DMagazine

Quốc hội xây "cao tốc chính sách" để giao thông đi trước mở đường

(Dân trí) - Những quyết sách quan trọng của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đã giúp cởi trói, phá bỏ rào cản để mở ra chủ trương đầu tư và thúc đẩy tiến độ thi công hàng loạt dự án giao thông quan trọng.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 1

Một ngày tháng 10, dù trời đã vào thu nhưng trên công trường thi công tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-202, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt của miền Trung vẫn khiến những cán bộ thi công đổ mồ hôi ướt đẫm áo.

Vừa lấy tay lau vội giọt mồ hôi, anh Lê Văn Quyết (ở Hà Nội, cán bộ phụ trách thi công tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi đoạn qua các xã Quang Lộc, Trung Lộc và Xuân Lộc), vừa kể, đã 2 tháng nay anh chưa được về thăm nhà.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 3

 "Ngay sau khi hoàn thành dự án Phan Thiết - Dầu Giây giai đoạn 1, toàn bộ anh em thi công gồm gần 100 người đều chuyển về dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi để thi công. Anh em mỗi người một nơi, vào những đợt thi công cao điểm đều phải xa nhà biền biệt. Khi có điều kiện, chúng tôi thay nhau về thăm nhà, mỗi lần về chỉ 2-3 ngày", anh Quyết nói.

Vào dịp Tết, một số được chia về thăm gia đình trước, số còn lại ở lại trực và tiếp tục công việc thi công trên công trường. Mới đây nhất, dịp nghỉ lễ 2/9, tất cả nhân lực đều được huy động ở lại "chiến đấu" xuyên lễ nhằm tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, với thời gian thi công có khi bắt đầu từ 4h và kết thúc lúc 22h.

Sáng 18/8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc".

Khí thế được truyền xuống từ người đứng đầu Chính phủ giúp đội ngũ thi công trực tiếp có thêm động lực, theo lời anh Lê Văn Quyết.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng xác định từ lâu, nhưng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu này được cụ thể đến từng dự án, từng số km cao tốc cần hoàn thành.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 5

Mục tiêu cụ thể được đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng XIII là "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông".

Ngoài ra, Đảng nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và các vùng khó khăn khác; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ĐBSCL và chống ngập úng ở TPHCM.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 7

Nhìn lại giai đoạn đã đi qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống quốc lộ cơ bản hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương.

Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; hầm Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông…

Các cầu lớn vượt sông, biển như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống… cũng lần lượt được khai thác và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có tuyến đi qua.

Đến năm 2020, tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước mới đạt khoảng 1.163km. Nhưng chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, con số này đã thay đổi đáng kể. Tới giữa tháng 8, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100km; các dự án đang thi công với trên 1.700km và chuẩn bị khởi công khoảng 1.400km. Các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 9

"Đến nay, cả nước đang là một đại công trường của các công trình, dự án lớn. Chúng ta có tới 40 dự án lớn và 92 dự án thành phần", đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội.

Một điều đặc biệt được ông chỉ ra so với giai đoạn trước, đó là nếu như trước đây, hạ tầng giao thông phát triển tương đối cục bộ ở một số địa phương, trong nhiệm kỳ này đã trải rộng ra tất cả vùng miền của đất nước.

Những con số kể trên, theo đại biểu Trịnh Xuân An, là minh chứng cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng trong thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, đưa hạ tầng giao thông đi trước mở đường, là người lính tiên phong, là điểm kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội. Con số ấy cũng cho thấy niềm tin về việc sẽ đạt mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, đồng thời thể hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo, điều hành thông suốt và quyết liệt từ trên xuống dưới.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 11

Dù đạt nhiều kết quả, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong thực tế cũng gặp không ít vướng mắc phát sinh từ một số quy định chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp trong giai đoạn mới.

Bởi vậy, những quyết sách quan trọng của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đã giúp cởi trói, phá bỏ rào cản để mở ra chủ trương đầu tư và thúc đẩy tiến độ thi công hàng loạt dự án giao thông quan trọng.

"Chưa có một nhiệm kỳ nào, Quốc hội quyết định nhiều chủ trương, dự án lớn như nhiệm kỳ khóa XV", theo đại biểu Trịnh Xuân An.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 13

Ngay đầu năm 2022, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất để thông qua Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Sau giai đoạn đại dịch Covid-19, đất nước đối mặt với rất nhiều thách thức nên cần động lực mạnh mẽ để phục hồi và phát triển.

Đó là lý do Quốc hội quyết định họp bất thường để thông qua Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Quốc hội quyết nghị bổ sung tối đa hơn 113.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng với định hướng ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia.

Với nghị quyết này, Quốc hội cũng trao quyền cho Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với một số gói thầu của các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách, có quy mô lớn.

Thủ tướng cũng được trao quyền quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đầu tư công đi qua địa bàn.

Nghị quyết của Quốc hội còn "cởi trói", cho phép trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu thi công các dự án giao thông.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội thấm đẫm yêu cầu thực tiễn và thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với những vấn đề đặt ra trong điều hành của Chính phủ, nhất là với các dự án hạ tầng giao thông.

Đến kỳ họp thứ 3 (6/2022), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án: đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TPHCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 15

Đây là lần đầu tiên mà một kỳ họp Quốc hội đưa ra quyết sách về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá hạ tầng giao thông giữa các vùng miền trong cả nước.

Khi chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, việc chuẩn bị hồ sơ 5 dự án giao thông trên để trình Quốc hội là nội dung khó khăn, tốn nhiều thời gian nhất của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức rất nhiều phiên không chính thức và 3 phiên chính thức để cho ý kiến về 5 dự án này.

Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn, Quốc hội nhận thấy cần thiết cho phép Trung ương và địa phương cùng làm.

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, tỉnh lộ trở xuống do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông lớn này được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT quản lý quá nhiều dự án sẽ "quá tải". Do đó, phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ, nhưng theo Quốc hội, trong tình hình cấp bách khi đó, cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật.

Vì thế, Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 được giao hết cho các địa phương. TPHCM làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 3; TP Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4.

Quan điểm nhất quán và chủ trương thống nhất của Quốc hội khi đó là cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thời điểm nội dung này được bàn thảo trong hội trường Diên Hồng, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn nếu mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án giao thông này có thể dẫn đến những hệ lụy phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ lụy tiêu cực về quản lý, làm giảm hiệu quả.

Song Quốc hội khi đó nhấn mạnh quan điểm, trong giai đoạn đặc biệt khi đất nước vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 17

5 dự án giao thông lớn được thông qua trong một kỳ họp, theo đại biểu Trịnh Xuân An, là con số kỷ lục. "Con số này cho thấy chúng ta đã làm được những điều tưởng chừng như không thể làm nổi, bởi nghe 5 dự án thì đơn giải nhưng để chuẩn bị được và đưa ra quyết sách cho 5 dự án ấy, là việc rất khó, nhưng Quốc hội đã làm được", ông An chia sẻ.

Vị đại biểu nói thêm rằng, việc quyết định ở đây không phải Quốc hội chỉ "bấm nút cho xong", mà còn gánh cả trách nhiệm và trọng trách lớn lao, cùng đồng hành với Chính phủ.

Để đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống giao thông, đến kỳ họp thứ 5, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua. Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), được Quốc hội chốt tại kỳ họp thứ 7, cũng tiếp tục góp một phần hoàn thiện bức tranh giao thông trên cả nước.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 19

Nhưng thực tế, hàng loạt tuyến cao tốc được triển khai đồng loạt cũng phát sinh không ít vướng mắc, và ngay lập tức, để gỡ những nút thắt này, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Nghị quyết này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cởi trói cho nhiều vướng mắc bằng việc cho phép tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư (thay vì 50% như hiện hành); giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư đường cao tốc đi qua địa phương.

Quốc hội cũng giao quyền cho Thủ tướng xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Để gỡ vướng trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Quốc hội cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Những quyết sách này được ban hành ngay theo quy trình một kỳ họp đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua, nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông.

Đánh giá khái quát, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng những nghị quyết, cơ chế đặc thù Quốc hội ban hành chính là sự cởi trói và định hướng pháp lý, tạo thông thoáng để triển khai các dự án.

Điều đó cho thấy về mặt chính sách, Quốc hội rất chia sẻ, rất gắn bó và sát với thực tế.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 21

"Đất nước muốn có hạ tầng tốt, Quốc hội phải tạo được hành lang pháp lý. Muốn có đường cao tốc lớn, chúng ta phải có đường cao tốc về chính sách, và Quốc hội đã làm được việc đó", ông An nhấn mạnh đây là dấu ấn không thể không nhắc đến của Quốc hội trong kịp thời ban hành cơ chế, chính sách và có những tháo gỡ sát thực tiễn.

Khi điều chỉnh chính sách hoặc ban hành những cơ chế đặc thù để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, theo ông Trịnh Xuân An, sẽ chạm ngay tới hệ thống pháp luật nên cần linh hoạt hơn trong làm chính sách, với tinh thần "vướng đâu sửa đó", cần thay đổi gì có lợi cho sự phát triển thì mạnh dạn thay đổi ngay.

"Quốc hội đang tiệm cận theo hướng đó, tức là chúng ta đã vượt qua rào cản về suy nghĩ luật đã quy định rồi, có vướng cũng không dám sửa ngay. Thay vào đó, chính sách pháp luật đang được điều chỉnh rất kịp thời để phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển", đại biểu An nêu quan điểm.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 23

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), cũng đánh giá cao hàng loạt quyết sách của Quốc hội như phân bổ vốn đầu tư công trung hạn tập trung cho hạ tầng giao thông chiến lược; nguồn lực gói hỗ trợ hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19 dành chủ yếu cho đầu tư hạ tầng giao thông; chuyển các dự án đường bộ cao tốc dự kiến theo phương thức PPP sang đầu tư công; tăng tỷ lệ vốn ngân sách lên trên 70% đối với các dự án đường cao tốc theo phương thức PPP nếu thấy cần thiết; thí điểm các cơ chế, chính sách theo hướng rút gọn thủ tục hành chính và tháo gỡ vướng mắc về luật pháp trong khai thác nguyên vật liệu đất đắp, đất làm nền đường cao tốc…

"Các đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đều được Quốc hội xem xét, thảo luận và cho ý kiến tháo gỡ hiệu quả, kịp thời, mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đầy khó khăn", ông Thịnh nói.

Theo ông, chính những quyết sách đó đã góp phần quan trọng tạo nên sự thay đổi của diện mạo hạ tầng giao thông trên khắp cả nước, đặc biệt kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII và Quốc hội khóa XV.

Quốc hội xây cao tốc chính sách để giao thông đi trước mở đường - 25

Nội dung: Hoài Thu, Ngọc Tân

Thiết kế: Tuấn Huy