Thủ tướng: Sầu riêng đang xuất khẩu nhiều, nếu chủ quan sẽ ách tắc ngay
(Dân trí) - Tại hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng trái sầu riêng của Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nhưng nếu chủ quan, đưa sản phẩm kém vào sẽ làm ách tắc ngay.
Chiều 30/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Hướng dẫn cho nông dân vào các khung giờ vàng
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đối thoại thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Sau đối thoại phải có tiến bộ và phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân.
Đến từ điểm cầu Gia Lai, nông dân Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Hùng Thơm (Gia Lai), cho biết quá trình làm việc với nông dân, bà nhận thấy phần lớn họ rất cần cù, chịu khó trong sản xuất, nhưng hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin về thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản.
Nữ giám đốc hỏi Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để giúp nông dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản?
"Kiến thức thì phải dạy và học", Thủ tướng Phạm Minh Chính lý giải câu hỏi trên.
Ông nhấn mạnh Nhà nước phải có chương trình tuyên truyền, phổ biến cho người dân bằng các hình thức khác nhau như thông tin trên các phương tiện truyền thông, hướng dẫn cho nông dân vào những khung giờ vàng như 6h và 18-19h hàng ngày để bà con quan tâm, theo dõi thuận lợi, tiếp thu kiến thức hiệu quả cao nhất.
"Chúng ta phải phổ biến hay phát hành sách cho nông dân về khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Hơn nữa, bà con nông dân cũng phải học và chia sẻ cho nhau cùng tiến bộ, cùng sản xuất giỏi hơn", theo lời Thủ tướng.
Đối với thị trường, Nhà nước lo tìm kiếm, kết nối thị trường và ký kết các hiệp định, kết nối của người dân, hiệp hội với đại sứ quán...
Song người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh muốn giữ được thị trường, bà con phải giữ và sản xuất đạt yêu cầu của thị trường, từ chất lượng cao đến mẫu mã, bao bì, truy xuất...
Thủ tướng dẫn chứng câu chuyện về trái sầu riêng hiện nay của Việt Nam đang phát triển tốt, xuất khẩu nhiều, nhưng nếu chủ quan đưa sản phẩm kém vào sẽ làm ách tắc ngay, gây nguy hiểm cho thị trường, mất uy tín với bạn hàng.
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau"
Tại hội nghị, bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình đặt hai câu hỏi về giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau".
Ông cho rằng trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết.
Quốc hội đã ban hành các luật, Chính phủ ban hành nghị định, bộ ban hành thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển hợp tác xã.
Song Thủ tướng lưu ý địa phương cũng phải tham gia cùng người nông dân thành lập các hợp tác xã với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương…
"Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó hợp tác xã cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm", Thủ tướng gợi mở.
Về vấn đề giúp nông dân chuyển đổi số, nhất là các hộ nông dân đơn lẻ, Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước phải lo về cơ sở hạ tầng số.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết đã giao các doanh nghiệp khắc phục những điểm lõm về điện và sóng viễn thông.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính xác với những biện pháp phù hợp như qua các app để người dân có thể trả lời các câu hỏi ở đâu trồng lúa tốt, ở đâu nuôi tôm tốt, ở đâu trồng rừng tốt… Trí thức hóa nông dân là mục tiêu mà người đứng đầu Chính phủ định hướng.
Đây là lần thứ 5 Thủ tướng đối thoại với nông dân.
Trước đó, từ năm 2018 đến nay, đã có bốn lần Thủ tướng đối thoại với nông dân.
Lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Hải Dương (2018), lần thứ hai được tổ chức tại TP Cần Thơ (2019), lần thứ ba tại tỉnh Đắk Lắk (2020) và lần thứ tư tại tỉnh Sơn La (2022).