DNews

Địa đạo Củ Chi có gì nổi bật để trình lên UNESCO công nhận di sản thế giới?

Q.Huy

(Dân trí) - Địa đạo Củ Chi được xác định 2 tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí của UNESCO để xác định giá trị nổi bật toàn cầu. Địa đạo là một trong những công trình ngầm vĩ đại nhất của Việt Nam thế kỷ XX.

Địa đạo Củ Chi có gì nổi bật để trình lên UNESCO công nhận di sản thế giới?

Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về phía Tây Bắc. Nơi đây được biết đến là một di tích độc đáo với hệ thống hầm phức tạp, dài khoảng 250km ẩn dưới lòng đất.

Hệ thống hầm tại đây được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, với những công cụ thô sơ và dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tri thức dân gian trong hoàn cảnh chiến tranh. 

Địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Đến năm 2020, UBND TPHCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.

Nam du khách thử cảm giác chui hầm bí mật ở Địa đạo Củ Chi

Tiến độ trình hồ sơ tới UNESCO

Theo Sở VH&TT, đơn vị đã phối hợp với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, UBND huyện Củ Chi hoàn thành báo cáo tóm tắt di sản địa đạo và chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, tiến độ hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới đã hoàn thành giai đoạn 1.

Trong đó, bản báo cáo đã xác định 2 tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí của UNESCO để xác định giá trị nổi bật toàn cầu của di tích này là tiêu chí (IV) và tiêu chí (V).

Theo tiêu chí IV, di tích là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại.

Địa đạo Củ Chi có gì nổi bật để trình lên UNESCO công nhận di sản thế giới? - 1

Địa đạo Củ Chi gây ấn tượng với du khách bởi hệ thống đường ngầm phức tạp dưới lòng đất (Ảnh: P.N.).

Theo báo cáo tóm tắt, Địa đạo Củ Chi có cấu trúc độc đáo, được tạo dựng kiên cố, tinh vi, phức tạp, bí ẩn trong lòng đất, thể hiện sự sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những công trình ngầm vĩ đại nhất của Việt Nam thế kỷ XX, là minh chứng thể hiện khát vọng sống, khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam và đó cũng là khát vọng chung của các dân tộc trên toàn thế giới.

Theo tiêu chí V, di tích là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những thay đổi không thể đảo ngược.

Địa đạo Củ Chi có gì nổi bật để trình lên UNESCO công nhận di sản thế giới? - 2

Du khách quốc tế ghi lại khoảnh khắc ở trong đường hầm tại Địa đạo Củ Chi (Ảnh: Patricio Parodi).

Đối với tiêu chí này, Địa đạo Củ Chi là một ví dụ điển hình, minh chứng sáng tạo trong việc lợi dụng địa hình, điều kiện địa chất, địa mạo, môi trường tự nhiên (đồi gò, rừng rậm, gần sông, rạch). Đặc biệt, chất đất Củ Chi khô ráo, cứng chắc, rất thuận lợi để tạo nên công trình kiến trúc địa đạo với những đường hầm dài, kiên cố trong lòng đất, phục vụ mục đích ẩn náu, cư trú, phòng thủ và chiến đấu.

Sở VH&TT TPHCM cho biết, sau khi nhận được ý kiến thống nhất của các cơ quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho phép phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh sách đề cử Dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới. 

Nếu hồ sơ được Thủ tướng thông qua, công việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản sẽ triển khai giai đoạn 2, tiến độ từ 4 đến 5 năm. Như vậy, dự kiến đến năm 2027, UBND TPHCM sẽ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.

Nguồn gốc của làng ngầm dưới lòng đất

Bản báo cáo tóm tắt về Địa đạo Củ Chi đã làm rõ khởi nguồn của di tích này. Ban đầu, địa đạo được người dân 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh Ninh (nay là Phước Vĩnh An) đào từ năm 1946. 

Trong thời gian đầu, địa đạo chỉ là hầm ếch, khoét thẳng đứng xuống lòng đất, miệng nhỏ, độ sâu vừa đủ chỗ cho một người ngồi. Sau đó, những nơi này được phát triển thành hầm bí mật với độ rộng khoảng 2-3m, sâu khoảng 2m, dùng tre gác bên trên, phủ đất làm thành trần.

Địa đạo Củ Chi có gì nổi bật để trình lên UNESCO công nhận di sản thế giới? - 3

Khu tái hiện vùng giải phóng tại Địa đạo Củ Chi (Ảnh: P.N.).

Sau đó, hầm bí mật được cải tiến, đào khoét ngang, sâu, tạo thành đường hầm dài 4-5m, gọi là hầm địa đạo (bao gồm có miệng hầm, nắp hầm, đường hầm. Theo đó, đường hầm dần phát triển thành hầm liên gia (cứ 3-5 gia đình đào hầm thông nhau). Đến năm 1947, hai đường hầm ở ấp Cây Da (xã Tân Phú Trung) và ấp Bà Giã (xã Phước Vĩnh An) được nối thông nhau, tạo thành địa đạo liên xã, với chiều dài khoảng 17km.

Từ năm 1961 đến năm 1965, trước sự khốc liệt của chiến tranh, Địa đạo Củ Chi được xây dựng, phát triển thành hệ thống, kiên cố, liên hoàn và bí mật, với quy mô rộng lớn khắp địa bàn huyện Củ Chi. Trong đó, hệ thống này tập trung ở 6 xã phía Bắc là Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, An Nhơn Tây, An Phú và Trung Lập (nay là Trung Lập Hạ và Trung Lập Thượng).

Địa đạo Củ Chi có gì nổi bật để trình lên UNESCO công nhận di sản thế giới? - 4

Chợ dã chiến tại Địa đạo Củ Chi phục vụ du khách trong và ngoài nước với các món ăn làng quê (Ảnh: P.N.).

Hệ thống địa đạo được hoàn thiện đã góp phần bảo đảm cho dân, quân Củ Chi trú ẩn, bám trụ để sản xuất, tự vệ và tạo thành làng ngầm dưới lòng đất.

Trong suốt 30 năm (1945-1975), Địa đạo Củ Chi phát triển từ những hầm bí mật để ẩn náu, trốn tránh kẻ thù thành hệ thống liên hoàn. Nơi đây gồm địa đạo và các thành phần cấu thành là ụ chiến đấu, giao thông hào, hầm công sự (trên mặt đất), hầm chông, hầm chữ A, hầm ăn, hầm hội họp, làm việc, hầm cứu chữa thương bệnh binh, hầm chứa lương thực, các ngách, giếng nước, đường hẹp...

Từ năm 1975 đến nay, do ảnh hưởng, tác động của thời gian, thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội, một số đoạn địa đạo bị xuống cấp, sụp lún, không còn dấu tích, một số đoạn đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi quá trình canh tác và xây dựng công trình. Hiện nay, chỉ có hai khu vực là địa đạo Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng) và địa đạo Bến Đình (xã Nhuận Đức) được bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị phục vụ khách tham quan trong nước, quốc tế.

Dự kiến, diện tích khu vực Địa đạo Củ Chi đề cử di sản thế giới rộng khoảng 17,7ha, bao gồm Địa đạo Cây Da (xã Tân Phú Trung), Địa đạo Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng), Địa đạo Bến Đình (xã Nhuận Đức và Phạm Văn Cội), Địa đạo Xóm Bung (xã Nhuận Đức), Địa đạo An Bình (xã Trung An).