Bãi tạm giữ phương tiện quá tải, quản lý xe vi phạm thế nào?
(Dân trí) - Chuyên gia đề xuất người vi phạm có thể mua một thiết bị định vị gắn vào phương tiện, có niêm phong theo đúng quy định. Vị trí xe được CSGT lập biên bản tọa độ để quản lý.
Đầu năm 2024, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, trong năm 2023, lực lượng CSGT thành phố phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm.
CSGT tạm giữ 156.313 phương tiện. Trong đó, có 1.537 ô tô, 153493 mô tô và 1.283 xe 3, 4 bánh.
Trong số các trường hợp vi phạm, có 128.149 trường hợp điều khiển ô tô, mô tô vi phạm liên quan nồng độ cồn. Mức phạt các lỗi này tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe. Thế nên, không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.
Bãi xe tang vật quá tải
Hàng trăm nghìn phương tiện bị tạm giữ khiến các bãi xe tang vật của thành phố hiện quá tải. Nhiều đội CSGT phải tận dụng khoảng trống trụ sở làm nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo thống kê riêng của Phòng CSGT TPHCM, hiện trên địa bàn hiện còn thiếu hơn 10.000m2 nhà kho để giữ phương tiện vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại bãi xe tang vật của Phòng PC08 ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có khoảng 17.000 ô tô, xe máy được xếp chật cứng.
Kho tang vật này có diện tích hơn 20.000m2 với 9 khối nhà 2 tầng lấp đầy phương tiện. Ngoài các khối nhà này, hàng trăm xe máy không có chỗ để, được chất chồng lên nhau.
Do phơi nắng mưa trong nhiều năm, các phương tiện này đã bị hư hỏng, mục nát dàn nhựa, khung xe bị rỉ sắt. Bên cạnh đó, hàng trăm xe ba gác cũng được chất thành một bãi riêng, trong tình trạng hư hỏng.
Thậm chí, một số khu vực để xe, cỏ cây dại mọc cao hơn phương tiện bị tạm giữ. Các xe này vẫn nằm chờ trong bãi và chưa được thanh lý.
Trong khi đó, bãi xe tang vật của Công an quận Bình Tân nằm sát giao lộ Hồ Văn Long - Võ Trần Chí (phường Tân Tạo) cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm xe máy được xếp thành từng hàng, có dấu hiệu gỉ sắt dưới trời nắng 37 độ C.
Hai phương án quản lý
Trước việc các bãi xe tang vật đang quá tải và có nguy cơ cháy nổ cao vì nắng nóng, một số luật sư, lãnh đạo công an về hưu tại TPHCM đã có nêu một số giải pháp không cần giữ xe người vi phạm hành chính mà vẫn răn đe được người dân trong việc chấp hành luật giao thông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Ngô Quí Linh, Giám đốc Công ty luật Mai Đăng Khang cho biết, có hai phương án khả thi để áp dụng song song với việc giữ phương tiện tại kho tang vật của cơ quan chức năng. Hai phương án bổ sung này có thể cho người vi phạm tự chọn và tự chịu chi phí phát sinh.
Thứ nhất là tư nhân hóa, xã hội hóa việc thành lập các kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Người vi phạm được quyền chọn lựa kho, bãi và ký hợp đồng gửi giữ với chủ kho, bãi trong việc quản lý phương tiện vi phạm.
Phương án này vừa giải quyết được tình trạng quá tải cho các kho, bãi hiện nay. Đồng thời, giải quyết được nỗi bức xúc của người vi phạm là sau khi hết thời hạn tạm giữ, xe của họ bị hư hỏng, gây tốn kém cho việc sửa chữa, có thể phát sinh những vụ kiện tụng phức tạp.
Khi giao kết hợp đồng giữ phương tiện vi phạm thì người gửi và chủ bãi xe có thể lập biên bản về tình trạng của phương tiện, cam kết tiêu chuẩn bảo quản phương tiện cũng như các thỏa thuận về bồi thường thiệt hại theo các quy định tại Mục 12, từ Điều 530 đến Điều 561 của Bộ Luật dân sự 2015.
Thứ hai, có thể cân nhắc áp dụng một quy định linh hoạt hơn, ít tốn kém hơn đó là buộc người vi phạm mua một thiết bị định vị gắn vào phương tiện, có niêm phong theo đúng quy định. Sau đó, giao cho người vi phạm hoặc chủ phương tiện tự bảo quản phương tiện.
Lưu giữ phương tiện vi phạm ở đâu là do người vi phạm hoặc chủ xe tự chịu trách nhiệm nhưng phải thông báo và lập biên bản tọa độ của phương tiện cho cơ quan chức năng.
Từ đó, nếu trong thời gian phương tiện bị tạm giữ có thay đổi vị trí so với tọa độ được định vị ban đầu thì xem như đó là một hành vi vi phạm khác. Người vi phạm hoặc chủ xe, người có nghĩa vụ quản lý phương tiện vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Hết thời hạn phương tiện bị tạm giữ, người vi phạm đem phương tiện đến cơ quan chức năng để lập biên bản tháo gỡ thiết bị định vị và giải phóng phương tiện.
Theo luật sư, thiết bị định vị hiện bán rất nhiều trên thị trường với giá rất phù hợp, cũng rất dễ lắp đặt và niêm phong trên phương tiện vi phạm. Với phương án này, người vi phạm hoặc chủ xe hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về bảo quản phương tiện tại nơi mà mình muốn lưu giữ phương tiện.
Và với trình độ quản lý thiết bị định vị hiện nay, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể phát triển ứng dụng kiểm soát thiết bị này được gắn trên phương tiện vi phạm.
Hoặc các cơ quan cũng có thể kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Khi đó, người vi phạm hoặc chủ phương tiện vi phạm phải trả chi phí cho việc chọn sử dụng ứng dụng quản lý phương tiện vi phạm.
Một cán bộ nguyên lãnh đạo Công an quận 11 cũng nhìn nhận, với lượng xe vi phạm hiện nay, thành phố phải mở thêm nhiều kho tang vật nữa mới đáp ứng đủ chỗ tạm giữ.
Theo cán bộ công an, ở nước Úc, tài xế nếu vi phạm tốc độ sẽ bị phạt 600 đô la Úc. Người bị phạt có quyền trả góp mỗi tháng từ 10 đô la, tùy theo tính chất công việc. Miễn họ đóng hết số tiền phạt này, còn bằng lái thì bị trừ điểm.
Ở nước họ, mỗi người có một tài khoản ngân hàng, việc nộp phạt sẽ được trừ tự động từ tài khoản đó. "Vi phạm gì cũng giữ xe thì chỗ nào chứa. Cảnh sát nước ngoài ít khi giữ xe. Cứ hễ đến tháng, tài khoản người vi phạm sẽ bị trừ tiền theo thỏa thuận giữa họ và cảnh sát", vị này nói.
Nguyên lãnh đạo công an nêu sáng kiến, trường hợp tài xế vi phạm giao thông bị CSGT phát hiện và lập biên bản, họ có thể đóng số tiền tạm ứng cho CSGT để không bị giữ xe.
Đến ngày ra quyết định đóng phạt, người vi phạm cầm quyết định lên kho bạc Nhà nước nộp, sau đó nhận lại số tiền tạm ứng từ CSGT. "Nếu tài xế không có tiền nộp phạt, CSGT sẽ lấy số tiền tạm ứng này nộp vào kho bạc Nhà nước đối với hành vi vi phạm của tài xế. Nếu tài xế không có tiền thì bị CSGT giữ xe chứ không còn cách nào khác", vị này chia sẻ.