Người dân vùng làm điện hạt nhân mong dự án sớm triển khai, đến nơi ở mới
(Dân trí) - Người dân vùng quy hoạch làm điện hạt nhân ở Ninh Thuận mong Nhà nước quan tâm đến sinh kế, sớm có quyết sách, lộ trình cụ thể để bà con an tâm làm việc.
Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Theo nghị quyết, dự án tiếp tục được thực hiện tại vị trí từng được quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân ở thôn Thái An (rộng 380ha, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) và thôn Vĩnh Trường (rộng 440ha, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam).
Đảm bảo sinh kế người dân
Những ngày đầu tháng 12, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết khởi động lại dự án điện hạt nhân, chúng tôi trở lại Ninh Thuận, ghé thăm hai thôn Thái An và Vĩnh Trường. Hai địa phương vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi quyết định thu hồi đất năm 2023, các dự án hạ tầng giao thông tại đây đang được Trung ương đầu tư, nhằm tái thiết đời sống của người dân sau hơn 15 năm sống trong vùng quy hoạch treo.
Tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), sau khi quyền lợi về đất đai được phục hồi, cơ sở hạ tầng được đầu tư vào năm 2023, bà con tập trung xây nhà mới, sang nhượng đất đai, người dân tập trung đầu tư làm nông nghiệp, du lịch, đời sống ngày một ổn định. Nhiều tuyến đường bê tông liên thôn, đường dẫn ra rẫy được xây mới khiến việc đi lại, buôn bán của người dân thuận lợi.
Tại ngôi nhà nhỏ giữa vườn nho đang mùa thu hoạch, cạnh con đường bê tông vừa được khánh thành vài tuần, ông Phạm Ngọc Tiến (54 tuổi) cùng thương lái đang đóng gói những thùng nho. Ông Tiến cho biết, ngôi nhà nhỏ này cùng rẫy nho của ông nằm giữa khu đất của dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Dự án treo hơn 15 năm qua, vừa được chính quyền cho phép sang nhượng đất, đầu tư xây nhà, đường sá từ năm ngoái. Năm nay, khi có đường bê tông ra tận rẫy, việc thu mua, vận chuyển nông sản thuận lợi, kinh tế gia đình khá hơn.
Chia sẻ về thông tin Quốc hội thông qua nghị quyết khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân, ông Tiến nói: "Việc xây nhà máy điện hạt nhân phục vụ cho lợi ích quốc gia, tôi và bà con ở đây luôn chấp nhận. Đây là việc làm lớn, tôi sẵn sàng tâm lý di dời gần 20 năm nay rồi. Tuy nhiên, mong Nhà nước cần có chính sách bồi thường thỏa đáng, bố trí tái định cư, ổn định nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Đặc biệt, nông dân như chúng tôi mong được hỗ trợ để tiếp tục với nghề trồng nho, phát triển lĩnh vực du lịch nông nghiệp".
Nằm trên cung đường nối trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm với vịnh Vĩnh Hy, nhiều gia đình ở Thái An đầu tư vườn, công nghệ khoa học vào trồng các giống nho mới để đón khách du lịch đến tham quan, mua nho và các sản phẩm sau chế biến.
Sau khi nghe tin dự án điện hạt nhân được tiếp tục, anh Quốc (thôn Thái An) cũng có chút tâm tư: "Dự án điện hạt nhân có ý nghĩa rất lớn đến lợi ích quốc gia nên tôi luôn ủng hộ, chấp nhận sang khu tái định cư mới. Song, tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ sản xuất, đảm bảo đất rẫy mới để người dân canh tác".
Ngoài nổi tiếng với đặc sản nho, Thái An là vùng đất ven biển có thế mạnh về nông nghiệp với các cây trồng khác như táo, hành, tỏi, ớt... Những năm gần đây, khi vịnh Vĩnh Hy được du khách cả nước tìm đến ngày càng đông, làng nho Thái An là địa chỉ quen thuộc của du khách khi đến Ninh Thuận. Nhờ vậy đời sống của nông dân Thái An khá lên, đời sống ổn định.
Năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án và đã hợp tác với phía Nga (Dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (Dự án Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Các địa điểm được lựa chọn đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khởi động sẽ ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân cùng hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là nông dân làm nghề trồng nho, tỏi, hành tím.
"Người dân Thái An sống trong quy hoạch treo hơn 15 năm. Tâm lý của bà con đã sẵn sàng di dời để Nhà nước xây điện hạt nhân từ lâu. Hiện đời sống kinh tế bà con dần ổn định, giờ sang nơi ở mới sẽ có nhiều nỗi lo về đời sống, sinh kế, kinh tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, bà con chấp nhận, chỉ mong Nhà nước có quyết sách sớm, định hướng rõ chứ không như trước đây để bà con an tâm", ông Hàn kiến nghị.
Cách Thái An khoảng 60km về phía Nam, thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), thủ phủ nuôi ốc hương, tôm, được quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Sau hơn 15 năm không được phép xây dựng, sang nhượng nhà cửa, đất đai do vướng quy hoạch dự án, một năm nay người dân thôn Vĩnh Trường đã được phép xây dựng nhà cửa, đời sống ngày một phát triển.
Hơn một năm qua, thôn Vĩnh Trường có khoảng 20 hộ đã xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa. Cùng với đó, hạ tầng nông thôn được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư để ổn định đời sống người dân vùng dự án. Nhiều người dân thôn Vĩnh Trường mong muốn Nhà nước sớm có quyết sách cụ thể để người dân ổn định chỗ ở và công việc khi tái thực hiện dự án điện hạt nhân.
"Vì lợi ích chung, sự phát triển của đất nước, chắc chắn chúng tôi luôn ủng hộ, chấp nhận nhường đất xây dự án. Tuy nhiên, gần 15 năm bà con sống trong quy hoạch treo, thấp thỏm sống trong điều kiện khó khăn khi không được xây nhà, chuyển nhượng đất đai, tâm lý hồi hộp không biết khi nào mới giải tỏa. Giờ dự án khởi động lại, người dân mong sao cơ quan chức năng sớm ban hành thời gian cụ thể để người dân không chờ đợi, tập trung đầu tư làm ăn", ông Võ Dương Hoài, người dân thôn Vĩnh Trường, chia sẻ.
Sớm có lộ trình cụ thể để người dân an tâm
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận có ý kiến gửi Bộ Công Thương về chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân. Đối với đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đồng thuận và đề nghị xác định rõ lộ trình, nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho người dân.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2016, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư 2 dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nguồn điện hạt nhân và hiện đã có những kết quả phát triển vượt bậc.
Ngoài ra, từ khi 2 dự án điện hạt nhân tạm ngưng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư vùng dự án, với tổng kinh phí 423 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đang triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại vùng ảnh hưởng bởi 2 dự án điện hạt nhân.
Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân ở nước ta là điều cần thiết. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và ban hành các cơ chế, chính sách để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Ninh Thuận triển khai đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại 2 vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có nguồn nhân lực được cử đi đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân, nên cần xác định lộ trình phát triển cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực đất đai.
Việt Nam cần thêm khoảng 70GW điện đến năm 2030
Theo Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.
Tính đến cuối tháng 8, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735MWe và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971MWe.
Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80GW, cần thêm khoảng 70GW đến năm 2030 và 400-500GW đến năm 2050.