Ám ảnh kẹt xe không lối thoát ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - "Đường rộng, nhưng lượng xe cá nhân quá nhiều nên dẫn đến ùn tắc. Khi nào có tàu điện ngầm, người dân giảm đi xe cá nhân và dùng giao thông công cộng may ra mới hết kẹt xe", ông Lê Văn Ba nói.
18h ngày giữa tháng 11, anh Nguyễn Duy Minh (28 tuổi, quê Quảng Nam), nhân viên phòng khám gần ngã tư Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ (quận 3) tan ca. Anh bắt đầu lái xe máy về nhà trọ trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM.
Đường về nhà của anh Minh là trục cửa ngõ Tây Bắc của thành phố, qua các tuyến: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Cộng Hòa, Trường Chinh… Đây cũng là các đường chính ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
"Ma trận" kẹt xe
Vừa rời khỏi nơi làm, anh Minh liền gặp cảnh xe máy, ô tô, xe buýt nối đuôi chật cứng, tràn lên cả vỉa hè đường Điện Biên Phủ, hướng về ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Nhích xe từng chút hơn 5 phút giữa làn khói ngột ngạt, anh Minh mới thoát khỏi đoạn đường 200m để rẽ trái vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hướng về cầu Nguyễn Văn Trỗi, quận 3.
Lúc 18h15, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thông thoáng, các phương tiện di chuyển với tốc độ 20km/h. Tuy nhiên, đến giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi, anh Minh phải dừng xe vì các phương tiện nối đuôi chật cứng, chờ lần lượt thoát qua giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận.
"Đường rộng, nhưng xe quá nhiều, mọi người phải xếp hàng chờ lần lượt qua ngã tư chứ không còn cách nào khác, muốn lên vỉa hè để chạy cũng không được", anh Minh nói.
Từ giao lộ trên đến giáp Công viên Hoàng Văn Thụ, anh Minh cũng như hàng nghìn người khác lái xe trong tâm trạng mệt mỏi, nhích từng chút vì đoạn này có 4 giao lộ và thêm đường sắt cắt ngang.
Xe anh Minh thoát vội qua các đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn - vòng xoay Lăng Cha Cả rồi hòa vào "ma trận" ùn tắc không lối thoát trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.
18h45, đường Cộng Hòa như một "rừng" người và xe, nhích từng chút trong âm thanh hỗn tạp của động cơ xe, còi và nhạc từ các cửa hàng hai bên đường.
Anh Minh cho biết, mọi người lái xe không theo quy luật nào, thấy chỗ trống là chen vào, bất kể làn dành cho xe thô sơ hay ô tô. Vỉa hè cho người đi bộ cũng chật cứng xe máy leo lề. Các phương tiện di chuyển chậm hướng về cầu vượt Hoàng Hoa Thám.
"Những lúc ùn tắc như thế này, tôi vất vả hơn nhiều người vì chạy xe côn tay. Tay trái tôi phải bóp côn liên tục, nếu nhả ra sẽ chết máy", anh Minh nói rồi chìa bàn tay có các ngón chai sần để chứng minh.
Qua khỏi cầu vượt Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), anh Minh và hàng nghìn tài xế khác dễ thở hơn vì đoạn từ đây đến Trường Chinh đỡ ùn tắc, do được CSGT kéo barie chắn giữa các giao lộ cho phương tiện chạy thẳng. Đèn giao thông tại các giao lộ cũng chuyển sang chớp vàng.
Qua khỏi khu vực này, anh Minh còn phải chịu ùn tắc tại giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch; Trường Chinh - Tây Thạnh - Trần Thái Tông mới về được đến nhà lúc 19h45. Với quãng đường 12km từ công ty, anh Minh phải tốn thời gian gần 2 giờ mới về đến nơi.
Nam nhân viên phòng khám cho biết, khoảng 2 tháng nay, từ khi hầm chui xuyên giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đưa vào khai thác, các tuyến đường sát sân bay hiếm khi ùn tắc vào giờ cao điểm. Thay vào đó, ùn tắc xe xảy ra trên các trục chính như: Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh.
"Hầu như ngày nào tôi cũng chịu cảnh kẹt xe trên trục Cộng Hòa, Trường Chinh vào giờ cao điểm sáng, chiều, ở cả hai hướng vào và ra trung tâm thành phố. Những hôm mưa lớn, ùn tắc nghiêm trọng hơn. Ai đi trên các tuyến đường này cũng có thể cảm nhận rõ sự mệt mỏi, bất tiện", anh Minh nói.
Trễ giờ làm
Ông Lê Văn Ba (50 tuổi, quê Quảng Nam), thợ hồ cho một công trình trên đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình), cho biết, giờ cao điểm sáng, đường Cộng Hòa, Trường Chinh kẹt xe hướng vào trung tâm thành phố và ngược lại vào giờ cao điểm chiều.
Ông Ba thuê phòng trọ gần ngã tư An Sương (quận 12), cách chỗ làm khoảng 8km. Mỗi buổi sáng, ông dành một giờ để đi từ nhà đến công trường, nhưng thường xuyên trễ làm vì kẹt xe.
"Tôi ám ảnh kẹt xe, nhất là đường Trường Chinh, đoạn từ Phạm Văn Bạch đến Cộng Hòa; đường Cộng Hòa từ Trường Chinh đến giáp vòng xoay Lăng Cha Cả. Nhiều hôm, tôi phải liều lái xe qua bên kia đường Cộng Hòa, đi ngược chiều đến chỗ làm vì ùn tắc", ông Ba chia sẻ.
Ông Lê Văn Ba đang làm tại công trình gần nhà ga T3 và hình ảnh kẹt xe trên đường Cộng Hòa (Ảnh: An Huy).
Theo nam thợ hồ, giao thông buổi sáng trên đường Trường Chinh, Cộng Hòa rất hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy. Xe buýt, ô tô lấn làn xe máy. Xe máy chạy chen giữa các ô tô, thỉnh thoảng xảy ra va quẹt. Có hôm ùn tắc, ông đi từ nhà đến chỗ làm mất hơn 1 giờ.
"Sở dĩ kẹt xe do người dân ở khu vực quận 12, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Củ Chi vào trung tâm thành phố chỉ có hai hướng đường là Trường Chinh và Cộng Hòa. Đường rộng, nhưng lượng xe quá lớn dẫn đến ùn tắc. Tôi nghĩ khi nào có tàu điện ngầm, người dân giảm đi xe cá nhân và dùng phương tiện công cộng may ra mới hết ùn tắc", ông Ba nói.
Bên cạnh đó, chị Trà My (31 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, đường Hoàng Văn Thụ (đoạn ngã tư Bảy Hiền về vòng xoay Lăng Cha Cả) cũng xảy ra kẹt xe mỗi buổi sáng và ngược lại vào chiều tối. Dù các giao lộ luôn có CSGT phân luồng, lượng xe quá lớn, không thoát kịp nên gây ùn tắc.
"Từ lúc hầm chui giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn thông xe, khu vực này không còn ùn tắc. Tình trạng ùn tắc lại đẩy sang trục Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ nhanh hơn vào giờ cao điểm. Kéo theo đó, các đường nhỏ nối trục này cũng bị kẹt cứng", chị My nói.
Tăng phân luồng giờ cao điểm
Trao đổi với phóng viên Dân trí, cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng PC08) cho biết, từ khi đưa hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đưa vào hoạt động, tạm thời vẫn chưa có gì rõ ràng để khẳng định cửa ngõ sân bay hết kẹt xe.
Các xe chạy qua hầm chui theo đường Phan Thúc Duyện đến cổng nhà ga T3, lại đổ ra Cộng Hòa (chưa đến khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám) nên tình trạng ùn ứ cửa ngõ sân bay vẫn chưa cải thiện nhiều. Khi nào thành phố thông toàn tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa mới hy vọng thông thoáng.
Hầm chui giúp đỡ xung đột giao thông ở khu vực giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và vòng xoay Lăng Cha Cả. Đường Hoàng Văn Thụ chỉ ùn ứ khi có tiệc tại một số nhà hàng hoặc sự cố giao thông.
"Những ngày gần đây, lượng xe cộ tăng hơn mấy tháng trước vì gần cuối năm. Vào giờ cao điểm, CSGT phải tập trung ra các giao lộ trọng điểm để phân luồng, xử lý nhanh các tình huống giao thông", cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất nói.
Theo cán bộ CSGT, lượng xe qua lại khu vực cửa ngõ sân bay quá đông. Buổi sáng, nhiều xe hướng Trường Chinh đi vào Cộng Hòa và ngược lại vào buổi chiều. Xe cộ nối đuôi đi từ từ và phải chấp nhận thực tế như vậy. CSGT luôn tạo điều kiện để phương tiện thoát ra khỏi khu vực nhanh nhất có thể.
"Cầu Hoàng Hoa Thám, buổi sáng CSGT phải dùng barie đóng hướng trung tâm thành phố đi ra để ưu tiên hướng ngoại thành đi vào, buổi chiều thì ngược lại. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và người dân đi đám tiệc nhiều, chúng tôi sẽ luôn tăng cường quân số điều tiết giao thông để hỗ trợ người dân tốt nhất có thể", vị này nói.