Quốc hội họp đợt 2, quyết định việc đổi tên thẻ căn cước
(Dân trí) - Đợt 2 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ 20/11 đến 29/11 với việc thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Luật Căn cước.
Ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 6, sau 9 ngày nghỉ để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Trong đợt họp thứ 2 của kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án luật quan trọng, gồm: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Sáng 27/11, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Căn cước, quyết định nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong suốt quá trình thảo luận, đó là đổi tên dự án luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước. Đi kèm việc này là đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
Cũng theo chương trình nghị sự, trong ngày làm việc cuối cùng (29/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi - một dự án luật đã nhiều lần "lỡ hẹn".
Nhưng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin dự án sửa đổi Luật Đất đai được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp kỳ 6, dự kiến chuyển sang phiên họp bất thường tháng 1/2024.
Đến nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn còn 14 vấn đề có hai phương án cần xin ý kiến Quốc hội.
Cũng trong đợt họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn cùng Nghị quyết kỳ họp thứ 6 sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của đợt 2.
Trong 2 tuần làm việc cuối, Quốc hội còn thảo luận về những dự án luật quan trọng, như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nội dung về việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng sẽ được Quốc hội dành thời gian bàn thảo ngay trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2.
Ngoài ra, tại đợt họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo hoạt động của các cơ quan tư pháp và thanh tra, lần lượt do Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, trình bày. Các báo cáo này sẽ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại hội trường ngay sau đó.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Quốc hội bố trí thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng tại đợt 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Theo dự kiến, Quốc hội bế mạc vào sáng 29/11, sau khi bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6.