi được khẩn trương triển khai để ổn định đời sống người dân.
Tháng 9/2023, tỉnh Ninh Thuận chi gần 300 tỷ đồng xây dựng 6 công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi để phục hồi kinh tế - xã hội tại hai địa phương từng quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân.
Trong đó tại thôn Thái An, xây dựng nâng cấp tỉnh lộ 702 cũ dài 2,2km; làm mới ba đường kết nối trong khu vực sản xuất của xã tổng chiều dài hơn 1,6km; xây hơn 2,1km kè chắn sóng và kè chắn lũ thôn Thái An; nâng cấp ao Bầu Tró và xây hệ thống dẫn nước từ suối Hồ Quạt về ao Bầu Tró.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, các công trình này sẽ tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và nâng cao đời sống người dân khu vực bị vướng quy hoạch. Dự án cũng sẽ giúp giao thông thông suốt, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn.
Tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi từng được quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được triển khai xây dựng nhiều hạng mục.
Sau khoảng 15 năm không được phép xây dựng, sang nhượng nhà cửa, đất đai do vướng quy hoạch dự án, hiện người dân thôn Vĩnh Trường đã được phép xây dựng nhà cửa, đời sống ngày một phát triển. Thôn Vĩnh Trường được xem là thủ phủ nuôi ốc hương lớn nhất tỉnh Ninh Thuận.
Nhiều người dân thôn Vĩnh Trường mong muốn Nhà nước sớm có quyết sách để người dân ổn định chỗ ở và công việc. Nếu triển khai lại dự án thì phải rõ ràng, cụ thể, để người dân hiểu được lợi ích và tầm quan trọng dự án thì chắc chắn bà con sẽ đồng tình ủng hộ.
Ông Võ Dương Hoài, người dân thôn Vĩnh Trường, mong muốn nếu dự án điện hạt nhân triển khai trở lại, Nhà nước quan tâm đến công việc, kế sinh nhai của người dân nơi ở mới.
Tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, đang xây dựng hai công trình: mở rộng tỉnh lộ 701 Phước Dinh dài hơn 4km và xây mới ba tuyến kết nối tỉnh lộ 701 với đường ven biển qua xã tổng chiều dài 2,7km.
Hai công trình được nhà thầu đẩy nhanh thi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2025. Cả hai tuyến đường có vai trò quan trọng đến đời sống đi lại của người dân cũng như việc vận chuyển, buôn bán hải sản tại thủ phủ ốc hương Phước Dinh.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2016, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư 2 dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nguồn điện hạt nhân và hiện đã có những kết quả phát triển vượt bậc.
Ngoài ra, từ khi 2 dự án điện hạt nhân tạm ngưng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư vùng dự án, với tổng kinh phí 423 tỷ đồng. Đến nay, địa phương triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại vùng ảnh hưởng bởi 2 dự án điện hạt nhân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân ở nước ta là điều cần thiết. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công thương kiến nghị cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.
Theo quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, tổng công suất 4.000MW. Nhà máy 1 được quy hoạch tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) rộng 440ha (250 hộ bị ảnh hưởng). Nhà máy 2 cách nhà máy 1 khoảng 60km, dự tính xây tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) rộng 380ha (823 hộ bị ảnh hưởng).
Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thời gian thành năm 2015. Đến tháng 11/2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án. Năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định hủy thu hồi đất, người dân hai địa phương được xây nhà, sửa chữa, làm các thủ tục tách thửa, chuyển nhượng đất.