PhotoNews

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng "treo" một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu

Thực hiện: Doãn Công

(Dân trí) - Sau một thập kỷ được phê duyệt, dự án Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) dang dở và chính thức bị thu hồi, đưa ra đấu thầu.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 1

Dự án Khu đô thị - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa (Khu đô thị hồ Phú Hòa) thuộc địa bàn thành phố Quy Nhơn. Dự án có tổng diện tích hơn 300ha, vốn 5.000 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 từ tháng 7/2015.

Tuy nhiên đến nay, sau một thập kỷ triển khai, dự án vẫn "giậm chân tại chỗ", gây lãng phí nguồn lực đất đai hơn 300ha.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 2

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bên trong dự án hàng nghìn tỷ đồng này đến nay chỉ vỏn vẹn một trụ sở cơ quan nhà nước hoạt động.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 3

Tuyến đường chính trong Khu đô thị hồ Phú Hòa có nhiều đoạn chưa được thảm nhựa, mùa nắng bụi mù mịt, mưa thì lầy lội.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 4

Nhiều miệng hố, cống thoát nước trên vỉa hè đường trong Khu đô thị hồ Phú Hòa không được che chắn, gây mất an toàn.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 5

Nhiều đoạn đường xung quanh hồ Phú Hòa có nhiều cọc sắt nhô lên lởm chởm.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 6
Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 7

Dù chính quyền địa phương từng cắm biển cảnh báo "cấm đổ xà bần" phía trước cổng và trong Khu đô thị hồ Phú Hòa nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 8

Bên trong dự án còn trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 9

Hàng rào bảo vệ bằng tôn dọc đoạn quốc lộ 1D, qua nhiều năm sử dụng khiến một số vị trí hư hỏng, bề mặt hàng rào sơn xịt quảng cáo rao bán đất làm mất mỹ quan đô thị.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 10

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, tỉnh đã làm thủ tục thu hồi dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sớm triển khai dự án.

"Chắc chắn sau này nơi đây sẽ trở thành điểm sáng của đô thị Quy Nhơn", ông Lâm Hải Giang cho hay.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 11

Thông tin thêm về dự án, đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho biết, dự án này đã đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu vì phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của thành phố.

"Chúng tôi vừa xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương triển khai dự án theo hình thức tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, theo quy định phải lấy ý kiến một số bộ, ngành Trung ương do có liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng nên phải chờ ý kiến chỉ đạo", vị này thông tin.

Định đoạt dự án 5.000 tỷ đồng treo một thập kỷ, dân tận dụng thả trâu - 12

Vị trí dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa (Ảnh: Google Maps).

Năm 2013, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (ở Ninh Bình) có văn bản đề xuất đầu tư 2 dự án, gồm xây dựng đường Điện Biên Phủ (nối dài) và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đổi lại, tỉnh Bình Định dùng chính dự án Khu đô thị hồ Phú Hòa làm vốn đối ứng.

Ngày 1/7/2014, tỉnh Bình Định đồng ý cho công ty trên đầu tư 2 dự án theo hình thức hợp đồng BT với dự án thanh toán là quỹ đất khai thác của Khu đô thị hồ Phú Hòa. Đồng thời, chủ trương cho nhà đầu tư triển khai cùng lúc 2 dự án BT và dự án thanh toán.

Tháng 7/2015, dự án này được khởi công xây dựng.

Tháng 11/2018, tỉnh Bình Định cho tạm dừng dự án này để thanh toán 2 dự án BT. Qua đó, giao Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để thực hiện 2 dự án BT theo đúng quy định.

Tháng 8/2019, Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra, chỉ ra một số sai phạm đối với 2 dự án BT này. Cụ thể, dù chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và chưa có giấy phép xây dựng nhưng nhà đầu tư vẫn triển khai 2 dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư chưa làm thủ tục chuyển đổi 7,6ha rừng phòng hộ thuộc hành lang an toàn lưới điện.

Đầu năm 2023, Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp (nay là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và dân dụng) tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương chấm dứt hợp đồng 2 dự án BT, với lý do nhà đầu tư đã vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng và thời gian hiệu lực của 2 hợp đồng BT đã kết thúc.