PhotoStory

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát

Thực hiện: Bảo Kỳ

(Dân trí) - Cát đắp nền thiếu hụt, phân bổ không đều khiến nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gặp khó khăn, tiến độ làm việc bị đứt quãng.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 1

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, khởi công từ tháng 1/2023. Theo tính toán, dự án cần 18,5 triệu m3 cát, trong năm 2023 phải được cấp 9,1 triệu m3. Tuy nhiên, tình hình cung ứng cát cho dự án đến nay rất chậm, không đáp ứng yêu cầu khiến tiến độ toàn dự án bị ảnh hưởng. 

Thiếu cát, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công bị chậm nhịp, đứt quãng (Video: Bảo Kỳ).

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 2
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 3

Đến hết tháng 1/2024, tổng khối lượng cát được đưa về công trường dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 2 triệu m3. 

Trong đó: tỉnh An Giang 0,4 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp 1,6 triệu m3, cát tại tỉnh Vĩnh Long cần phải tuyển rửa nên mới lấy được 3.800m3.

Mặc dù các mỏ cát đã khai thác và cung ứng cho dự án có tổng trữ lượng 6,6 triệu m3 nhưng công suất khai thác hạn chế, bình quân 1 ngày chỉ đưa về công trường 16.000m3.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 4

Theo nhà thầu thi công trên toàn tuyến cao tốc, do thiếu cát nên công việc hiện tại của các đơn vị này là đúc dầm, đổ bê tông thân trụ cầu, dọn dẹp mặt bằng, cào bóc đất hữu cơ...

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 5

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại công trình cầu Ngã Ba Tàu ở Km79+680 nối xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) và xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) hạng mục trong đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau do nhà thầu Trung Nam E&C thi công. Ông Hoàng Công Cường, Phó Giám đốc Ban điều hành Trung Nam E&C cho biết, 6 tháng nay không có cát phân bổ nên đội ngũ kỹ sư, công nhân chỉ có thể triển khai phần cầu.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 6

Trong lúc chờ cát, công tác làm cầu được ráo riết thực hiện. Ghi nhận tại bãi đúc dầm khu vực cầu Ngã Ba Tàu, có 4 bệ đúc dầm, cứ 1,5 ngày nhân công sẽ hoàn thành 1 miếng. 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 7

Kỹ sư, công nhân làm việc 2-3 ca/ngày tùy khối lượng công việc. Tổng số lượng công nhân mỗi ca có khi lên đến 300 người. 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 8

"Chúng tôi cố gắng đảm bảo tiến độ xây dựng cầu nhưng về phần đường đang rất khó khăn vì thiếu nguồn cát đắp nền, nếu không có cát, dự án sẽ không thể hoàn thành. Khối lượng công việc của đơn vị là thi công hơn 10km cầu, đường, chúng tôi đang chờ mỏ cát ở Đồng Tháp phân bổ xuống để làm đường", ông Cường nói thêm. 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 9

Trước tình hình thiếu cát đắp nền, ngành chức năng đã có phương án thí điểm cát biển làm cao tốc từ năm 2023. 

Ghi nhận thực tế tại đoạn đắp cát biển đường hoàn trả ĐT 978 - KM79 + 834 (từ Km0+380 đến Km0+740) thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), đơn vị thi công cho biết đã hoàn thành mặt đường, các phương tiện dễ dàng, thuận tiện lưu thông trên nền cát biển.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 10

Ông Cường cho biết, nhà thầu Trung Nam E&C chịu trách nhiệm thi công thí điểm cát biển, chiều dài đoạn này gần 1km, triển khai từ cuối tháng 3/2023 sau khi hoàn thành đã đưa vào sử dụng cho đến nay. 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 11

"Cát biển được đem từ Trà Vinh trải qua nhiều đợt lọc rửa mới đưa vào xây dựng. Trong quá trình khai thác chưa có gì bất thường xảy ra, chúng tôi mong rằng sắp tới có được nguồn cát biển đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để đưa vào sử dụng đẩy nhanh tiến độ đề ra", ông Cường nói về hiệu quả thí điểm cát biển. 

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công đứt quãng, nhà thầu ngóng từng khối cát - 12

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho hay, từ kết quả thí điểm cát biển tại vị trí thi công và đưa vào khai thác khoảng 6 tháng nay, về mặt cơ lý đã đảm bảo, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đang giới thiệu các nhà thầu đến 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để mở các mỏ cát biển.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. 

Khẩn trương cấp "Bản xác nhận" đối với 6 mỏ cát mà nhà thầu đã trình hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và có thể khai thác trong tháng 2/2024 (tỉnh An Giang 5 mỏ, tỉnh Vĩnh Long 1 mỏ). 

Đặc biệt, UBND tỉnh An Giang cần chủ động xử lý thủ tục đối với 5 mỏ đã được các nhà thầu hoàn thành thủ tục.

Hỗ trợ các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày để bảo đảm sản lượng khai thác. 

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế khai thác của các mỏ đã cấp cho dự án, tiến hành rà soát, đánh giá tác động môi trường được duyệt để xem xét, có phương án điều chỉnh tăng công suất khai thác các mỏ cát nếu đủ điều kiện.

Rà soát các mỏ cát đang khai thác, các mỏ mới trên địa bàn (đặc biệt tỉnh An Giang và Vĩnh Long), ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác bảo đảm đủ công suất để đến 30/6/2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Thủ tướng giao.