Công nhân môi trường "căng mình" vớt cá chết ở Hải Dương
(Dân trí) - Cá nuôi lồng trên sông Thái Bình chết hàng loạt mấy ngày qua đã trôi dạt vào các con sông, trong đó có sông Sặt, khiến công nhân môi trường phải "căng mình" vớt cá chết trên dòng sông này.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, tại các lồng nuôi cá trên sông Thái Bình, thuộc địa phận huyện Thanh Hà và xã Tiền Tiến của TP Hải Dương, thuộc tỉnh Hải Dương, xảy ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, số lượng cá nuôi chết đã lên tới khoảng 300 tấn.
Trong ảnh (của tác giả H.N.) là cá nuôi lồng chết tại địa bàn huyện Thanh Hà, Hải Dương.
Lượng cá chết quá nhiều, trong khi cơ quan chức năng chưa xử lý kịp, đã khiến các con cá chết trôi dạt đi nhiều nơi.
Trong ảnh là con sông Sặt chạy qua địa phận TP Hải Dương (Hải Dương) rồi đổ về sông Thái Bình, mấy ngày nay ngập tràn cá chết.
Những con cá chết nổi lên chủ yếu là cá chép từ 3 đến 7kg, cá lăng, cá diêu hồng… trôi theo hướng từ âu thuyền vào TP Hải Dương.
Xác cá nổi trên sông đã gây ô nhiễm môi trường sống của các hộ dân sinh sống dọc 2 bên sông Sặt.
Hôm nay (7/4), các công nhân môi trường của tỉnh Hải Dương đã phải "căng mình" vớt cá chết trên sông Sặt.
Với phương thức vớt cá thủ công như này, nhiều người cho rằng sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể gom hết cá chết trên sông Sặt.
Lượng cá chết trôi trên sông nhiều, công nhân môi trường phải dùng cả máy xúc để vớt cá.
Máy xúc đưa cá chết đến điểm tập kết để mang đi tiêu hủy.
Công việc thu gom cá chết trên sông Sặt đang rất khẩn trương.
Trước hiện tượng cá chết bất thường, ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.