Dãi dầu mưa nắng trên công trường cao tốc Bắc - Nam
(Dân trí) - Để đưa loạt dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn trong năm 2025, hàng nghìn công nhân phải dãi nắng, dầm mưa và thi công 3 ca, 4 kíp.
Một ngày cuối tháng 10, đoạn cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Hậu Giang đã thành hình với một cây cầu bê tông cốt thép sừng sững bắc qua quốc lộ 1. Phần nền đường thẳng tắp hướng về phía Cà Mau.
Trên công trường thi công cầu bắc qua kênh Thạnh Đông (nối Cần Thơ với Hậu Giang), trời đổ mưa bất chợt. Các công nhân hối hả lấy vải bạt che lớp bê tông tươi vừa đổ.
Ngày 18/8 vừa qua, Thủ tướng đã phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Tại lễ phát động, Thủ tướng kêu gọi các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công nêu cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm"...
"Mùa này mưa thường xuyên, một ngày 2-3 lần, mỗi lần 30-60 phút. Khổ nhất là đang đổ bê tông thì trời mưa. Phải dừng chờ mưa tạnh mới đổ tiếp, nếu dừng quá lâu, cả xe bê tông đó phải đổ bỏ", ông Trần Đăng Phú, Chỉ huy trưởng tại công trường chia sẻ.
Trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, hạng mục cầu phải cố gắng xong sớm để dùng luôn mặt cầu làm đường công vụ cho xe công trường di chuyển. Với cầu Thạnh Đông, nhà thầu phải hoàn thành vào cuối năm nay, sớm hơn 1 năm so với tiến độ chung của dự án.
Theo yêu cầu của Chính phủ, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau phải về đích vào ngày 31/12/2025.
Yêu cầu tiến độ đang trở nên khó thực hiện khi nhà thầu phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguồn vật liệu, thời tiết khắc nghiệt và tốn nhiều thời gian xử lý nền đất yếu.
Thủ tướng đã giao các bộ ngành phải thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc ngay tại công trường dự án. Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Đến thị sát công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau hồi cuối tháng 10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nghiêm khắc lưu ý nhiều mốc tiến độ của dự án đã bị chậm so với kế hoạch; cơ chế khai thác cát biển làm cao tốc đã có nhưng sản lượng cát biển đưa về công trường chưa cao...
Nhấn mạnh dự án đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, không thể chậm trễ, ông Lâm yêu cầu các nhà thầu nỗ lực vượt khó, "đã hứa là phải thực hiện" theo đúng tinh thần của Thủ tướng.
Cách đó 1.500km, cao tốc Bắc Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh) cũng đang dần hoàn thiện.
Tại cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, lãnh đạo Bộ GTVT liên tục thúc ép rút ngắn tiến độ về đích. Từ mốc ban đầu là tháng 9/2025, rút xuống tháng 6/2025 và mới đây nhất là 30/4/2025.
Mưa ở Hà Tĩnh không lớn như Hậu Giang, nhưng nắng gay gắt hơn khiến việc thi công vất vả không kém.
Mỗi khi nhận một mốc tiến độ mới, nhà thầu sắp xếp tăng thêm nhân lực và giờ làm việc, khẳng định sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Bộ GTVT.
Nhà thầu thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên đêm để đưa dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi về đích đúng hẹn 30/4/2025.
Máy móc được huy động bổ sung đến một vị trí có khối lượng thi công lớn, nguy cơ làm chậm tiến độ dự án. Đây là một ngọn núi đá cao nhưng không thể thi công bằng phương pháp nổ mìn do xung quanh có khu dân cư. Từ đầu năm 2023, nhà thầu đã triển khai máy móc khoan đục từng mảng nhỏ, tới nay mới gần hoàn thành.
Cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau nằm trong danh sách 12 dự án thành phần phải về đích trong năm 2025.
Văn kiện Đại hội Đảng XIII nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; xây dựng sân bay Long Thành và mở rộng sân bay Nội Bài; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển.
Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông".