Chuyên gia "hiến kế" giải bài toán lãng phí từ công trình, dự án bỏ hoang
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, để hạn chế lãng phí và sớm đưa các công trình bỏ hoang, dự án chậm tiến độ vào sử dụng, chúng ta cần phải dùng thuế để quản lý và xác định trách nhiệm của người đứng đầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4, tại Hà Nội.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ chùng xuống, bị lãng quên.
Song trên thực tế, ông khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo ông, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên trì, liên tục.
Minh chứng là việc Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhận định sự lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân.
"Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực", Tổng Bí thư nhận định.
Ông dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.
Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư nói.
Để giúp bạn đọc thấy rõ sự lãng phí từ các công trình, dự án bỏ hoang trên địa bàn Hà Nội và các địa phương, báo Dân trí triển khai tuyến bài ghi nhận về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội đánh giá, tuyến bài mà báo Dân trí đang thực hiện về các công trình bỏ hoang, xây dựng dang dở,... đã phản ánh được tình trạng lãng phí hiện nay.
Ông cho rằng, hơn 20 năm qua, đất nước ta đã phát triển đô thị nhanh chóng nhưng nhiều nơi hạ tầng đô thị vẫn còn bất cập, quản trị đô thị vẫn còn rất "nghiệp dư" và kèm với đó là tình trạng đô thị hóa dở dang
Dễ nhận thấy nhất là hàng loạt công trình, khu đô thị được xây dựng nhiều năm nhưng vẫn không có người ở gây lãng phí về tài nguyên đất, tài sản của cá nhân, xã hội, Nhà nước.
Đối với những công trình đầu tư công, xây dựng bằng vốn ngân sách như khu tái định cư hay bệnh viện bỏ hoang,... mà báo Dân trí phản ánh thời gian qua là những nội dung được dư luận rất quan tâm.
Lãng phí nguy hiểm hơn cả tham nhũng
Theo KTS Trần Huy Ánh, nước ta là nước dù đang phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, do đó khi chứng kiến những sự lãng phí, đặc biệt là lãng phí ngân sách công - chính là mồ hôi, công sức của nhân dân, cá nhân ông cũng như nhiều người dân cảm thấy rất đau xót.
Ông nhấn mạnh, những tổ chức, cá nhân nào đã sử dụng đồng tiền lãng phí cần tự nhận thức sâu sắc về trách nhiệm cũng như lương tâm khi dùng của công mà không hiệu quả, trong khi đất nước còn khó khăn,... nhất là những chỉ đạo của lãnh đạo đất nước nhấn mạnh lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng.
Đặc biệt, hàng ngày trên truyền thông vẫn thấy tại nhiều vùng trẻ em còn học trong những ngôi trường thiếu tiện nghi, bệnh nhân nghèo còn chật vật chống chọi với bệnh tật, thiếu thốn đủ bề thì để lãng phí là sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan liên quan đến những dự án này, KTS Trần Huy Ánh đánh giá.

Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội những năm qua phát triển mạnh nhưng kèm theo đó là hàng loạt công trình bị bỏ hoang gây lãng phí (Ảnh: Nguyễn Hải).
Bên cạnh đó, lãng phí cũng thể hiện một bộ phận những tổ chức, cá nhân quản lý tiền bạc, tài nguyên công sản không hiệu quả,… chính là thể hiện năng lực yếu kém, tư duy trì trệ, vô trách nhiệm và để lại tác hại vô cùng lớn.
Theo KTS Trần Huy Ánh, cần phải chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí nhằm hạn chế được các sai lầm trong tương lai.
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng lãng phí công trình xây dựng, tài nguyên đất đai hiện nay, có phần không nhỏ từ hệ thống thông tin thông tin dữ liệu, quản trị đất công, tài sản công của chúng ta lỏng lẻo, thô sơ, lạc hậu..., theo lời kiến trúc sư.
Ông nhìn nhận, mặc dù chúng ta đã đầu tư kinh phí để xây dựng các cơ sở dữ liệu về đất đai nhưng hiệu quả mang lại chưa cao và các khoản đầu tư cho việc xây dựng hệ thống tư liệu quản lý không hiệu quả này cũng chính là sự lãng phí.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội (Ảnh: Việt Anh).
Khi cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tài sản trên đất còn thô sơ, lạc hậu không phát huy tác dụng quản lý thì kèm theo đó là hệ thống thuế khóa cũng không được kiểm soát chặt chẽ hoặc điều chỉnh được các hành vi lãng phí.
"Nếu hệ thống dữ liệu còn lạc hậu, yếu kém thì không thể ngăn chặn được lãng phí, thay vào đó chúng còn tiếp tục lan tràn, thậm chí còn là môi trường thuận lợi cho việc đầu cơ, trục lợi từ việc lỏng lẻo trong quản lý hồ sơ.
Nếu tiếp tục như vậy, việc trục lợi sẽ gia tăng và tiếp diễn từ đất đến nhà, sẽ có thêm nhiều khu đô thị, tòa nhà bị bỏ hoang", KTS Trần Huy Ánh nêu.
Làm gì để giải bài toán lãng phí?
Để hạn chế lãng phí và sớm đưa các công trình bỏ hoang vào sử dụng, ông Ánh cho rằng, chúng ta cần phải dùng thuế để quản lý.
Ông nêu ví dụ, nếu nơi nào để tài sản công lãng phí sẽ dùng thuế điều chỉnh, khi không có nguồn thu sẽ không có ngân sách đóng thuế và từ đó xác định các tài sản nào mang lại giá trị thấp. Từ đó, chúng ta có phương án điều chỉnh, tái sử dụng tài sản một cách hiệu quả.
Gợi mở về việc áp dụng thuế hiệu quả, KTS Trần Huy Ánh cho biết, hồ sơ đất công, tài sản trên đất phải được quản lý chặt chẽ.
Để làm được điều này, có thể giao cho tư nhân sử dụng, vận hành các tài sản đang bị bỏ hoang sẽ đem lại hiệu quả cao.
Vị kiến trúc sư dẫn chứng thực tế, tại Hà Nội nhiều cơ quan, trụ sở bị bỏ hoang đã được hồi sinh trong "Tuần lễ sáng tạo" bởi các sáng kiến mang lại sức sống mới, đưa các công trình có lại giá trị cao trong cuộc sống vật chất và tinh thần đối với cộng đồng, xã hội.
Đưa ra giải pháp, ông góp ý, toàn bộ các dịch vụ có thể giao lại cho tư nhân thực hiện và cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết, kiểm soát các hoạt động cho đúng luật.
Có nhiều công ty công nghệ tư nhân đã cung cấp những giải pháp tra cứu thông tin nhà đất rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho công chúng cũng như hỗ trợ đắc lực công tác quản lý.

Hàng loạt khu tái định cư bị bỏ hoang ở Hà Nội gây lãng phí (Ảnh: Nguyễn Hải).
Thực tế đó cho thấy, thay vì đầu tư cho các cơ quan, tổ chức lập hồ sơ quản lý tài nguyên đất đai, công sản thì nên khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Sau đó, các cơ quan quản lý mua lại hệ thống thông tin đáp ứng nghiệp vụ quản lý, thay vì "làm mãi mà không đạt yêu cầu".
Đồng thời, ông đánh giá, trong quá trình tách, sáp nhập các địa phương tới đây có thể sẽ dôi dư rất nhiều các tài sản công nếu tiếp tục quản lý lỏng lẻo sẽ gây ra lãng phí….
Do vậy, ngay từ lúc này, các địa phương cần có phương án quản lý chặt chẽ để đưa vào sử dụng hiệu quả và công khai các phương án tái khai thác các cơ sở vật chất dôi dư để cộng đồng xã hội cùng giám sát, tránh lãng phí.
"Cha chung không ai khóc"
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) nêu thực tế, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều nơi trên đất nước có hàng loạt trụ sở công bị bỏ hoang.
Để xảy ra lãng phí như vậy, ông Nguyên đánh giá một phần do cán bộ quản lý "không dám nghĩ, không dám làm" khi những tài sản này ai cũng dễ dàng nhìn thấy nhưng lại không đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất.
"Người dân khi thấy cái cây trong vườn bị đổ, cái cửa bị hỏng họ sẽ nghĩ ngay ra cách để cứu, sửa chữa nó. Tuy nhiên, một số bộ phận cán bộ khi nhìn thấy lãng phí lại cho rằng đây không phải việc của mình dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc"", ông Nguyên nêu.
Để có thể sớm đưa các công trình lãng phí vào sử dụng, theo ông, chính quyền cơ sở phải xác định công trình do ai, cá nhân nào quản lý. Khi đã tìm được cá nhân, tổ chức quản lý chúng ta sẽ xác định được trách nhiệm và có những biện pháp để giải quyết vấn đề.
Cùng chung quan điểm với TS Nguyễn Hữu Nguyên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, tư tưởng "cha chung không ai khóc" đang tồn tại như một thứ ung nhọt trong khu vực công.

Những căn biệt thự có giá cả triệu đô nhưng bị bỏ hoang nhiều năm tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế quản lý còn lỏng lẻo đã khiến một số cá nhân lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và điều này được thể hiện qua các công trình bị bỏ hoang hiện nay hoặc các công trình sau nhiều năm đầu tư, xây dựng nhưng không được hoàn thành.
"Để xác định lãng phí là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào là rất khó và nếu không làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh sẽ khó giải quyết dứt điểm vấn đề", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu.
Còn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, vấn đề lãng phí đã xuất hiện từ lâu, đầu những năm 1960 Đảng, Chính phủ đã có cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Ông chỉ rõ, lãng phí được xác định từ tiền bạc, của cải đến thời gian, công sức, làm việc kém hiệu quả.
"Gần đây Đảng ta xác định vấn đề lãng phí cũng nghiêm trọng không kém gì tham nhũng và thậm chí còn nặng nề hơn, bởi chúng ta khó chỉ rõ mặt, đặt tên lãng phí do ai", ông Phúc nói và lưu ý, điều quan trọng nhất hiện nay để giải bài toán lãng phí là phải tìm ra nguyên nhân mới có giải pháp hiệu quả.
Việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến lãng phí phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Ngoài ra, chúng ta không chỉ hô hào ở khẩu hiệu chống lãng phí mà phải đi vào giải pháp cụ thể, từng công trình cụ thể, xác định công trình nào gây lãng phí.
Đặc biệt đối với vấn đề đất đai, xây dựng phải kiểm kê lại có bao nhiêu công trình bị bỏ hoang và tìm ra nguyên nhân vì sao lại như vậy để đưa ra giải pháp tháo dỡ.