86 căn hộ đặc biệt trong lòng đất, nơi chào đời của 17 trẻ
(Dân trí) - Địa đạo Vịnh Mốc dài hơn 1km, hai bên hầm được khoét thành những căn hộ nhỏ đủ chỗ cho 3-5 người. Trong lòng địa đạo ngày ấy, giữa khói lửa chiến tranh, 17 trẻ đã cất tiếng khóc chào đời.

Địa đạo Vịnh Mốc, nằm tại xã Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những di tích lịch sử thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu.
Sau gần 60 năm, công trình địa đạo độc đáo này vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ địa danh lịch sử dọc chiều dài đất nước. Nơi đây ghi dấu lịch sử, biểu tượng cho ý chí kiên cường, lòng quả cảm của quân và dân Quảng Trị.

Khu vực Địa đạo Vịnh Mốc nhìn từ trên cao (Ảnh: Nhật Anh).
Những căn hộ đặc biệt trong lòng đất
Ngược dòng lịch sử, năm 1965, đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không lực, trong đó Vĩnh Linh (Quảng Trị) - vùng đất nằm trên vĩ tuyến 17 - trở thành một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất.
Giai đoạn 1965-1972, gần nửa triệu tấn bom, đạn đã dội xuống Vĩnh Linh. Giữa khói lửa chiến tranh, người dân vẫn kiên quyết bám đất, giữ làng, chủ động đào hầm, hào, địa đạo để vừa sinh sống, vừa chiến đấu.

Quân và dân Vĩnh Linh đánh trả máy bay địch (Ảnh: Tư liệu).
Chỉ trong các năm 1965-1967, người dân Vĩnh Linh đã đào được 114 địa đạo lớn nhỏ, tổng chiều dài lên tới 142km. Trong đó, Địa đạo Vịnh Mốc là công trình quy mô và tiêu biểu nhất.
Theo chị Phan Mai Phương, hướng dẫn viên tại Di tích Địa đạo Vịnh Mốc, công trình này được đào từ đầu năm 1966, trên vùng đồi bazan ven biển, thuộc thôn Vịnh Mốc và hoàn thành vào năm cuối 1967.
Địa đạo có 13 cửa ra, vào gồm 6 cửa hướng lên đồi và 7 cửa thông ra biển, giúp thông khí và sơ tán khi cần thiết. Đường hầm có hình vòm, cao 1,7m, rộng 1,2m, được chia thành 3 tầng, sâu 8-23m. Tầng 1 và 2 là nơi cư trú, sinh hoạt của người dân; tầng 3 dùng để dự trữ lương thực, cất giấu vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam.

Trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Nhật Anh).
Toàn bộ hệ thống địa đạo dài hơn 1km (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...), được thiết kế như một “ngôi làng trong lòng đất”. Đặc biệt, dọc hai bên đường hầm được khoét sâu thành từng ô với diện tích 2m2, là những căn hộ gia đình, đủ chỗ cho 3-5 người. Trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc có 86 căn hộ như vậy.
“Nói là căn hộ gia đình nhưng không phải ở chung cả với nhau mà sẽ phân tán ra, mỗi nhà 1-2 người. Việc này nhằm tránh thương vong tập trung vào một gia đình nếu không may trúng bom”, chị Phương lý giải.
Không chỉ là nơi ở, Địa đạo Vịnh Mốc còn có đầy đủ công trình phục vụ sinh hoạt và chiến đấu gồm 3 giếng nước ngọt, hội trường chứa khoảng 50 người, bảng tin, nhà hộ sinh, phòng phẫu thuật, bếp nấu ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh và cả hầm tránh bom khoan.

Tượng sáp được phục dựng, mô tả cuộc sống của người dân trong một căn hộ 2m2 ở Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Nhật Anh).
Cụ Hồ Văn Triêm (90 tuổi) là một trong những nhân chứng từng trải qua những năm tháng dưới lòng Địa đạo Vịnh Mốc.
Theo cụ Triêm, để có được hệ thống địa đạo, người dân thay nhau đào từ sáng sớm đến khuya. Người già đan rổ, gióng cho chị em phụ nữ gánh đất đá ra ngoài. Đàn ông luân phiên đào địa đạo bằng cuốc, xẻng chế tạo từ mảnh bom, vỏ đạn. Người dân còn tháo nóc nhà, đem gỗ xuống chống đỡ cửa hầm.
"Trong địa đạo, bố mẹ phải ngủ ngồi nhường chỗ cho các con nằm. Việc ăn uống, sinh hoạt vất vả, người dân chủ yếu nấu một bữa rồi ăn cả ngày, nhưng chỉ có khoai và sắn chứ cơm gạo không đủ. Những lúc bom đạn ngừng rơi, người dân mới lên mặt đất sản xuất, trồng trọt”, cụ Triêm nhớ lại.

Đoàn công tác báo Dân trí trong một lần thăm Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Nhật Anh).
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cuộc sống người dân Vịnh Mốc phần lớn diễn ra dưới lòng địa đạo, những đường hầm ẩm thấp, tối tăm, nhưng cũng là nơi nhen nhóm hy vọng sống còn.
Quân và dân Vịnh Mốc không chỉ dùng địa đạo làm nơi trú ẩn, tránh bom, mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, cứu chữa cho thương, bệnh binh; cùng với toàn huyện Vĩnh Linh ngày ấy lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Đặc biệt, từ Vịnh Mốc, hàng trăm chuyến thuyền cảm tử đã vượt biển chi viện kịp thời cho đảo Cồn Cỏ - tiền đồn thép giữa trùng khơi.
17 trẻ chào đời trong lòng địa đạo
Những năm tháng chiến tranh, có thời điểm hơn 1.200 người cùng sinh sống trong Địa đạo Vịnh Mốc.
Suốt gần 2.000 ngày đêm ròng rã ẩn mình dưới lòng đất để tránh bom đạn Mỹ, điều kỳ diệu là không một ai bị thương. Trên mặt đất, kẻ thù trút bom, đạn ác liệt nhưng dưới địa đạo, sự sống vẫn kiên cường nảy nở, 17 em bé đã cất tiếng khóc chào đời ngay trong lòng đất.

Mô phỏng cảnh sinh nở trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Nhật Anh).
Bà Hồ Thị Dữ (58 tuổi) là một trong 17 trẻ được sinh ra trong lòng Địa đạo Vịnh Mốc. Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng những câu chuyện về nơi mình cất tiếng khóc chào đời vẫn luôn in đậm trong trái tim bà.
“Mỗi lần nghe mẹ kể chuyện, tôi lại rưng rưng nước mắt, thương mẹ vô cùng. Tôi sinh ra đúng vào mùa mưa, nước thấm xuống từng vách đất của căn hầm tầng 1, người dân phải căng nilon che chắn để không bị ướt. Địa đạo chật chội, ẩm thấp, mẹ tôi sinh con phải sống trong cảnh bữa no, bữa đói”, bà Dữ kể.

Bà Hường (áo xanh) cùng bà Dữ trong một lần thăm lại Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Đức Tài).
Còn với bà Hồ Thị Hường (58 tuổi, trú tại thôn Vịnh Mốc), mỗi lần trở về địa đạo, nơi mình cất tiếng khóc chào đời, lòng bà lại trào dâng bao cảm xúc khó tả.
Bà Hường cho hay mẹ của bà nhiều lần nhắc lại những ngày tháng khốn khó dưới lòng đất, nơi sự sống được giữ gìn bằng tất cả ý chí và tình thương. Thời điểm đó thiếu thốn trăm bề, phụ nữ sinh con trong địa đạo, may mắn lắm mới có được miếng bông băng. Còn không, đứa trẻ vừa chào đời được mẹ bọc tạm trong manh áo cũ cho đỡ lạnh, đỡ ướt.
“Đến cả việc cắt cuống rốn cũng trở thành thử thách vì không có dao kéo, người dân phải dùng thanh tre được mài sắc để cắt. Câu chuyện thời ấy khiến tôi rất thương và thầm biết ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình được sinh ra trong điều kiện đặc biệt như vậy”, bà Hường tâm sự.

Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về giếng thông hơi ở Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Nhật Anh).
Những đứa trẻ từng cất tiếng khóc đầu đời giữa lòng đất Vịnh Mốc năm xưa, giờ đã ở tuổi lục tuần. Có người nay đã lên chức ông, bà, có người đã mất.
Với bà Hường, bà Dữ, họ vẫn thường xuyên tìm về căn hầm cũ, nơi từng là nôi sinh thành giữa bom đạn, lặng lẽ hồi tưởng quá khứ. Ở đó, họ như nghe lại tiếng ru của mẹ, nhịp thở của bố và cả những tháng ngày khốn khó nhưng chan chứa tình thương, ý chí và niềm tin vào ngày mai hòa bình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Trường Định, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc, cho biết mỗi ngày, nơi đây đón hàng trăm lượt khách tới thăm, cao điểm vào dịp nghỉ lễ lên đến hàng nghìn người. Trung bình mỗi năm Địa đạo Vịnh Mốc đón khoảng 50.000 lượt du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Định, không chỉ các bác cựu chiến binh, người lớn tuổi, những năm qua, Địa đạo Vịnh Mốc trở thành điểm đến khám phá, tìm hiểu lịch sử của rất nhiều bạn trẻ. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.