(Dân trí) - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10, số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tăng. TPHCM cần phân tích toàn diện, khoa học và đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10, số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tăng. TPHCM cần phân tích toàn diện, khoa học và đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.
"Đề nghị bà con ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó, tạm thời không ra khỏi nhà để lực lượng chức năng làm công tác phong tỏa", âm thanh lớn phát ra từ chiếc loa của công an phường khiến một đoạn đường Đề Thám (quận 1, TPHCM) trở nên huyên náo.
Sau vài phút tò mò ngắn ngủi, người dân sinh sống trên đoạn đường "vùng ven" quận 1 nhanh chóng về nhà, đóng kín cửa. Họ biết rằng, chuỗi lây nhiễm lớn liên quan đến vựa ve chai mới được thành phố truy vết, phát hiện, dịch bệnh đã đến ngay sát nơi mình ở.
"Cứ tưởng dịch còn ở xa. Giờ con hẻm của nhà tôi bị kẹp giữa 2 khu vực bị phong tỏa rồi, lại còn liên quan đến cả một chuỗi", cô Hồng (46 tuổi, trú tại đường Đề Thám, quận 1) vội vã đẩy 2 đứa cháu vào nhà khi phóng viên tới phỏng vấn.
Cô kể từ ngày thành phố có yêu cầu không tập trung quá 3 người nơi công cộng, mỗi lần dẫn 2 đứa nhỏ đi dạo ở khoảng không gian nhỏ trước nhà, cô đều thận trọng khi có người thứ 4 xuất hiện.
"Hai đứa cháu vẫn liên tục hỏi tôi bao giờ mới hết giãn cách để đưa chúng nó đi công viên. Cứ thế này, cuộc sống bí bách thật, nhưng ngừng giãn cách thì lại thêm nhiều ca mắc", người phụ nữ thở dài.
Trong suốt những ngày đầu tháng 6, điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng là nỗi lo lớn nhất của chính quyền và người dân thành phố đông đúc nhất cả nước. Những phê phán, trách móc, lo ngại về ổ dịch này tràn ngập các trang báo, mạng xã hội… phần nào diễn tả sự quan tâm của người dân tới nút thắt lớn nhất trong quá trình phòng, chống dịch tại TPHCM thời điểm ấy.
Sau nửa tháng, nút thắt lớn đã được tháo gỡ. Những ca nhiễm mới ngoài cộng đồng liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng ít đi từng ngày. Tuy nhiên, nỗi lo mới của thành phố 13 triệu dân cũng manh nha xuất hiện, khi số ca F0 chưa rõ nguồn lây có xu hướng tăng lên.
Lần thay đổi "chiến thuật" phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên được TPHCM đưa ra hôm 14/6, ngày cuối của 2 tuần giãn cách xã hội thứ nhất. Toàn địa bàn áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) dừng thực hiện Chỉ thị 16, các chốt kiểm soát tại 2 khu vực này được gỡ bỏ.
Nhưng cũng từ thời điểm này, chính quyền thành phố và ngành y thấy rõ hơn nguy hiểm từ các ca bệnh chưa rõ nguồn gốc đang âm thầm len lỏi trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng các chuỗi chưa rõ nguồn lây được phát hiện trong thời gian ngắn là biểu hiện của khả năng dịch Covid-19 đã len lỏi trong cộng đồng từ đầu tháng 5.
Trong 5 ngày giãn cách đầu tiên của đợt 2, thành phố ghi nhận 610 ca mắc Covid-19, trong đó, 73 trường hợp mắc chưa rõ nguồn lây nhiễm. Ngày 19/5, thành phố trải qua 3 ngày liên tiếp có số ca mắc lớn hơn 100 người/ngày, chiến thuật ứng phó với đại dịch một lần nữa được thay đổi.
Chỉ thị 10 về việc tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ra đời, được UBND TPHCM ban hành trong tối 19/5.
Với thay đổi về đối tượng và phạm vi áp dụng, Chỉ thị mang tính đặc thù của TPHCM được kỳ vọng dập tắt sự lây lan của dịch Covid-19 trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, tình hình thực tế những ngày đầu cho thấy, "sức nặng" của Chỉ thị chưa đủ để ngăn chặn biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.
Thực tế, trong 10 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch theo Chỉ thị mới, thành phố ghi nhận hơn 1.900 bệnh nhân mắc Covid-19. Số ca F0 được công bố cao hơn bất kỳ quãng thời gian 10 ngày nào trước đó.
Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thẳng thắn nhận định sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10, số ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn vẫn tăng. Địa phương cần phân tích một cách toàn diện, khoa học và đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, một "công thức" chung trong công tác điều tra, truy vết của TPHCM là từ những ca F0 chỉ điểm, thành phố sẽ xét nghiệm tầm soát đối với các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan để tìm các chuỗi lây nhiễm.
Điển hình như các chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng, xưởng cơ khí huyện Hóc Môn, chung cư Ehome 3..., ổ dịch lớn chỉ được phát hiện thông qua những ca chỉ điểm đầu tiên đến khám sàng lọc tại bệnh viện.
"Công thức" trên cho thấy thực trạng ngành y tế chưa giành được thế chủ động hoàn toàn với dịch Covid-19.
Để đảo ngược thế trận đang có phần bị động, ngày 29/6, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo mở chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm rộng toàn thành phố để tìm các ca F0 trong cộng đồng. Công đoạn xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm cần đạt tốc độ tối đa.
Trong chiến dịch này, thành phố đặt mục tiêu lấy mẫu cho 500.000 người/ngày theo phương pháp mẫu gộp. Ngoài việc kịp thời phát hiện ca mắc Covid-19, chiến dịch lớn được kỳ vọng giúp TPHCM kịp thời đánh giá mức độ nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng và có biện pháp đáp ứng kịp thời.
Nhận định về đợt lấy mẫu quy mô lớn của TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá phương án test nhanh sẽ giúp thành phố phát hiện kịp thời những bệnh nhân mắc Covid-19 còn ẩn trong cộng đồng. Ông khẳng định khi chiến dịch được thực hiện, bức tranh về tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
"Thành phố cần ưu tiên thực hiện test cho nhóm có nguy cơ lây lan cao như người sống trong khu cách ly, phong tỏa. Ngoài ra, địa điểm test nhanh cũng cần đa dạng, đặt tại nơi người dân dễ dàng tiếp cận", vị chuyên gia góp ý.
Một ngày làm việc của Vy (27 tuổi, sinh sống tại quận 7, TPHCM) bắt đầu lúc 7h sáng. Từ đầu tháng 6 tới nay, vòng quay cuộc sống của chị gần như không có gì thay đổi sau những lần thành phố chuyển các phương án phòng, chống dịch bệnh.
Làm việc trong ngành công nghệ thông tin, công việc của nữ chuyên viên không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Tuy nhiên, sau cả tháng "Work From Home", những bất cập cũng dần xuất hiện khi cuộc sống, công việc không còn khoảng tách bạch như trước.
"Khi đến công ty, bạn có thể trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới khi cần giải quyết việc cấp bách. Còn khi làm việc từ xa, điện thoại là vật bất ly thân cả ngày. Tại cơ quan, bạn chỉ cần giải quyết công việc trong giờ làm, sau đó thảnh thơi về nhà. Khi làm việc từ xa, không có lúc nào bạn thảnh thơi được đâu", Vy chia sẻ.
Bên cạnh đó, sau quang thời gian dài giãn cách xã hội, việc nghỉ ngơi, đi dạo, tập thể dục ngoài trời để giải tỏa tâm lý là điều gần như không thể. Vấn đề trên tạo chuyển biến xấu về tâm, sinh lý mỗi người. Những cuộc gọi gần đây, cô ngày càng nhận nhiều cảm xúc tiêu cực từ người làm cùng công ty.
"Thời gian đầu làm việc tại nhà ai cũng nghĩ sẽ thoải mái, làm được nhiều hơn vì thời gian, không gian tự do. Nhưng nhìn lại cả tháng, năng suất lao động giảm đi đáng kể so với quãng thời gian chưa giãn cách", Vy tâm sự.
Một số liệu đáng lưu tâm về đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM được ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), đề cập tới. Số F0 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu.
Hiện nay, 68% bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng, trong đó chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng. Trong thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, con số này bị đảo ngược lại là 68% trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.
Giám đốc HCDC đưa ra phương án mới để TPHCM tham khảo trong quãng thời gian tiếp theo, là tập trung bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, có bệnh nền. Những người này cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của các nước có diễn biến dịch Covid-19 sớm hơn Việt Nam, phương án "sống chung với lũ" chỉ có thể áp dụng khi độ phủ của vắc xin trên 70% dân số, hoặc phải chịu tổn thất rất nặng nề về sức khỏe, tính mạng người dân, trong những lần dịch đạt đỉnh.
Phương án này gần như bất khả thi để áp dụng trong thời điểm hiện nay.
Sau một tháng giãn cách xã hội, người dân Sài Gòn bình tĩnh hơn khi đón nhận những quyết sách mới của chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hình ảnh chen chúc mua sắm trước thời điểm áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội không còn, mọi sự giao tiếp bên ngoài được hạn chế tới mức tối thiểu.
Nhưng, khi nếp sống của quãng thời gian giãn cách xã hội càng trở nên quen thuộc, thì áp lực kinh tế dồn lên vai người dân ngày càng lớn. Là trung tâm dịch vụ của cả nước, việc tạm dừng hay tạm dừng một phần đối với một số loại hình kinh doanh khiến thu nhập của đa số người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Khác với nhiều công việc có thể làm ở nhà, đây là tháng thứ 2 mà Linh (27 tuổi, nhân viên tổ chức tiệc cưới) được công ty cho tạm nghỉ việc vì trung tâm tiệc cưới phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM từ đầu tháng 5.
Linh tâm sự, với hơn 3 triệu đồng được công ty hỗ trợ một tháng nghỉ việc, cô đã phải dùng khoản tiền tiết kiệm trước đó để bù đắp vào thuê nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày.
"Từ đầu đợt dịch, đồng nghiệp tôi có nhiều người về quê, chấp nhận cách ly để tiết kiệm chi phí thuê nhà đắt đỏ ở thành phố, nhiều người tìm một công việc khác. Không biết khi thành phố hết giãn cách, trung tâm tiệc cưới được mở cửa, đồng nghiệp cũ của tôi có bao nhiều người đi làm trở lại", Linh thở dài.
Nội dung: QUANG HUY
Photo: TUẤN MARK - HẢI LONG - PHÚ THỌ
Design: ĐỖ LINH