DNews

Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ "ngôi vương" trong xuất khẩu rau quả

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, nông dân không tự mở rộng diện tích mà cần tham vấn ý kiến của cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương.

Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ "ngôi vương" trong xuất khẩu rau quả

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá sầu riêng tại các Nam Bộ và Tây Nguyên tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trong đó, sầu riêng Thái loại 1 có thời điểm lên đến hơn 170.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 có giá từ 120.000 đến 140.000/kg. 

Năm 2023, sầu riêng trở thành sản phẩm xuất khẩu số 1 của ngành hàng rau quả với tỷ trọng lên tới 41%, trong tổng số 5,6 tỷ USD mà ngành này thu về. Trong đó, Trung Quốc là nguồn tiêu thụ hàng đầu của sầu riêng Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 90%.

Làm thế nào để sầu riêng tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xuất khẩu sầu riêng đạt 2,2 tỷ USD

Xin ông cho biết giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 của Việt Nam là bao nhiêu?

- Nếu như năm 2015 chúng ta chỉ có 32.000ha sầu riêng, giá trị xuất khẩu gần 30 triệu USD, sơ bộ hết năm 2023 tổng diện tích sầu riêng cả nước khoảng 127.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD.

Ông đánh giá như thế nào về diện tích trồng sầu riêng hiện nay trên cả nước?

- Với sự tăng trưởng nhanh chóng thời gian gần đây, quy mô sản xuất sầu riêng hiện đã vượt đáng kể so với định hướng Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (Quyết định số 4085 ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Định hướng phát triển sầu riêng đến năm 2030 khoảng 65.000-75.000ha, sản lượng 830.000-950.000 tấn).

Cùng với việc tăng trưởng nhanh về diện tích trồng, dự kiến trong các năm tới diện tích thu hoạch và sản lượng sầu riêng tiếp tục tăng nhanh.

Trong ngắn hạn, Cục Trồng trọt thống nhất ý kiến nhiều chuyên gia về triển vọng của thị trường sầu riêng.

 Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ ngôi vương trong xuất khẩu rau quả - 1

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Song, về cơ bản khi nguồn cung tăng thì giá cả sẽ giảm, đặc biệt khi thị trường có biến động, địa phương, đơn vị, người sản xuất không chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản xuất theo yêu cầu thị trường về mẫu mã, chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân không tự mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; vùng không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng ảnh hưởng của ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Trồng trọt đề nghị người dân chú trọng liên kết sản xuất và liên kết với doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, áp dụng đồng bộ các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch…đảm bảo năng suất, yêu cầu thị trường về mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Mỹ

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ đạo của Việt Nam, thời gian tới Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường nào?

- Không chỉ sầu riêng, nông sản Việt Nam nói chung đã và đang đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa thị trường trên cơ sở nghiên cứu, tận dụng cơ hội từ các FTA đã ký kết, đàm phán mở cửa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu nhằm mở rộng thị trường, tăng giá trị gia tăng, thị phần và giá trị xuất khẩu.

Đồng thời với xuất khẩu trái tươi, Việt Nam đang thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác, trong đó có thị trường Châu Âu, Châu Mỹ.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một loạt các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường quan trọng như: Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc đến năm 2030; đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) đến năm 2030.

Hiện nay, người dân đổ xô đi trồng cây sầu riêng, thậm chí trồng cả ở những vùng đất trũng, bạc màu, điều này có ảnh hưởng đến chất lượng quả sầu riêng như thế nào?

- Theo Quyết định số 4085 ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng các tỉnh trọng điểm sản xuất sầu riêng gồm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre), Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Phước), Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông).

 Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ ngôi vương trong xuất khẩu rau quả - 2

Năm 2023 tổng diện tích sầu riêng cả nước khoảng 127.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD (Ảnh: Đặng Dương).

Để đảm bảo năng suất, chất lượng quả các loại cây trồng nói chung, người dân cần tuân thủ đồng bộ các yêu cầu từ lựa chọn giống, bố trí vùng trồng và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp…

Đối với cây sầu riêng, hiện nay Cục Trồng trọt đã ban hành các bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn canh tác sầu riêng thích ứng biến đổi khí hậu; hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt cây sầu riêng.

Cục Trồng trọt đã hướng dẫn chi tiết về chọn giống, thiết kế đồng ruộng, trồng và chăm sóc sầu riêng theo các vùng cụ thể, đề nghị các địa phương quan tâm, phổ biến hướng dẫn nông dân trên địa bàn áp dụng hiệu quả, phù hợp.

Cục Trồng trọt có kế hoạch như thế nào để tiếp tục nâng cao kim ngạch xuất khẩu cây sầu riêng trong năm 2024?

- Trên cơ sở Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Chỉ thị phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo, năm 2024 Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn. 

 Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ ngôi vương trong xuất khẩu rau quả - 3

Các địa phương cần xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất cây sầu riêng theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp.

Tăng cường phổ biến, khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu trồng xen sầu riêng có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng; tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống cho trồng mới, tái canh;

Địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; chú trọng phổ biến thực hiện tốt quy trình kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng đã ban hành, giảm thiểu hiện tượng thu hái quả non.

 Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ ngôi vương trong xuất khẩu rau quả - 4

Sau Tết Nguyên đán, giá sầu riêng tại các Nam Bộ và Tây Nguyên tiếp tục duy trì ở mức cao (Ảnh: Thúy Diễm).

Vụ thu hoạch vừa qua, sầu riêng sốt giá nhờ xuất khẩu tốt nên xuất hiện tình trạng tranh mua tranh bán, thương lái cắt sầu riêng chưa đủ tuổi, ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

- Chất lượng quả có vai trò quan trọng trong việc phát triển mở rộng thị trường, thị phần sầu riêng.

Trong thời gian qua, có hiện tượng thu hoạch non, quả chưa đủ độ chín, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín của sầu riêng nước ta.

Năm 2023, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng, gồm các hướng dẫn cụ thể từ thụ phấn bổ sung, tỉa hoa, tỉa quả, cách khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi cho đến khi thu hoạch, phân loại, bảo quản.

Cục Trồng trọt đã chuyển quy trình này đến các địa phương và hệ thống khuyến nông quốc gia để đề nghị các địa phương, đơn vị, nhà vườn quan tâm phổ biến, áp dụng góp phần đảm bảo năng suất, mẫu mã, chất lượng, từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Khó khăn, thách thức xuất khẩu sầu riêng năm 2024

Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, thuận lợi trong việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2024?

- Như chúng ta thấy, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thời gian qua, tạo bước phát triển vượt bậc về giá trị xuất khẩu của sầu riêng nói riêng và ngành rau quả nói chung trong năm 2023.

Năm 2024 và trong tương lai gần, dự báo xuất khẩu sầu riêng tiếp tục có những thuận lợi cơ bản như trị trường chủ yếu là Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tăng về nhu cầu nhập khẩu sầu riêng.

 Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ ngôi vương trong xuất khẩu rau quả - 5

Năm 2024 Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị tập trung đôn đốc, hướng dẫn rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Thị trường Trung Quốc có lợi thế đối với Việt Nam do điều kiện địa lý gần, thời gian vận chuyển ngắn, hạn chế được hư hỏng quả do vận chuyển... cùng với quả tươi, chúng ta cũng đang đàm phán, có cơ hội mở rộng xuất khẩu sầu riêng cấp đông.

Bên cạnh đó nhiều thị trường khác đã và đang quan tâm nhập khẩu sầu riêng Việt Nam.

Cùng với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết thời gian qua, mở thêm nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung, sầu riêng nói riêng vào thị trường Trung Quốc và các nước.

Việt Nam đã hình thành, phát triển được nhiều vùng sầu riêng tập trung, với sản lượng khá lớn vượt trên 1 triệu tấn/năm; với 2 giống xuất khẩu chủ lực Ri6, DONA đã được thị trường biết đến, ưa chuộng.

Đồng thời số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu cũng đã tăng lên đáng kể; lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch, có thể cung cấp quả tươi hàng hóa thời gian dài, nhiều thời vụ trong năm; đặc biệt là thời gian từ cuối tháng 10 năm trước đến đầu năm sau khi các nước khác không có sản phẩm thu hoạch.

 Để sầu riêng phát triển bền vững, giữ ngôi vương trong xuất khẩu rau quả - 6

Biến đổi khí hậu, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu long sẽ ảnh hưởng đến sản xuất sầu riêng (Ảnh: Thúy Diễm)

Hạ tầng giao thông và logistics ở nước ta được đầu tư phát triển; xu hướng các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư các dịch vụ kho bãi, cơ sở chế biến, đóng gói, vận chuyển và phát triển thị trường sầu riêng gia tăng.

Song xuất khẩu sầu riêng cũng đứng trước một số khó khăn đáng kể như cạnh tranh từ các nước sản xuất, xuất khẩu sầu riêng trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Philippine), đặc biệt là Thái Lan (nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất).

Yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã sầu riêng quả tươi xuất khẩu nghiêm ngặt trong khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ của nông dân là chủ yếu, khó khăn trong kiểm soát, nhất là tại các vùng trồng tự phát, không đảm bảo điều kiện đất đai, tưới tiêu nước và thâm canh làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.

Thị trường chủ yếu là Trung Quốc, trong khi chính sách, quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc có thể thay đổi và ngày càng khắt khe hơn trong thời gian tới.

Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết; còn phổ biến tình trạng cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, chưa đảm bảo quản lý chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu long sẽ ảnh hưởng đến sản xuất sầu riêng ở hai khu vực trọng điểm này.

Cây sầu riêng không giống như các loại cây khác, nếu đất bị nhiễm mặn cây sẽ chết. 

Khi thâm canh, tăng năng suất, đặc biệt là sử dụng các phân bón vô cơ tại các vùng trồng sầu riêng tập trung sẽ áp lực rất lớn đến việc bùng phát các dịch hại quan trọng trên sầu riêng.

Điều này đòi hỏi công tác bảo vệ thực vật phải đi trước một bước để hạn chế các dịch bệnh phát sinh và gây hại trên cây sầu riêng.